Pakistan triệu tập nhà ngoại giao Mỹ vì tuyên bố Mỹ-Ấn
Bộ Ngoại giao Pakistan triệu tập phó chánh văn phòng đại sứ quán Mỹ bày tỏ sự quan ngại về tuyên bố tuần trước của lãnh đạo hai nước liên quan đến Pakistan.
Ngày 26-6, Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu tập phó chánh văn phòng đại sứ quán Mỹ để bày tỏ sự quan ngại về tuyên bố tuần trước của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm kêu gọi Pakistan đảm bảo không để lãnh thổ bị sử dụng làm căn cứ cho các cuộc tấn công quân sự nhằm vào nước khác.
Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên của Mỹ và Ấn Độ được đưa ra sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của hai nước tại Nhà Trắng hôm 23-6. Tuyên bố bị phía Pakistan chỉ trích và gọi đó là trái với các quy tắc ngoại giao.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng Mỹ nên kiềm chế đưa ra những tuyên bố có thể được hiểu là khuyến khích câu chuyện vô căn cứ và có động cơ chính trị của Ấn Độ chống lại Pakistan" - Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: REUTERS
Phía Pakistan nhấn mạnh sự hợp tác chống khủng bố giữa Pakistan và Mỹ đang tiến triển tốt, và theo đó việc xây dựng một môi trường thuận lợi, tập trung vào sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, là điều cấp thiết để củng cố hơn nữa quan hệ Pakistan-Mỹ.
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller thừa nhận rằng Pakistan đã thực hiện các bước quan trọng để chống lại các nhóm khủng bố, nhưng cho biết Washington mong đợi nhiều hơn nữa.
"Chúng tôi cũng nhất quán về tầm quan trọng của việc Pakistan tiếp tục thực hiện các bước để tiêu diệt vĩnh viễn tất cả các nhóm khủng bố, bao gồm Lashkar-e-Taiba (LeT) và Jaish-e-Mohammad, và các tổ chức bình phong khác của chúng. Chúng tôi sẽ nêu vấn đề này thường xuyên với các quan chức Pakistan" - ông nói.
LeT là nhóm Hồi giáo bị cáo buộc tấn công Mumbai năm 2008 khiến hơn 160 người thiệt mạng, trong khi Jaish-e-Mohammad nhận trách nhiệm về vụ đánh bom năm 2019 ở Kashmir của Ấn Độ khiến 40 lính bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng bị Mỹ xa lánh trong một thời gian. Ông bị Mỹ từ chối cấp thị thực vì vấn đề tôn giáo, bị cấm nhập cảnh Mỹ trong gần một thập kỷ.