Xung đột Israel - Hamas và các kịch bản kinh tế thế giới

Nền kinh tế thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều kịch bản xấu có thể xảy ra nếu xung đột Israel - Hamas kéo dài và lan rộng.

Tại Hội nghị thường niên “Sáng kiến đầu tư tương lai” diễn ra tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) vào tuần rồi, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga nhận định cuộc xung đột Israel - Hamas hiện nay có thể ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.

Ông Banga lưu ý đến thực tế nền kinh tế thế giới hiện vốn rất dễ bị tổn thương khi vẫn đang nỗ lực phục hồi từ cơn bão lạm phát sau đại dịch và xung đột Nga - Ukraine. Một cuộc xung đột khác - và xảy ra ở khu vực sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới - sẽ khiến khả năng phục hồi khó khăn hơn.

Trung Đông bất ổn, điềm xấu với kinh tế thế giới

Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ở mức 3%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,5% được ghi nhận vào năm ngoái và vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình trong lịch sử. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, IMF đánh giá kinh tế toàn cầu vẫn đang gánh chịu hậu quả từ đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt trên toàn cầu.

Nhân sự lành nghề, đóng vai trò nghiên cứu và điều hành ở các công ty công nghệ cao ở Israel giảm 10%-15%, khi Israel huy động gần 360.000 quân dự bị, tương đương 10% lực lượng lao động, theo hãng tin Reuters.

Có thể thấy nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu nhiều áp lực lớn từ ảnh hưởng của các sự kiện địa chính trị trong quá khứ với lạm phát dai dẳng và chi phí vay cao.

“Rủi ro có xu hướng tăng lên. Lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao hơn một chút trong thời gian dài hơn. Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vượt qua mức 5% trong thời gian ngắn. Đây là vấn đề mà chúng tôi chưa từng thấy” - hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Banga.

Trong bối cảnh này, cuộc xung đột Israel - Hamas chắc chắn sẽ gây thêm rất nhiều áp lực cho kinh tế toàn cầu.

“Trước đây mọi người đều nói về việc tách rời kinh tế giữa phương Tây và Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay bây giờ vấn đề lớn hơn nhiều là Trung Đông và những gì đang xảy ra ở đây” - hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của ông Banga.

Dải Gaza vẫn bị không kích ngày đêm. Ảnh: WHO

Dải Gaza vẫn bị không kích ngày đêm. Ảnh: WHO

Các kịch bản có thể xảy ra

Trong trường hợp chiến tranh chỉ giới hạn giữa Israel và Hamas thì có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu sẽ còn giới hạn. Nếu xung đột lan rộng và kéo thêm nhiều nước tham gia thì khả năng Trung Đông - vốn là khu vực sản xuất dầu mỏ hàng đầu của thế giới - sẽ chìm vào bất ổn nghiêm trọng và kinh tế chắc chắn bị tác động nặng nề.

Theo Bloomberg, tất cả kịch bản xung đột Israel - Hamas có thể xảy ra đều sẽ đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Với kịch bản thứ nhất, xung đột không vượt ra ngoài phạm vi Dải Gaza và chỉ có hai bên Israel và Hamas tham chiến, giá dầu có thể sẽ tăng 3-4 USD/thùng. Ảnh hưởng kinh tế toàn cầu trong kịch bản này sẽ ở mức tối thiểu, đặc biệt nếu Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đồng ý bù đắp lượng dầu thiếu hụt trên thị trường toàn cầu bằng nguồn dự phòng.

Kịch bản thứ hai, cuộc xung đột biến thành cuộc chiến ủy nhiệm giữa một bên là Israel và bên còn lại là các lực lượng được Iran hỗ trợ, chẳng hạn Hezbollah. Trường hợp này, xung đột có thể sẽ lan sang Lebanon và Syria, nơi các lực lượng thân Iran đóng quân. Trong cuộc chiến Israel - Hezbollah năm 2006, dầu thô đã tăng 5 USD/thùng. Do đó, dự đoán giá dầu thế giới có thể tăng khoảng 10% so với hiện nay, nếu kịch bản này xảy ra.

Chiến tranh kiểu như vậy cũng sẽ lôi kéo thêm các nước như Ai Cập, Tunisia và bất cứ nước nào tham chiến chắc chắn sẽ bị đối mặt bất ổn chính trị. Những sự kiện như vậy tổng hợp lại có thể dẫn đến sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,4%. Ông Yair Golan, cựu Phó Tham mưu trưởng quân đội Israel, đánh giá rằng “nếu Hezbollah tham gia vào cuộc xung đột hiện nay thì thời điểm có thể là sau khi Israel bắt đầu chiến dịch trên bộ ở Gaza”.

Kịch bản thứ ba (được cho là khó xảy ra hơn) là nổ ra một cuộc xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran. Các chuyên gia dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái toàn cầu và giá dầu sẽ tăng lên 150 USD/thùng. Giá dầu tăng mạnh sẽ làm chệch hướng nỗ lực kiềm chế giá cả trên toàn thế giới khiến lạm phát toàn cầu ở mức 6,7% trong năm tới.

Theo chuyên gia Hasan Alhasan thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (ISIS), không nước nào trong khu vực, kể cả Iran, muốn thấy xung đột Israel - Hamas leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên “điều đó không có nghĩa là kịch bản này sẽ không xảy ra, đặc biệt là khi bị kích động và khả năng tính toán sai lầm là rất lớn”.

Israel lâu nay đã xem tham vọng hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu. Các động thái của Iran nhằm xây dựng liên minh quân sự với Nga, khôi phục quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia và quan hệ gần đây được đánh giá là “suôn sẻ” với Mỹ càng khiến Israel lo lắng.

Trong một cuộc đối đầu giữa Israel và Iran, Tehran có thể sẽ tìm cách kích hoạt toàn bộ mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm và đối tác của mình ở Syria, Iraq, Yemen và Bahrain. Các lực lượng này sẽ nhắm tới danh sách dài các mục tiêu cứng và mềm của phương Tây trong khu vực.

Israel “đốt” hơn 200 triệu USD/ngày trong xung đột với Hamas

Bộ trưởng Bộ Tài chính Israel Bezalel Smotrich cho biết cuộc xung đột hiện nay với Hamas đang tiêu tốn của Israel khoảng 1 tỉ shekel (khoảng 246 triệu USD) mỗi ngày. Tuy nhiên, ông Smotrich không đề cập đánh giá thiệt hại gián tiếp về kinh tế đang bị tê liệt một phần do giao tranh giữa hai bên.

Trước đó, tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global (Mỹ) đã hạ dự báo triển vọng kinh tế của Israel từ mức ổn định xuống mức âm. Ông Smotrich cho rằng việc S&P Global hạ dự báo triển vọng kinh tế Israel phát đi tín hiệu báo động.

Cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel (BCI) Baudot-Trajtenberg cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay thì Israel phải trông cậy vào dự trữ ngoại hối đáng kể, mức nợ công tương đối thấp (ở mức 60% GDP) và sự hỗ trợ quy mô lớn của Mỹ. BCI tuần trước đã phải mua vào số shekel trị giá 30 tỉ USD để cứu trượt giá cho đồng nội tệ này. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã yêu cầu Quốc hội Mỹ tăng ngân sách, bao gồm gói viện trợ 14,3 tỉ USD cho Israel, trong đó 10,6 tỉ USD dành cho vũ khí.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà Trắng: 'Nguy cơ xung đột Trung Đông lan rộng là có thật'

Washington nhận thấy “nguy cơ gia tăng” về một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông khi các nhóm chiến binh tiếp tục nhắm mục tiêu vào lực lượng Mỹ trong khu vực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN