Áp thấp nhiệt đới lao nhanh vào Biển Đông, mạnh thành bão trong 24 giờ tới

Sự kiện: Tin bão

Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đã đi vào Biển Đông và khả năng mạnh thành bão trong 24h tới, hướng về phía các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều nay (8/11), áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đã đi vào Biển Đông.

Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 610km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km và có khả năng mạnh lên thành bão, cơn bão số 12 trong năm 2020.

Đến 13 giờ ngày 9/11, bão số 12 ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 170km về phía Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 13 giờ ngày 10/11, tâm bão số 12 ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Campuchia.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện.

Kiểm tra, rà soát, có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; lao động trên lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản, các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đón lũ, kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, bão; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất ở Quảng Nam và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt.

Nguồn: [Link nguồn]

Biển Đông sắp hứng bão số 12, hướng vào các tỉnh Phú Yên – Ninh Thuận

Áp thấp nhiệt đới di chuyển rất nhanh vào Biển Đông và khả năng mạnh thành bão trong 24h tới, hướng vào các tỉnh từ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN