“Sân sau” của Nga đang rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc?

Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện cả về mặt kinh tế và quân sự ở khu vực Trung Á, nơi được coi là nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga suốt một giai đoạn dài của lịch sử.

Trung Quốc mới có cuộc tập trận chung với Tajikistan.

Trung Quốc mới có cuộc tập trận chung với Tajikistan.

Theo SCMP, ngày nay, Nga vẫn có ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Nhưng Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở Tajikistan, đặc biệt ở vùng núi hẻo lánh, giáp biên giới phía tây, nơi chính quyền trung ương bị hạn chế về mặt địa lý.

Quân đội Trung Quốc gần đây đã tập trận quân sự chung ở đông Tajikistan. Hai nước đều đem tới cuộc tập trận 1.200 binh sĩ. Cuộc tập trận kéo dài 8 ngày diễn ra ở khu vực Gorno-Badakhshan, giáp biên giới với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và Afghanistan.

Cuộc tập trận còn có sự hiện diện của phương tiện hàng không, phương tiện trinh sát trên mặt đất. Quốc gia không giáp biển này có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc, vì nơi này có thể là nguồn bất ổn tiềm tàng đối với khu vực Tân Cương giáp ranh của Trung Quốc.

Quốc gia này cũng nằm trên con đường giao thương quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra.

Artyom Lukin, giáo sư chính trị quốc tế ở Đại học Viễn Đông tại Vladivostok, nói Nga không hề vui vẻ với các hoạt động của Trung Quốc ở Tajikistan.

“Nga từ lâu coi khu vực Trung Á, bao gồm Tajikistan là ‘sân sau’, nơi chịu ảnh hưởng chính trị-quân sự của Nga”, ông Lukin nói.

Giới quan sát nhận định, các quốc gia khác ở Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan vẫn là đồng minh của Nga, nhưng Trung Quốc đang vượt lên trong quan hệ với Tajikistan.

Hồi tháng 2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng bảo vệ quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ giữa hai nước. Trung Quốc đã cấp tiền để Tajikistan xây thêm 11 trạm gác và một trung tâm huấn luyện dọc biên giới Afghanistan.

Trung Quốc có lợi ích chiến lược về kinh tế và quân sự ở Tajikistan.

Trung Quốc có lợi ích chiến lược về kinh tế và quân sự ở Tajikistan.

Đây chỉ là một phần trong các thỏa thuận sâu rộng hơn giữa hai nước, để tăng cường hợp tác và chống khủng bố, cải thiện an ninh.

Trung Quốc cũng vượt qua Nga về thương mại, khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Tajikistan. Trung Quốc chiếm tới 30% tổng khối lượng đầu tư nước ngoài vào quốc gia Trung Á, theo Tân Hoa Xã.

Trung Quốc cũng trở thành một trong 3 đối tác thương mại chính của Tajikistan, với kim ngạch thương mại lên tới 1,5 tỉ USD vào năm 2018.

Hãng thông tấn Nga Sputnik đã đăng bài xã luận, cảnh báo Trung Quốc đầu tư mạnh có thể đồng nghĩa với việc Tajikistan “đánh mất” một phần chủ quyền lãnh thổ. Bắc Kinh rất muốn kiểm soát khu vực biên giới Tajikistan-Afghanistan, Sputnik cảnh báo.

Nhưng ông Lukin cho rằng, Nga và Trung Quốc đang là hai đối tác chiến lược quan trọng nhất nên Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra các hành động có thể làm mất lòng Nga.

“Sự hiện diện của binh sĩ Trung Quốc ở Tajikistan cũng có thể đem lại lợi ích cho Nga vì Trung Quốc phải gánh chịu những chi phí cả về quân sự và chính trị ở các vùng núi hẻo lánh của Tajikistan”, ông Lukin nói.

Stephen Blank, cựu giáo sư Học viện Hải chiến Mỹ và là chuyên gia về khu vực Á-Âu, nói Nga dù không lên tiếng, nhưng đang quan sát kỹ lưỡng các diễn biến.

“Điều quan trọng là trong tương lai Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Á đến đâu. Và nếu cứ tiếp tục mở rộng thì Nga rõ ràng không thể không lên tiếng”, ông Blank nhận định.

Anh cử tàu chiến vào ”sân sau” của Nga, ”dằn mặt” Putin?

Hành động “ăn miếng trả miếng” giữa châu Âu và Nga ngày càng căng thẳng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN