Sự thật vụ Mỹ không kích diệt xe bom khủng bố IS ở Kabul?

Sự kiện: Tin tức Mỹ

Một cuộc điều tra mới cho rằng, người chết trong vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi cuối tháng 8 ở thủ đô Kabul không phải phần tử khủng bố lái xe bom mà là nhân viên một tổ chức phi chính phủ của Mỹ.

Video: Hãng New York Times tổng hợp các bằng chứng cho rằng người chết trong vụ không kích của Mỹ hôm 29/8 không phải phần tử ISIS-K

Lầu Năm Góc tuyên bố vụ tấn không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ hôm 29/8 đã nhắm trúng một chiếc Toyota màu trắng của ISIS-K - một nhánh của IS, từng thực hiện vụ đánh bom liều chết ở sân bay quốc tế Kabul, Afghanistan, khiến 13 quân nhân Mỹ và ít nhất 170 người Afghanistan thiệt mạng hôm 26/8.

Nhiều quan chức Mỹ khi đó khẳng định, "một số vụ nổ sau đợt không kích" cho thấy chiếc xe khả nghi chứa đầy chất nổ. 

Tuy nhiên, một cuộc điều tra với hình ảnh trực quan của tờ báo nổi tiếng ở Mỹ - New York Times (NYT), hôm 10/9, cho thấy, không có dấu vết nào chứng tỏ xảy ra các vụ nổ thứ cấp sau đợt không kích. Các bằng chứng chỉ cho thấy có mảnh vỡ của tên lửa Hellfire - thứ bắn vào chiếc ô tô gây ra cái chết của Zemari Ahmadi - nhân viên cứu trợ làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ - và nhiều người khác, phần lớn là trẻ em.

Các phóng viên của NYT đã phỏng vấn những người sống sót ở khu vực bị không kích, kiểm tra các video từ camera an ninh và hình ảnh vệ tinh. Từ đó, họ tổng hợp mọi thứ thành một video 10 phút. Mỗi bằng chứng đều cho thấy, thông báo chính thức về kết quả vụ không kích hôm 29/8 là chưa chính xác. 

Ahmadi là công dân Afghanistan đã làm việc 14 năm tại Nutrition & Education International - tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên thiết lập các nhà máy sản xuất đậu nành và phân phối thực phẩm cho người Afghanistan bị suy dinh dưỡng. 

Nhân viên cứu trợ này có một ngày làm việc bình thường hôm 29/8 khi đón đồng nghiệp đi ăn sáng và tới văn phòng công ty ở khu Karte Seh, Kabul. 

NYT dẫn lời của 5 người ngồi cùng xe với Ahmadi trước vụ không kích cho biết, những gì mà quân đội Mỹ cho là hành động bất thường thực ra là một ngày bình thường của Ahmadi. 

"Những gói hàng đáng ngờ" mà Ahmadi chất lên xe không phải thuốc nổ mà là thùng đựng nước mà nhân viên này mang lên văn phòng vì khu vực này đang trong tình trạng thiếu nước, theo những người đi cùng Ahmadi. 

Khi nhân viên cứu trợ này lái xe về nhà, những đứa trẻ ở nơi anh ta sống đã ùa ra chào đón. 

Tuy nhiên, nhóm không kích của quân đội Mỹ tuyên bố họ chỉ phát hiện một người đàn ông trong xe. Sau đó, một máy bay không người lái MQ-9 Reaper đã bắn một tên lửa Hellfire trúng chiếc xe tình nghi. 

Quân đội Mỹ tuyên bố có nhiều vụ nổ thứ cấp sau đó, chứng tỏ chiếc xe có chứa nhiều chất nổ nhằm tấn công người Mỹ ở sân bay Kabul. Một trong những người nói điều này là tướng Mark Milley, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. 

Tuy nhiên, tờ NYT cho biết, phóng viên của họ đã cho 3 chuyên gia xem các bức ảnh và video hiện trường. Cả 3 đều đồng thuận cho rằng, thiệt hại ở hiện trường là do một tên lửa Hellfire gây ra, không có vụ nổ thứ cấp nào khác. 

Vài ngày trước khi chết, Ahmadi đã xin thị thực đặc biệt để chuẩn bị cùng gia đình sơ tán sang Mỹ. Nhưng thay vào đó, Ahmadi và gia đình thiệt mạng trong một vụ không kích mà Lầu Năm Góc cho rằng đã tiêu diệt "các phần tử ISIS-K". Truyền thông địa phương và Taliban lên tiếng rằng, vụ không kích của Mỹ đã khiến dân thường thiệt mạng. Số người thiệt mạng cuối cùng là 3 người lớn và 7 trẻ em. 

Một tuần sau vụ tấn công, phóng viên hãng RT đã nói chuyện với em trai của Ahmadi là Emal - người thoát chết trong vụ không kích vì không có mặt ở nhà. Email đã xác nhận sự việc và cho biết, vụ không kích khiến một số thành viên trong gia đình anh chết tại chỗ, những người còn lại sau đó cũng qua đời vì vết thương nặng. 

Emal phủ nhận việc anh trai có liên quan đến ISIS-K và yêu cầu một cuộc điều tra về vụ không kích của Mỹ. Theo lời của Emal, người phương Tây và giới chức địa phương đều không quan tâm tới việc xem xét hiện trường vụ tấn công và tìm ra sự thật. 

Jamshid Yousoufi, người thân của Ahmadi và là bố của Sumaya - bé gái 2 tuổi được cho là đã thiệt mạng trong vụ không kích khi tới chơi ở nhà Ahmadi, không giấu nổi cảm xúc khi nói về vụ việc với phóng viên RT.

"Không có bất kỳ bằng chứng hay cuộc điều tra nào. Họ tấn công người thân của chúng tôi và cả lũ trẻ. Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ", Yousoufi nói. 

Nguồn: [Link nguồn]

Taliban nổi giận về đợt không kích của Mỹ nhằm vào IS ở Afghanistan

Taliban lên án mạnh mẽ đợt không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ngày 28.8, tiêu diệt hai kẻ khủng bố cấp cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - RT ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN