Thách thức bủa vây Taliban

Taliban sẽ phải đối mặt không ít vấn đề mà Afghanistan đang hứng chịu, như hạn hán, dịch Covid-19, tình trạng đói nghèo, ngân khố cạn kiệt, nhiều cơ quan cứu trợ dừng hoạt động

Phong trào Taliban hôm 19-8 kỷ niệm Ngày Độc lập bằng tuyên bố đã đánh bại được Mỹ sau khi giành quyền kiểm soát đất nước Afghanistan. Dù vậy, phong trào này đang đối mặt ngày càng nhiều sức ép, thách thức trong lúc chưa công bố kế hoạch về việc sẽ điều hành đất nước như thế nào trong thời gian tới.

Kể từ khi chiếm giữ thủ đô Kabul hôm 15-8, Taliban tìm cách thuyết phục người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng họ không có ý định áp đặt trở lại chế độ cai trị hà khắc như giai đoạn 1996-2001, thay vào đó sẽ thúc đẩy hòa bình và tính bao trùm. Họ cho biết thêm đang nói chuyện với các quan chức cấp cao của những chính quyền trước đó về vấn đề chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không tin tưởng những cam kết này.

Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (thứ hai từ trái sang) trao đổi với một đại diện phong trào Taliban trong bức ảnh được đăng tải hôm 19-8 Ảnh: REUTERS

Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (thứ hai từ trái sang) trao đổi với một đại diện phong trào Taliban trong bức ảnh được đăng tải hôm 19-8 Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, theo báo The Washington Post, Afghanistan hiện còn đối mặt không ít vấn đề, như hạn hán, dịch Covid-19, tình trạng đói nghèo ngày một nghiêm trọng, ngân khố cạn kiệt, nhiều cơ quan cứu trợ dừng hoạt động do đà tiến của Taliban…Bà Mary Ellen McGroarty, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới tại Afghanistan, cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đang chực chờ xảy ra ở đó. Theo bà McGroarty, ngoài chuyện khó nhập khẩu lương thực, nạn hạn hán khiến mùa màng thất bát nghiêm trọng tại Afghanistan. Taliban đã đề nghị các cơ quan cứu trợ Liên Hiệp Quốc và những nhóm nhân đạo khác ở lại Afghanistan, nơi hàng triệu người đang sống nhờ cứu trợ lương thực từ bên ngoài.

Khó khăn càng thêm chồng chất khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady hôm 18-8 cho biết Taliban sẽ chỉ có quyền tiếp cận một phần nhỏ trong số 9 tỉ USD dự trữ quốc tế của nước này. Hầu hết số tiền này đang nằm tại các ngân hàng Mỹ và bị chính quyền Tổng thống Joe Biden đóng băng gần đây trong nỗ lực có được đòn bẩy đối với Taliban. Dù vậy, động thái này cũng đe dọa bóp nghẹt nền kinh tế Afghanistan, quốc gia hiện dựa nhiều vào viện trợ của Mỹ và quốc tế.

Các thách thức về chính trị cũng bắt đầu xuất hiện tại Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. Theo Reuters, các tay súng Taliban đã nổ súng vào đám đông cầm quốc kỳ Afghanistan trong Ngày Độc lập ở TP Asadabad, tỉnh Kunar hôm 19-8. Trước đó một ngày, tại TP Jalalabad thuộc tỉnh Nangarhar, nhiều người tuần hành phản đối Taliban với quốc kỳ Afghanistan trong tay. Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy có tiếng súng vang lên khi cuộc biểu tình diễn ra và, theo đài Al-Jazeera, ít nhất 2 người thiệt mạng. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở TP Khost thuộc tỉnh cùng tên, buộc các tay súng Taliban nổ súng để giải tán đám đông.

Trong diễn biến có thể khiến tình hình Afghanistan thêm khó đoán, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 18-8 cho biết đang sống lưu vong tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và có ý định trở về nước. Trước đó một ngày, Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh tuyên bố là "tổng thống lâm thời", kêu gọi sự viện trợ vũ khí và người dân tham gia cuộc chiến chống Taliban. Theo tờ The New York Times, ông Saleh đã chạy đến Thung lũng Panjshir thuộc tỉnh Panjshir và bắt tay với thủ lĩnh lực lượng chống Taliban tại đó là Ahmad Massoud, người có cha bị mạng lưới al-Qaeda ám sát 2 ngày trước sự kiện khủng bố 11-9-2001. Panjshir hiện là tỉnh duy nhất chưa rơi vào tay Taliban. 

Phép thử sớm tại sân bay

Tình trạng hỗn loạn tại sân bay ở thủ đô Kabul là một phép thử sớm đối với khả năng xử lý khủng hoảng của Taliban. Một quan chức phong trào này hôm 19-8 thúc giục đám đông đang tập trung bên ngoài sân bay này trở về nhà nếu không có giấy phép đi lại. Theo giới chức Taliban và NATO, ít nhất 12 người đã thiệt mạng bên trong và xung quanh khu vực sân bay do bị trúng đạn hoặc giẫm đạp kể từ ngày 15-8.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết số lượng binh sĩ Mỹ hiện diện tại sân bay này đã tăng lên gần 5.000 vào cuối ngày 18-8, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh và điều phối hoạt động sơ tán công dân Mỹ, người Afghanistan làm việc cho lực lượng liên quân. Ông John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho báo The New York Times biết mục tiêu là đưa 5.000-9.000 người khỏi đó mỗi ngày. Tổng thống Biden cam kết duy trì lực lượng tại Afghanistan cho đến khi mọi công dân Mỹ được sơ tán, ngay cả khi điều này có nghĩa binh lính Mỹ có thể ở lại đó sau thời hạn chót rút quân ngày 31-8.

Nguồn: [Link nguồn]

Thành trì cuối cùng ở Afghanistan không chịu khuất phục Taliban

Khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani rời đất nước trong ngày Taliban kiểm soát Kabul, chiến tranh tưởng như đã kết thúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN