Trump nới lỏng lệnh trừng phạt của Obama với tình báo Nga

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin tuần trước, chính quyền Trump đã quyết định nới lỏng lệnh trừng phạt từ thời Obama áp đặt lên cơ quan tình báo Nga.

Trump nới lỏng lệnh trừng phạt của Obama với tình báo Nga - 1

Cơ quan tình báo FSB của Nga được Trump nới lỏng lệnh trừng phạt.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa quyết định nới lỏng lệnh trừng phạt có từ thời Obama, nhằm vào Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB). Hành động này nhằm giúp các công ty Mỹ làm ăn dễ dàng hơn với đơn vị tình báo nổi tiếng của Nga.

Thông báo được Bộ Tài chính Mỹ công bố trên website cho hay lệnh trừng phạt được Obama ký từ năm 2015 sẽ được nới lỏng. Thời điểm đó, Obama cáo buộc chính quyền Nga tác động nền chính trị Mỹ bằng nghi án hack hệ thống máy tính. Lệnh trừng phạt năm 2015 áp đặt lên 4 mật vụ và 5 đơn vị Nga, trong đó có cơ quan tình báo FSB.

“Tất cả các giao dịch và hoạt động bị cấm theo Sắc lệnh Hành pháp 13694 sẽ được chính thức mở trở lại”, thông báo viết. Hãng tin TASS của Nga cũng nói rằng chính quyền Mỹ đã nới lỏng một phần lệnh trừng phạt nhằm vào FSB.

Phát ngôn viên của Tổng thống Putin không bình luận về sự việc: “Trước tiên chúng tôi cần biết những rủi ro đằng sau sắc lệnh mới”, ông Dmitry Peskov nói.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng Trump sớm muộn cũng sẽ xóa bỏ nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của người tiền nhiệm. Tuần trước, Trump có cuộc điện đàm quan trọng với Tổng thống Putin.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer phủ nhận thay đổi chính sách trừng phạt áp lên Nga mà khẳng định việc sửa đổi lệnh trừng phạt Nga là “hành động bình thường” của Bộ Tài chính. Điều này giúp doanh nghiệp Mỹ làm ăn dễ dàng hơn.

Trước đây, Trump từng tuyên bố ông sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp dụng từ năm 2014 với hành động được cho là chiếm bán đảo Crimea (Ukraine) của Nga. Đổi lại, Trump muốn kí một thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân song phương.

“Chúng ta đã có một số lệnh trừng phạt lên Nga. Để xem chúng tôi có thể thỏa thuận một số điều khoản có lợi hơn với chính quyền Kremlin hay không”, Trump nói tháng trước. “Và một điều quan trọng, tôi nghĩ rằng vũ khí hạt nhân cần phải được cắt giảm nhiều nhất có thể”.

Trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách tổng thống Mỹ, ông Obama đã phản đối ý kiến của Trump: “Lí do chúng tôi phản đối không phải vì vấn đề hạt nhân. Đó là vì độc lập, chủ quyền của một quốc gia như Ukraine đã bị Nga xâm phạm”.

Ngoại trưởng mới Rex Tillerson từng có mối quan hệ làm ăn với Nga cũng khiến nhiều người e ngại về xung đột lợi ích. Khi còn làm CEO của tập đoàn Exxon Mobil, ông từng kí một thỏa thuận năng lượng với chính phủ Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - Independent ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN