Vá đê bị vỡ ở Giang Tây, vì sao cần sử dụng cả người nhái?

Tình hình lũ lụt ở Giang Tây được đánh giá thuộc loại nghiêm trọng nhất Trung Quốc. Huyện Bà Dương, Giang Tây xảy ra sự cố vỡ 14 con đê và mới đây, đê ở hồ Bà Dương cũng bị vỡ một đoạn. Người dân sống ở ven hồ Bà Dương thậm chí còn phải đắp đê tạm trong thành phố.

Người nhái kiểm tra đê ở huyện Bà Dương (ảnh: China News)

Người nhái kiểm tra đê ở huyện Bà Dương (ảnh: China News)

“Có một vết nứt nguy hiểm ở trên thân đê và cần được gia cố khẩn cấp”, Wu Xinhu – một thợ lặn – ngoi lên và báo cáo tình hình.

Wu Xinhu leo lên bờ và nghỉ ngơi trong giây lát, sau đó anh lại ngậm ống oxy và nhảy xuống nước.

Trong nỗ lực vá hàng loạt đê mới vỡ ở huyện Bà Dương, Giang Tây, những người nhái như Wu là rất quan trọng. Họ có nhiệm vụ lặn sâu xuống nước, tìm kiếm những vết nứt, lỗ hổng trên thân đê và kịp thời báo cáo để sửa chữa.

Những con đê ở huyện Bà Dương chủ yếu được đắp bằng đất và chưa được quan tâm đúng mức trong mùa lũ năm nay. Việc ngâm dưới nước lũ lâu ngày có thể khiến phần thân đê bị xói lở, xuất hiện các vết nứt, lỗ hổng khiến nước tràn qua và sinh ra vỡ đê.

Tuy nhiên, công việc của những người nhái như Wu không phải là không nguy hiểm. Mặc dù được trang bị đồ lặn, bình oxy nhưng họ vẫn phải được buộc dây và có người ở trên bờ trợ giúp.

“Nếu thợ lặn giật dây liên tục, bạn phải nhanh chóng kéo họ lên bờ”, người giữ dây cho Wu nói.

Một con đường vào làng bị nước lũ nhấn chìm ở huyện Bà Dương (ảnh: Xinhua)

Một con đường vào làng bị nước lũ nhấn chìm ở huyện Bà Dương (ảnh: Xinhua)

Vì lặn dưới nước lâu sẽ hạ thân nhiệt và áp lực nước lớn, Wu phải lên bờ nghỉ sau mỗi nửa giờ làm việc.

“Tôi và một thợ lặn khác chia ca làm việc trong ngày, mỗi ca từ 3 – 4 tiếng”, Wu vừa nói vừa thở hổn hển, mắt anh đục ngầu như màu nước lũ.

Mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng Wu nói vẫn rất khó để kiểm tra tình hình của những con đê trong nước lũ.

“Tầm nhìn dưới nước lũ là rất kém trong khi sức người có hạn. Tôi phải lên bờ và nghỉ ngơi nhiều lần trước khi tiếp tục lặn. Nếu tìm thấy vết nứt, tôi có thể trám nó bằng những thanh gỗ, trước khi một nhóm khác được gọi tới xử lý”, Wu nói.

Wu nói rằng đội lặn của anh được điều tới Bà Dương và làm việc từ nay cho đến hết mùa lũ.

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, tình hình mưa lũ vẫn còn nghiệt ngã trong tuần này và tuần sau, thậm chí là cả tháng sau. Điều này gây áp lực lớn cho những người nhái như Wu.

Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết, mực nước ở 109 con sông nước này đã vượt quá giới hạn an toàn. Điều này có nghĩa là nước có thể tràn bờ bất cứ lúc nào. Trong tình huống hiện tại, biện pháp tốt nhất là nâng cao mặt đê, gia cố thân đê, sẵn sàng sơ tán người dân.

Người dân ven hồ Bà Dương đắp đê tạm (ảnh: Xinhua)

Người dân ven hồ Bà Dương đắp đê tạm (ảnh: Xinhua)

Đêm ngày 13.7, người dân và chính quyền Bà Dương vừa vá thành công con đê Guidaowei chắn nước sông Dương Tử bị vỡ hôm 8.7. Việc vá đê hoàn thành sau 83 giờ làm việc liên tục.

“Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm. Ứng dụng GPS và tốc kế nước giúp chúng tôi tính toán chính xác thời điểm đổ đất đá để tránh việc bị nước lũ cuốn trôi”, Zeng Mingyang – một kỹ sư thủy lợi vá đê Guidaowei – nói.

Việc hồ Bà Dương bị vỡ một đoạn đê đã khiến trung tâm huyện Bà Dương, cách đó khoảng 3 km bị đe dọa.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, việc tỉnh Giang Tây liên tục bị vỡ đê đã phần nào bộc lộ liên kết yếu trong công tác kiểm soát lũ lụt của Trung Quốc. Dự kiến vào khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8, lũ lụt ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh.

Những dự án thủy lợi lớn như đập Tam Hiệp chỉ có thể giảm thiểu tác động của lũ lụt chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn. Thời tiết diễn biến thất thường có thể gây ra các hậu quả vượt xa tính toán của con người, theo chuyên gia.

Gao Jianguo – chuyên gia thuộc Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc – cho rằng, sau trận lũ thảm khốc năm 1998, Trung Quốc đã chỉ đạo các địa phương phải xây đê cao hơn và xây nhiều công viên ven sông, hồ vừa để giải trí vừa ngăn lũ tràn vào khu dân cư.

“Những điều chỉnh này nhằm đảm bảo cho các thành phố như Vũ Hán (Hồ Bắc) và Cửu Giang (Giang Tây) không bị ảnh hưởng quá lớn bởi lũ lụt”, ông Gao nói.

Binh sĩ Trung Quốc ăn cơm ngay trên đê (ảnh: Xinhua)

Binh sĩ Trung Quốc ăn cơm ngay trên đê (ảnh: Xinhua)

“Những con đê làm bằng đất bùn ở Giang Tây gần như chắc chắn sẽ vỡ nếu ngâm nước quá lâu. Chính quyền lẽ ra nên thiết lập những khu đất sản xuất nông nghiệp ở gần đê. Như vậy sẽ sản xuất được nông nghiệp trong nhiều năm. Năm nào lũ lớn thì phần đất đó sẽ bị ngập nước, bảo vệ được khu dân cư”, ông Gao nói thêm.

Trong khi đang đón đợt mưa mới, những con đê mỏng yếu ở Bà Dương là thứ khiến người dân lo ngại nhất. Các làng đều cử ra một nhóm có kinh nghiệm để canh đê, cả tối và sáng.

“Tôi nhận trách nhiệm canh đê không chỉ bởi gia đình mà còn vì mọi người trong làng. Tôi rất lo nhà của mình sẽ bị ngập, thậm chí là bị lũ cuốn trôi. Nếu phát hiện vết nứt, tôi sẽ báo cáo và có người đến sửa ngay”, Zhu Lianggui, 67 tuổi, sống ở làng Chu Gia Kiều, Bà Dương, chia sẻ.

Cheng Zhiqiang, một người dân khác ở Chu Gia Kiều có nhà ở gần đê kể rằng mình đến thăm đê 3 – 4 mỗi ngày. Ông hy vọng nước mau rút nhưng chỉ thấy nước mỗi ngày một cao.

“Tôi cảm thấy rất buồn và lo lắng”, Cheng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Vỡ đê ở hồ nước ngọt lớn nhất TQ, 1.000 quân đổ về ứng cứu

Một đoạn video mới xuất hiện cho thấy con đê dọc hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc – đã bị vỡ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Tân Hoa Xã, China News ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN