Vì sao giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô đến Nam Cực chơi dù cho giá "cắt cổ"?

Không chọn châu Âu hay châu Mỹ, với những chuyến đi du lịch ở nước ngoài, giới nhà giàu Trung Quốc hiện nay lại có xu hướng đi trải nghiệm ở những nơi “khác người”, như Nam Cực, đỉnh Everest hay rừng nhiệt đới Amazon, vì những lý do chẳng giống ai.

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc thích đến Nam Cực du lịch vì muốn khoe khoang sự giàu có (ảnh: SCMP)

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc thích đến Nam Cực du lịch vì muốn khoe khoang sự giàu có (ảnh: SCMP)

Đã có hơn 8.100 người từ Trung Quốc đến thăm Nam Cực, trong hai mùa hè năm 2018 và 2019.

Hành trình đến Nam Cực được cho là một chuyến đi để đời, khi tìm đến một trong những lục địa xa xôi và nguyên sơ nhất thế giới. Nhưng với ông Kent Cai – một khách du lịch từ Trung Quốc hiện lại đang phải đối mặt với viễn cảnh “trắng tay”, khi bỏ ra hàng chục ngàn USD cho chuyến đi mà không có gì để trải nghiệm ngoài… băng.

Ông Cai là một trong số đoàn khách du lịch 120 người Trung Quốc đã bỏ ra chi phí 14.000 USD cho một công ty du lịch Canada, để thực hiện chuyến đi đến Nam Cực. Đây bị cho là số tiền “cắt cổ”, nhưng với những người giàu có đến từ Trung Quốc, số tiền này chẳng đáng là bao.

“Mỗi năm chỉ có bốn tháng có thời tiết thuận lợi để khách du lịch đến Nam Cực và cũng chỉ một vài tàu du lịch có thể đi tới đó. Chúng tôi không thể chờ đợi thêm để thực hiện chuyến đi này.

Có ít nhất 10 người bạn của tôi đã đến Nam Cực trong mấy năm qua. Hầu hết họ đều là những doanh nhân thành đạt, nên dĩ nhiên, tôi cũng phải trải nghiệm chuyến đi Nam Cực càng sớm càng tốt”, ông Kent Cai – doanh nhân đến từ Chiết Giang, một trong những tỉnh giàu nhất của Trung Quốc, cho biết.

Xuất phát từ mong muốn được “sống ảo” về chuyến đi Nam Cực, trên những phương tiện truyền thông hay mạng xã hội, một số lượng đáng kể người giàu là khách du lịch từ Trung Quốc, thay vì lựa chọn những điểm đến an toàn và hưởng thụ, ở những điểm đến tại Châu Âu hay Hoa Kỳ, thì nay họ lại có xu hướng tìm đến những địa điểm du lịch mạo hiểm, chẳng hạn như các vùng cực.

Nhiều khách du lịch Trung Quốc nghĩ rằng đi Nam Cực sẽ giúp ích cho công việc của họ (ảnh: SCMP)

Nhiều khách du lịch Trung Quốc nghĩ rằng đi Nam Cực sẽ giúp ích cho công việc của họ (ảnh: SCMP)

Ông Cai  giải thích cho quyết định của mình:

“Chuyến đi này sẽ là một sự công nhận về giá trị bản thân và thành công của chúng tôi so với các đồng nghiệp. Tôi đã đến Nam Cực cùng với 6 người bạn ở Dương Tử và Trùng Khánh. 

Chúng tôi đều là những người kiếm được từ 500.000 nhân dân tệ (71.000 đô la Mỹ) đến 2 triệu nhân dân tệ (285.000 đô la Mỹ) mỗi năm. Hầu hết mọi người đều là chủ của những công ty ngoại thương hoặc làm giám đốc điều hành cấp cao trong lĩnh vực sản xuất, bất động sản”.

Một khách du lịch Trung Quốc từ chối nêu tên, của công ty du lịch One Ocean Expeditions, cho biết, Nam Cực là điểm đến cuối cùng trong danh sách du lịch của anh:

“Tôi đã đến thăm mọi quốc gia và lãnh thổ trên thế giới . Giờ tôi chỉ còn Nam Cực để đi. Bỏ ra khoảng 14.000 USD cho chuyến đi là rất hợp lý. Tôi thậm chí còn chuẩn bị một biểu ngữ, để quảng cáo, thúc đẩy công việc kinh doanh của mình khi tôi đến Nam Cực. Chuyến đi này sẽ giúp cải thiện hình ảnh và vị trí công ty của tôi”.

Theo Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Nam Cực, tổng cộng đã có 56.168 khách du lịch, đã đến thăm những tảng băng và sông băng rộng lớn ở Nam Cực, trong mùa hè từ 2018-2019.

Trong số đó, có hơn 8.100 khách du lịch là người Trung Quốc, tăng hơn 3.000 người so với giai đoạn từ 2016-2017. Trung Quốc hiện trở thành quốc gia có số khách du lịch đến Nam Cực đông thứ hai thế giới, sau Mỹ. Đây là một bước nhảy vọt so với 10 năm trước đó, khi chỉ có 100 người Trung Quốc ghé thăm nơi này.

Theo Ctrip, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, năm 2018, khách du lịch Trung Quốc thường dành trung bình 23 ngày cho các tour du lịch đến Nam Cực. Mỗi tuor này có giá từ 50.000 nhân dân tệ (7.100 USD) đến 200.000 nhân dân tệ (28.000 USD).

Sự gia tăng khách du lịch Trung Quốc đến Nam Cực đang được xem là một vấn đề đáng lưu tâm. Phần lớn của lục địa Nam Cực được chỉ định là khu vực bảo vệ đặc biệt phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học và là nhà của các loài như chim cánh cụt, cá voi và hải cẩu.

Số lượng khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc, ngày càng tăng như hiện nay đang làm dấy lên lo ngại về những tác động xấu đối với môi trường của Nam Cực.

Số lượng khách du lịch quá đông làm dấy lên mối lo ngại về môi trường tại Nam Cực (ảnh: SCMP)

Số lượng khách du lịch quá đông làm dấy lên mối lo ngại về môi trường tại Nam Cực (ảnh: SCMP)

Đầu năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã phải ban hành những quy định và khuyến cáo người dân, công ty du lịch của nước này cần giảm thiểu những tác động của họ đến môi trường Nam Cực.

Ngoài việc cấm săn bắn động vật, thu thập các mẫu địa chất hoặc can thiệp vào động vật hoang dã, chính phủ Trung Quốc còn yêu cầu công dân nước mình không được để lại chất thải rắn khi rời khỏi. Những người vi phạm có thể bị đưa vào danh sách đen và bị cấm tới Nam Cực trong tối đa ba năm.

Các hướng dẫn tương tự cũng được chính phủ Trung Quốc ban hành vào năm 2016,  đối với khách du lịch của nước này khi đến thăm Tây Tạng, đỉnh Everest, trong nỗ lực chiến đấu với vấn nạn vẽ graffiti tại những khu vực danh lam thắng cảnh.

Số lượng du khách đến Nam Cực dự kiến ​​sẽ tăng hơn một phần ba trong giai đoạn từ 2019-2020, đạt khoảng 59.000 khách. 9 tàu du lịch đi xuyên băng mới cũng được đưa vào khai thác trong năm nay, theo Hiệp hội các nhà điều hành du lịch Nam Cực.

Ông Chen - giám đốc điều hành công ty du lịch Lameitour dự đoán: “Trong vài năm tới, số lượng khách du lịch Trung Quốc hàng năm đến Nam Cực sẽ tăng mạnh, khoảng 8.200 lượt mỗi năm”.

“Không có vấn đề gì, tất cả chúng ta sẽ bắt đầu chuyến đi trong mơ”, ông Kent Cai nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao du khách Trung Quốc trở thành “nỗi ám ảnh” toàn cầu?

Nếu tìm kiếm cụm từ “du khách Trung Quốc” trên Google, người xem có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt bài viết mô tả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam - SCMP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN