Tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam tham gia duyệt binh hải quân ở Nga uy lực ra sao?

Tàu hộ vệ HQ-016 Quang Trung của Việt Nam đã cùng chiếm hạm các nước tham gia lễ duyệt binh trên biển kỷ niệm 323 năm Ngày Truyền thống Hải quân Nga hôm 28.7.

Tàu hộ vệ tên lửa HQ-016 Quang Trung đến Nga tham gia duyệt binh. Ảnh: Báo Hải Quân Việt Nam.

Tàu hộ vệ tên lửa HQ-016 Quang Trung đến Nga tham gia duyệt binh. Ảnh: Báo Hải Quân Việt Nam.

Để đến Nga dự lễ duyệt binh, tàu hộ vệ tên lửa HQ-016 Quang Trung đã vượt hành trình hơn 2.300 hải lý từ quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đến thành phố Vladivostok của Nga. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Hải quân Nhân dân Việt Nam thăm Nga và tham gia duyệt binh hải quân ở Nga.

Chiến hạm HQ-016 là tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard được Nga đóng cho Việt Nam theo đề án 11661E. Phiên bản Nga chế tạo cho Việt Nam là Gepard 3.9, với những cấu hình khác biệt so với tàu tên lửa Gepard của Nga.

Theo Naval Technology, năm 2006, Bộ Quốc phòng ký hợp đồng với nhà sản xuất vũ khí Rosoboronexport để chế tạo hai chiếc tàu đầu tiên trong lô hàng Gepard 3.9 cho Việt Nam.

Tàu HQ-011 Đinh Tiên Hoàng được hạ thủy năm 2007, đưa vào sử dụng tháng 3.2011. Tàu HQ-012 Lý Thái Tổ hạ thủy tháng 11.2007 và được đưa vào biên chế hải quân Việt Nam tháng 8.2011.

Tính đến năm 2018, hải quân Việt Nam sở hữu 4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard và đã đặt hàng thêm hai tàu nữa.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 Nga đóng riêng cho Việt Nam.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 Nga đóng riêng cho Việt Nam.

Chiến hạm Gepard 3.9 Nga chế tạo riêng cho Việt Nam đươc ưu ái mở rộng chiều rộng lên 13,8 mét (bản tiêu chuẩn là 13,09 mét), lượng giãn nước 2.100 tấn (bản tiêu chuẩn là 1.900 tấn). HQ-016 Quang Trung được đưa vào biên chế Lữ đoàn 162, Hải quân Việt Nam từ tháng 2.2018.

Theo Naval Technology, các tàu Gepard 3.9 được trang bị công nghệ tàng hình và vũ khí hiện đại. Tàu hộ vệ lớp Gepard của Việt Nam có thân vỏ góc cạnh, được sơn hấp thụ sóng radar, hạn chế tối đa diện tích phản xạ radar trước các hệ thống trinh sát của đối phương. Tàu cũng được trang bị các hệ thống gây nhiễu, tác chiến điện tử hiện đại.

Chiến hạm Gepard 3.9 có lượng giãn nước tối đa là 2.100 tấn, tốc độ tối đa đạt 28 hải lý/giờ (hơn 45 km/giờ), tốc độ tiết kiệm nhiên liệu là 18 hải lý/giờ (gần 29 km/giờ) và tầm hoạt động tối đa lên tới 5.000 hải lý (hơn 8.000 km).

Vũ khí chính của tàu HQ-016 Quang Trung là 8 tên lửa chống hạm 3M24E (Kh-35) với tầm bắn 130km, một pháo hải quân AK-176MA cỡ nòng 76,2 mm, một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Palma, hai pháo phòng thủ cực gần AK-630M cùng 4 ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn 533mm. Trực thăng Ka-28 được trang bị để tăng khả năng săn ngầm và trinh sát.

Phiên bản tàu hộ vệ Gepard của Nga còn được thay thế 8 ống phóng tên lửa chống hạm bằng 8 ống phóng tên lửa hành trình Kalibr-NK, tùy vào mục đích sử dụng.

Chiến hạm Gepard của hải quân Nga tập trận bắn đạn thật.

Năm 2015, tàu hộ vệ Dagestan lớp Gepard cùng với 3 tàu chiến khác của hải quân Nga đã phóng loạt tên lửa hành trình Kalibr nhằm vào các mục tiêu khủng bố ở Syria.

Các tên lửa này bay xa 1.500km, qua không phận Iraq và Iran, đánh trúng mục tiêu ở tỉnh Raqqa và Aleppo (khi đó do IS kiểm soát) và tỉnh Idlib do các nhóm thánh chiến kiểm soát. Quân đội Nga tuyên bố toàn bộ các tên lửa đã đánh trúng mục tiêu

Trong khi đó, tên lửa chống hạm Kh-35 được coi là một trong những trang bị ấn tượng nhất của tàu hộ vệ lớp Gepard. Tên lửa được thiết kế để tiêu diệt các tàu nổi có lượng giãn nước 5.000 tấn.

Với tốc độ tối đa 1.164 km/giờ, tầm bắn 130km, tên lửa chỉ cần chưa đầy 10 phút để tiêu diệt mục tiêu trên biển.

Có thể nói, các tàu Gepard 3.9 do Nga đóng cho Việt Nam được trang bị các khí tài tiên tiến nhất, giúp xây dựng lực lượng hải quân chính quy, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

“Hố đen đại dương” Nga khiến đối phương phải khiếp sợ

Tàu ngầm tàng hình thông thường chạy năng lượng diesel-điện của Nga đang rất thành công về mặt kỹ thuật và được các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN