Vì sao Tổng thống Mỹ rút quân khỏi Syria?

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria là mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19-12 thông báo quyết định rút toàn bộ khoảng 2.000 quân ra khỏi Syria sau khi tuyên bố Washington đã đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở đó. Toàn bộ binh sĩ Mỹ ở Syria dự kiến rút đi trong vòng 60 - 100 ngày. Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nhấn mạnh Mỹ đang chuyển tiếp sang một giai đoạn chiến dịch mới và rút quân không có nghĩa là chấm dứt chiến dịch chống IS.

Theo đài Deutsche Welle (Đức), ông chủ Nhà Trắng đã phớt lờ sự thuyết phục của các cố vấn quân sự và an ninh, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Báo The Washington Post nhận định diễn biến này phần nào cho thấy ảnh hưởng và vai trò đang giảm dần của ông Mattis, người từng lập luận sứ mệnh chống khủng bố ở Syria chưa kết thúc và việc rút quân sẽ làm tăng hỗn loạn tại khu vực cũng như gây thêm rắc rối cho Mỹ trong tương lai.

Vì sao Tổng thống Mỹ rút quân khỏi Syria? - 1

Lực lượng Dân chủ Syria và binh sĩ Mỹ tuần tra ở Hasakah - Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 4-11 Ảnh: REUTERS

Những người phản đối đặc biệt lo ngại nguy cơ các tay súng IS tập hợp trở lại. Nhà phân tích Mona Yacoubian của Viện Hòa bình Mỹ (USIP) nói với đài Deutsche Welle rằng cuộc chiến chống IS còn lâu mới kết thúc, nhất là khi chính Washington ước tính còn đến 30.000 tay súng của nhóm này tại Syria. Ngay cả Thượng nghị sĩ Lindsay Graham, người thường ủng hộ ông Trump, cũng gọi quyết định trên là thảm họa và cho rằng "chiến thắng lớn nhất là IS và Iran". Chưa hết, chuyện Mỹ rút quân đột ngột có thể bị xem là phản bội các tay súng đồng minh người Kurd đang sát cánh trong cuộc chiến chống IS, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của nước này.

Quyết định bất ngờ của ông Trump còn khiến một số đồng minh sửng sốt. Chính phủ Anh nói không tán thành đánh giá IS đã bị đánh bại trong lúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước ông sẽ điều nghiên quyết định của Mỹ và bảo đảm an ninh cho chính mình. Ở chiều ngược lại, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, nhận định sự kiện quân Mỹ rút khỏi Syria tạo ra triển vọng cho một giải pháp chính trị ở nước này, theo đài Sputnik.

Giới phân tích nhận định Nga, Iran và phong trào Hezbollah xem việc Mỹ rút quân là một thắng lợi lớn. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cảm thấy an tâm củng cố quyền lực và tập trung sức mạnh quân sự để đối phó các mối đe dọa khác. Trái lại, người Kurd sẽ rơi vào tình thế phải chống đỡ cả quân đội Syria và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, theo đài NPR.

Báo Nga Vzglyad lý giải: Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến Mỹ rút quân khỏi Syria là vì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Syria, người Mỹ ủng hộ người Kurd - vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa thường trực với họ. Người Mỹ ở lại Syria càng lâu sẽ càng làm tổn hại mối quan hệ vốn đã xấu đi với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu mất Ankara, vị thế của Washington trong khu vực sẽ suy yếu một cách nghiêm trọng.

Đối với Nga, hệ quả quan trọng nhất của sự kiện Mỹ rút quân khỏi Syria cũng liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Erdogan khi đó sẽ cân nhắc chọn lựa giữa Mỹ và Nga. Liệu nhà lãnh đạo này có bắt đầu chơi "quân bài Mỹ" chống lại Nga hay không, như đã từng thử hồi tháng 11-2015 sau khi bắn rơi máy bay ném bom của Nga ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ? 

Canh bạc gây sốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố ông biết về IS còn rõ hơn các tướng lĩnh của mình. Giờ đây, ông muốn chứng minh điều này thông qua canh bạc nhanh chóng rút quân khỏi Syria.

Thông tin gây sốc thế giới nói trên được công bố bất ngờ theo đúng kiểu của ông Trump, người tự tin tuyên bố sứ mệnh đánh bại IS đã hoàn thành. Tờ The Washington Post cho rằng hành động này một lần nữa chứng tỏ ông chủ Nhà Trắng chưa bao giờ có một chiến lược rõ ràng liên quan đến tình hình Syria. Tương tự, đài CNN nhận định đây dường như là quyết định bốc đồng, không có sự cân nhắc và thảo luận với các cố vấn hàng đầu cũng như đồng minh thân cận. Không ít người thậm chí hoài nghi ông chủ Nhà Trắng vội vàng thông báo như vậy để chuyển hướng sự chú ý ra khỏi những rắc rối pháp lý và thách thức chính trị thời gian qua.

Việc rút quân Mỹ khỏi Syria bị xem là trái ngược với mục tiêu hàng đầu trong chính sách Trung Đông của ông Trump - kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực - bởi Tehran và các nước khác có thể lấp vào khoảng trống Washington để lại. Đáng lo hơn, nhiều người chỉ trích đây là sai lầm chiến lược nghiêm trọng bởi nó có thể mở đường cho IS hồi sinh. "IS sẽ không biến mất chỉ vì một chiến dịch chống khủng bố và chúng sẽ trở lại dưới hình thức nào đó. Chúng ta sẽ mất đòn bẩy trong việc đối phó với Tổng thống Syria Bashar al-Assad hoặc Iran. Người Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ tranh giành lãnh thổ (tại Syria) nếu không có sự bảo đảm an ninh nào từ Mỹ đối với người Kurd" - ông Faysal Itani, chuyên gia của Hội đồng Atlantic (Mỹ), cảnh báo.

Dù vậy, một số chuyên gia ủng hộ quyết định của ông chủ Nhà Trắng khi cho rằng "bình ổn Syria" chưa bao giờ, hoặc không nên, là mục tiêu của nhà lãnh đạo này. Theo họ, việc thay thế ông Assad đòi hỏi một cuộc chiến lớn kiểu Iraq, từ đó gây ra thêm đau thương cho người dân tại đất nước đã trải qua hơn 7 năm nội chiến. Ông Christian Whiton, chuyên gia tại Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ), nhận định với kênh Fox News rằng thành tựu quan trọng nhất đến từ việc rút quân là ông Trump có thể tái tập trung sức mạnh quân sự để đối phó với mối đe dọa hàng đầu của Mỹ lúc này: Trung Quốc.

Hoàng Phương

Nước Mỹ ‘dậy sóng’ trước quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump

TPO - Quyết định rút quân khỏi chiến trường Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải những quan ngại từ chính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lục San ([Tên nguồn])
Tin tức Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN