Video mô phỏng tổn thương phổi của người nhiễm Covid-19 ở Mỹ

Một đoạn video mô phỏng 3D cho thấy lá phổi bị tổn thương của một bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Washington D.C, Mỹ.

Theo CNN, bệnh nhân hiện không thể tự thở được do lá phổi bị tổn thương nặng, theo bác sĩ Keith Mortman, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực tại Bệnh viện Đại học George Washington.

Những hình ảnh trong video cho thấy tổn thương lớn ở phổi của người nhiễm Covid-19. Đó là một người đàn ông 59 tuổi, trước đây hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ có bệnh huyết áp cao.

Kể từ khi ốm nặng, người này phải cần tới máy thở, nhưng ngay cả ở cấp độ cao nhất, máy thở này vẫn không đáp ứng được. Các bác sĩ phải dùng đến một máy khác trực tiếp lọc và truyền oxy thẳng vào máu, Mortman nói.

“Đây không phải là trường hợp của một người 70 hay 80 tuổi mắc bệnh tiểu đường”, Mortman nói. “Ngoài huyết áp cao, người đàn ông này không gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe”.

Bác sĩ Mortman nói rằng tình trạng viêm nhiễm ở phổi của người này ngày càng tồi tệ. Những phần màu vàng trong video là nơi phổi bị viêm nhiễm.

Vết viêm nhiễm rải rác khắp phổi người bệnh.

Vết viêm nhiễm rải rác khắp phổi người bệnh.

Người xem có thể nhận thấy những tổn thương không tập trung ở một chỗ, mà lan ra cả hai bên phổi. Ngay cả bệnh nhân trẻ tuổi cũng hoàn toàn có thể gặp tình cảnh tương tự. Phổi khỏe mạnh sẽ không có những vết viêm nhiễm màu vàng.

Bệnh nhân này hiện đang trong tình trạng nguy kịch ở khu điều trị tích cực. Bác sĩ Mortman nói những trường hợp suy hô hấp dẫn đến viêm phổi rất nhanh và lan rộng.

“Tổn thương đến mức độ này thì rất khó để phổi có thể hồi phục. Khoảng 2-4% người bệnh nhiễm Covid-19 sẽ gặp những tổn thương vĩnh viễn, để lại di chứng suốt đời”, bác sĩ Mortman nói.

Bác sĩ Mortman nói viêm phổi không phải trực tiếp do virus Corona mà đó là khi hệ miễn dịch của cơ thể cố gắng loại bỏ virus, tạo thành các ổ viêm.

Những vết viêm nhiễm ngăn phổi trao đổi khí O2 và CO2, khiến người bệnh phải hít thở gắng sức hơn để cân bằng lại lượng O2 và CO2 trong cơ thể.

Bác sĩ Mortmand nói những hình ảnh này phản ánh rõ nhất hệ quả khi virus xâm nhập vào cơ thể, hơn là chỉ nhìn các triệu chứng ở bên ngoài.

“Tôi muốn mọi người thấy những điều này và hiểu rõ tác động của nó”, Mortman nói. Đây là lần đầu tiên công nghệ video 3D được sử dụng để mô phỏng tác động của virus Corona đối với phổi.

Bác sĩ Mortman nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống Covid-19 còn dài và ca bệnh như người đàn ông 59 tuổi này sẽ chưa dừng lại.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia Bắc Âu có số ca tử vong vì Covid-19 tăng vọt, cân nhắc phong tỏa thủ đô

Thụy Điển đang cân nhắc phong tỏa thủ đô Stockholm, tách biệt với phần còn lại ở đất nước sau hàng loạt ca tử vong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN