Thượng viện Mỹ cắt giảm mạnh ngân sách đề xuất hỗ trợ Ukraine

Thượng viện Mỹ đã đạt thỏa thuận chi tiêu ngắn hạn ngăn chính phủ đóng cửa sau ngày 30/9, với việc các nhà lập pháp đồng ý cắt giảm gần 20 tỷ USD ngân sách đề xuất cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp các lãnh đạo Thượng viện Mỹ hôm 21/9.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp các lãnh đạo Thượng viện Mỹ hôm 21/9.

Tối ngày 26/9 (giờ địa phương), Thượng viện Mỹ đã kết thúc cuộc tranh luận về dự luật ngân sách với việc lưỡng đảng thể hiện sự nhượng bộ.

“Trong suốt những ngày qua, các nhà lập pháp đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã làm việc một cách thiện chí để đạt được thỏa thuận tạm thời nhằm ngăn chặn khả năng chính phủ đóng cửa", lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer nói.

Nội dung đáng chú ý trong dự luật chi tiêu ngắn hạn là Quốc hội Mỹ đồng ý phân bổ 6,2 tỷ USD để chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Con số này giảm đáng kể so với đề xuất hơn 24 tỷ USD mà chính phủ Mỹ trình lên Quốc hội.

Mức chi tiêu 6,2 tỷ USD được cho là nhận được sự tán thành của phần lớn đảng viên Cộng hòa. Chỉ một số ít thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn bày tỏ sự phản đối.

Một trong các nhà lập pháp quyết phản đối đến cùng là thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul. "Tôi sẽ không thông qua bất kỳ dự luật chi tiêu nào bao gồm ngân sách hỗ trợ Ukraine. Cần phải loại bỏ hoàn toàn khoản chi tiêu này", thượng nghị sĩ Paul nói.

Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ đã đạt đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn.

Dự luật của Thượng viện sẽ đảm bảo chính phủ Mỹ có đủ ngân sách hoạt động đến ngày 17/11. Ngoài 6,2 tỷ USD được phân bổ để hỗ trợ Ukraine, Thượng viện cũng dành 6 tỷ USD để chính phủ đối phó thiên tai.

Hiện chưa rõ Chủ tich Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy có tán thành với dự luật chi tiêu mà Thượng viện thông qua hay không. Các nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện có lập trường cứng rắn hơn và không dễ thỏa hiệp như ở Thượng viện. Dự luật cần được Hạ viện thông qua để trình Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật trước thời hạn chót là ngày 30/9.

"Khi chúng ta có một Tổng thống quan tâm đến vấn đề Ukraine hơn cả vấn đề của nước Mỹ thì chúng ta đang gặp phải rắc rối", Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Chip Roy nói, ám chỉ ông Biden.

Trong hơn 1,5 năm, Mỹ đã hỗ trợ Ukraine tổng cộng hơn 110 tỷ USD, bao gồm 49,6 tỷ USD hỗ trợ quân sự, 28,5 tỷ USD hỗ trợ kinh tế, 13,2 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo và 18,4 tỷ USD được dùng để thúc đẩy năng lực sản xuất quốc phòng của Mỹ.

Tính đến ngày 9/8/2023, Nhà Trắng nói Mỹ đã chi hơn 91% ngân sách dùng để hỗ trợ Ukraine. Trong số 24 tỷ USD ngân sách mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất, khoảng 14 tỷ USD được dùng để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ trung bình hỗ trợ Ukraine với tổng giá trị khoảng 6,8 tỷ USD/tháng, bao gồm các khoản trả lương cho chính phủ và quân nhân Ukraine. Nếu chỉ tính riêng viện trợ quân sự, con số này là 2,7 tỷ USD/tháng.

Mức ngân sách 6,2 tỷ USD mà Thượng viện thông qua được dự đoán là không đủ để Mỹ duy trì hỗ trợ Ukraine trong 2 tháng và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải tính toán lại mức hỗ trợ.

Trước đó, Mỹ dự định sử dụng ngân sách đề xuất ở mức hơn 24 tỷ USD để tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến hết năm 2023.

Nguồn: [Link nguồn]

Đệ nhất phu nhân Ukraine nói về khả năng ông Zelensky tranh cử nhiệm kỳ hai

Phương Tây được cho là đang thúc đẩy Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống năm 2024, trong khi Đệ nhất phu nhân Ukraine, Olena Zelenska nói rằng bà không chắc chồng mình sẽ tiếp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN