Những rắc rối ở Mỹ sau thỏa thuận trao đổi tù nhân với Iran

Sự kiện 5 công dân Mỹ trở về từ nhà tù Iran để đổi lấy việc thả 5 người Iran bị giam giữ ở Mỹ và chuyển 6 tỷ USD cho Tehran đã gây ra phản ứng trái chiều. Những người chỉ trích Tổng thống Joe Biden, trong đó có cả cựu Tổng thống Donald Trump, khẳng định rằng các điều khoản của thỏa thuận “khuyến khích Iran và các kẻ thù khác của Mỹ” bắt thêm những con tin mới.

Ngược lại, chính quyền của Tổng thống Biden coi việc trao đổi đó như một thành tựu chính trị và ngoại giao mà cử tri sẽ ghi nhớ khi bỏ phiếu. Các cuộc đàm phán với Iran kéo dài hơn 2 năm. Trong tuyên bố gần đây, Tổng thống Biden nói rằng 5 người Mỹ vô tội bị cầm tù cuối cùng đã trở về nhà để gặp gia đình sau nhiều năm “bị hành hạ, dằn vặt và đau khổ”. Tổng thống Mỹ lưu ý rằng có quá nhiều người bị “giam giữ bất công” ở Nga, Venezuela, Syria và các nước khác trên thế giới.

Ông Biden hứa: “Chúng tôi sẽ không ngừng làm việc cho đến khi đưa được tất cả những người Mỹ bị bắt làm con tin hoặc bị giam giữ sai trái về nước”. Một ví dụ gần đây là vụ bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal ở Nga vào tháng 3 với cáo buộc hoạt động gián điệp.

Các con tin mới được trả tự do: Siamak Namazi, Morad Tahbaz và Emad Sharghi.

Các con tin mới được trả tự do: Siamak Namazi, Morad Tahbaz và Emad Sharghi.

Nhà Trắng cho biết, tổng thống đã có “cuộc trò chuyện rất xúc động” với gia đình các tù nhân. Siamak Namazi, một trong những người Mỹ được trả tự do, cho biết ông đã mơ về tự do trong gần 8 năm, sau 2.898 ngày “đau đớn trong tù”. “Tôi chân thành cảm ơn Tổng thống Biden và chính quyền của ông đã đưa ra những quyết định vô cùng khó khăn để cứu chúng tôi”, ông nói. Những người Mỹ gốc Iran (có hai quốc tịch) Namazi, Emad Sharghi và Morad Tahbaz bị giam tại nhà tù Evin từ năm 1972 (trước và sau Cách mạng Hồi giáo). Nhà tù này được coi là một trong những nơi tồi tệ nhất trên hành tinh. Do có số lượng lớn trí thức bị giam ở đây nên nó có biệt danh là “Đại học Evin”.

Theo yêu cầu của gia đình, tên của hai người Mỹ được trả tự do vẫn chưa được công bố. Cả 5 người đều bị buộc tội làm gián điệp. Sau khi 6 tỷ USD được chuyển từ tài khoản ở Hàn Quốc sang tài khoản ngân hàng ở Doha, các cựu tù nhân được đưa đến thủ đô Qatar, nơi diễn ra cuộc trao đổi theo kiểu Chiến tranh Lạnh 2 trong số 5 người Iran. 3 người còn lại từ chối trở về nước (2 người quyết định ở lại Mỹ, 1 người bay đến “nước thứ ba”).

Vào ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi đến New York để tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, những người Mỹ được trả tự do đã hạ cánh xuống một căn cứ không quân ở Virginia. Cuộc trở về của họ đã được tất cả các kênh truyền hình lớn của Mỹ tường thuật. Cùng với các tù nhân, mẹ của Namazi và vợ của Tahbaz, những người trước đây bị cấm rời khỏi Iran, cũng đã đến Mỹ.

Nhà ngoại giao Mỹ Brett McGurk.

Nhà ngoại giao Mỹ Brett McGurk.

Thỏa thuận này trùng với ngày kỷ niệm các cuộc biểu tình ở Iran nhân cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi. Cô bị đội tuần tra đặc biệt của “cảnh sát đạo đức” bắt giữ vì “không đội khăn trùm đầu” theo “tiêu chuẩn của nhà nước” Iran. Mahsa Amini qua đời tại bệnh viện vào ngày 16/9 năm ngoái. Theo các nhà chức trách, tại đồn cảnh sát, cô bị trụy tim và rơi vào tình trạng hôn mê. Tuy nhiên, những người phụ nữ bị giam cùng Mahsa Amini nói rằng cô bị đánh đập dã man và chết do hành động của cảnh sát. Phe đối lập tuyên bố cô bị xuất huyết não do bị đánh vào đầu trong quá trình bắt giữ.

Một làn sóng phản đối bùng lên khắp Iran suốt năm 2023. Để ngăn chặn các cuộc biểu tình mới, chính quyền Iran đã bắt giữ hàng chục người vào đêm trước ngày kỷ niệm. Các đại diện của phe đối lập Iran, bao gồm cả những người di cư sang Mỹ, cho rằng chính quyền Iran thỏa thuận với ông Biden ngay lúc này nhằm “đánh lạc hướng của thế giới khỏi tình hình nhân quyền tồi tệ”.

Hadi Ghaemi, Giám đốc điều hành Trung tâm Nhân quyền ở Iran, gọi sự kiện này là cái tát vào mặt nhân dân Iran khiến nhiều người trong nước tức giận. Tuy nhiên, các đại diện của phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc đã bác bỏ những lời chỉ trích, nói rằng thời điểm trả tự do cho những người Mỹ bị giam giữ chỉ phụ thuộc vào việc chuyển 6 tỷ USD vào tài khoản ngân hàng ở Doha và Iran không kiểm soát được quá trình này. Các đối thủ của ông Biden ở Mỹ có những lý do khác để nổi giận. Gay gắt nhất là cựu Tổng thống Donald Trump, người đang dẫn đầu cuộc đua giành đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa.

“Tôi đã đưa về nhà 58 con tin từ các nước khác nhau, kể cả Bắc Triều Tiên và chưa bao giờ mất xu nào. Tất cả các nước đều hiểu rằng cần phải thả những con người này về nhà! Rốt cuộc, các nước này thậm chí không nói đến chuyện tiền nong vì biết rằng sẽ không nhận được gì”, ông Trump viết trên trang mạng “Truth Social” của mình. “Một khi anh trả tiền, anh sẽ phải trả mãi mãi và nhiều con tin nữa sẽ bị bắt. Joe Biden đã bỏ ra 6 tỷ USD để đổi lấy 5 người. Iran đã cho (chúng ta) 0 USD để đổi lấy 5 người!”.

Cô Mahsa Amini bị bắt vì không đội khăn trùm đầu và đã chết tại đồn cảnh sát Iran.

Cô Mahsa Amini bị bắt vì không đội khăn trùm đầu và đã chết tại đồn cảnh sát Iran.

Trước đây, ông Trump gọi thỏa thuận thả cầu thủ bóng rổ Britney Greiner khỏi nước Nga là “điên rồ và tồi tệ”. Ông ta nói rằng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã từ chối trao đổi cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan, bị Moscow giam giữ từ năm 2018, với tay buôn vũ khí người Nga gốc Tajik Viktor Bout. Ông Trump không đơn độc. Các đảng viên Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ cũng không hài lòng với cuộc trao đổi tù nhân này. “Sự nhu nhược đáng ngờ của Joe Biden khiến Iran mạnh hơn và nước Mỹ kém an toàn hơn”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton ở Arkansas viết trên mạng xã hội X.

Càng gần đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, bất kỳ động thái nào của Nhà Trắng cũng gây ra sự chỉ trích từ các đối thủ chính trị. Đặc biệt là hiện nay, khi tại Quốc hội, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã phê chuẩn việc điều tra luận tội ông Joe Biden liên quan tới vụ làm ăn của con trai. Mặc dù nếu được Hạ viện thông qua thì Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát chắc chắn không thông qua, nhưng trong chính trị đôi khi quá trình quan trọng hơn kết quả.

Để làm rõ các tình tiết của vụ thỏa thuận, cựu phóng viên Báo Washington Post ở Tehran Jason Rezaian, người từng bị chính quyền Iran bắt và giam 544 ngày trước khi được thả vào năm 2016, đã phỏng vấn nhà ngoại giao Brett McGurk, điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia về Trung Đông và Bắc Phi. Là người đã tiến hành các cuộc đàm phán bí mật để trả tự do cho Jason Rezaian vào năm 2016, McGurk giải thích rằng “không phải mọi thứ đều đơn giản như vậy”. Khi thực hiện thỏa thuận, Tổng thống Biden hiểu rằng ông sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích cả trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, McGurk nhấn mạnh, nếu những người Mỹ không được trở về nhà, họ sẽ bị hành hạ đến chết tại một trong những nhà tù tồi tệ nhất thế giới thêm nhiều năm nữa. “Một số công dân của chúng ta có thể phải đối mặt với án tử hình”, nhà ngoại giao nhận xét.

- Thứ nhất, 6 tỷ USD được trả vì 5 người Mỹ gốc Iran không phải là tiền đóng thuế của người Mỹ. Hàn Quốc đã chuyển 6 tỷ USD cho các ngân hàng Qatar mà họ nợ Iran để mua dầu thô. Nghĩa là, như Tổng thống Ebrahim Raisi giải thích bên lề Liên hợp quốc, “số tiền này thuộc về Iran”.

- Thứ hai, số tiền này chỉ có thể được sử dụng để mua hàng hóa “thương mại nhân đạo”: thực phẩm, thuốc men và nông sản. Không được sử dụng cho chương trình hạt nhân, mua sắm vũ khí. Hiện nay, số tiền này phải chịu “nhiều hạn chế pháp lý hơn” so với khi còn ở Hàn Quốc. Những chi tiết đó rất quan trọng, McGurk nhận xét. Cần phải có thời gian để thống nhất ý kiến với người Iran.

Biểu tình rầm rộ ở Iran sau cái chết của cô Mahsa Amini.

Biểu tình rầm rộ ở Iran sau cái chết của cô Mahsa Amini.

Trả lời tuyên bố về việc chính quyền ông Trump đã giao nộp những người Mỹ “miễn phí”, quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia nhấn mạnh rằng các trường hợp có hai quốc tịch là “phức tạp nhất”. Dưới chính quyền ông Trump, không một công dân có hai quốc tịch nào được trả tự do. Đối với những người Mỹ đã được trả tự do thì lúc bấy giờ các thỏa thuận cũng được thực hiện cho “những người khá quan trọng mà Iran muốn lấy lại và họ đã trở về”. “Đó là những quyết định khó khăn đối với bất kỳ tổng thống nào. Nhưng, xin hãy trung thực với các sự kiện”, Brett McGurk nói trong một cuộc phỏng vấn.

Và, điều quan trọng nhất, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thỏa thuận này không thay đổi bất cứ điều gì trong quan hệ với Iran. Iran là “kẻ thù và quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố”. Mỹ sẽ đưa chế độ Iran ra truy cứu trách nhiệm ở đâu và khi nào có thể. Cuộc trao đổi không liên quan đến thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, mà theo nhận xét của Washington, đang đi vào ngõ cụt. Ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận và Tehran cũng không vội quay lại và tuân thủ các yêu cầu của phương Tây.

Khi thông báo về việc trao đổi tù nhân, Washington đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Bộ Tình báo Iran. Các biện pháp trừng phạt được công bố theo Đạo luật Levinson (được thông qua tại Mỹ vào năm 2020, theo tên của điệp viên FBI nghỉ hưu Robert Levinson, người được cho là đã chết khi bị giam giữ ở Iran). Luật này nhắm vào những người chịu trách nhiệm bắt giữ công dân Mỹ làm con tin.

Sự trở về của 5 người Mỹ gốc Iran không làm dịu đi “không khí lạnh giá” hiện nay trong quan hệ song phương giữa Washington và Tehran. Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken một lần nữa kêu gọi người Mỹ không đến Iran, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này cũng áp dụng cho các quốc gia khác thù địch với Mỹ. Sẽ rất khó đưa họ trở về, nếu những người này trở thành con tin mới trong “trò chơi chính trị” của những kẻ mạnh trong thế giới hiện nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Các công tố viên liên bang ở New York đã buộc tội một thủ lĩnh Yakuza (tổ chức tội phạm truyền thống ở Nhật Bản) âm mưu vận chuyển vật liệu hạt nhân từ Myanmar sang nước khác với niềm tin rằng chúng sẽ được Iran sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hậu ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN