Nguy cơ “chạy đua hạt nhân” lởn vởn bên lề cuộc tranh cử Mỹ

Một cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết Washington "phải thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới để đảm bảo độ tin cậy và an toàn trong thế giới thực". Trong khi đó, những người chỉ trích cho rằng động thái này có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu.

Những đề xuất nguy hiểm

Trong số mới nhất của tạp chí Foreign Affairs, Robert O'Brien - cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Donald Trump thúc giục cựu tổng thống Mỹ tiến hành các cuộc thử hạt nhân nếu ông thắng cử nhiệm kỳ mới. O'Brien viết rằng Washington “phải thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới về độ tin cậy và an toàn trong thế giới thực lần đầu tiên kể từ năm 1992” đồng thời nhấn mạnh làm như vậy sẽ giúp Hoa Kỳ “duy trì ưu thế về mặt kỹ thuật và số lượng so với kho vũ khí hạt nhân kết hợp của Trung Quốc và Nga”.

Một số chuyên gia hạt nhân bác bỏ ý tưởng này vì cho rằng không cần thiết phải nối lại các vụ thử, nhất là khi điều này sẽ đe dọa chấm dứt lệnh tạm dừng thử nghiệm mà các cường quốc nguyên tử lớn trên thế giới đã tôn trọng trong nhiều thập kỷ.

Robert C.O'Brien (bên phải), cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, vào năm 2019. Ảnh: New York Times.

Robert C.O'Brien (bên phải), cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, vào năm 2019. Ảnh: New York Times.

Vào cuối Chiến tranh Lạnh, năm 1992, Hoa Kỳ đã từ bỏ việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và cuối cùng đã thuyết phục các cường quốc nguyên tử khác làm như vậy. Thay vào đó, Washington chuyển sang sử dụng các chuyên gia và máy móc tại các phòng thí nghiệm quốc gia để xác minh tính sát thương của kho vũ khí hạt nhân. Đó là các siêu máy tính có kích thước bằng một căn phòng, máy X-quang mạnh nhất thế giới hay một hệ thống laser có kích thước bằng một sân vận động thể thao.

Trong bài viết của mình, cựu cố vấn an ninh O'Brien mô tả công việc đó chỉ là "sử dụng mô hình máy tính". Các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội và một số chuyên gia hạt nhân cũng chỉ trích việc thử nghiệm không nổ là không đủ để đảm bảo cho lực lượng quân sự Mỹ rằng kho vũ khí của họ hoạt động tốt. Vì thế, họ cũng kêu gọi Mỹ tiến hành những thử nghiệm thực tế.

Nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden và những đảng viên đảng Dân chủ khác cảnh báo rằng một cuộc thử nghiệm của Hoa Kỳ có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền từ các quốc gia khác. Rằng theo thời gian, việc nối lại các vụ thử như vậy có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân làm mất ổn định cán cân khủng bố toàn cầu và làm tăng nguy cơ chiến tranh thế giới.

“Đó là một ý tưởng tồi tệ”, Ernest Moniz - người giám sát kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ với tư cách là Bộ trưởng Năng lượng trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cho biết. “Các cuộc thử nghiệm mới sẽ khiến chúng ta kém an toàn hơn. Bạn không thể tách nó ra khỏi những hậu quả toàn cầu”.

Siegfried Hecker - cựu giám đốc Phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos ở bang New Mexico, nơi J. Robert Oppenheimer chỉ đạo việc chế tạo bom nguyên tử, cũng gọi thử nghiệm mới là sự đánh đổi rủi ro giữa lợi ích trong nước và tổn thất toàn cầu. Ông cho biết "chúng ta sẽ mất nhiều hơn" so với các đối thủ hạt nhân của Mỹ.

Bom hạt nhân B61 được thả từ máy bay. Một cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump cho rằng, bản thiết kế lại của loại bom này cần thử nghiệm nổ. Ảnh: New York Times.

Bom hạt nhân B61 được thả từ máy bay. Một cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump cho rằng, bản thiết kế lại của loại bom này cần thử nghiệm nổ. Ảnh: New York Times.

Không ai chắc ông Trump sẽ làm gì

Không rõ liệu ông Trump có hành động theo các đề xuất thử nghiệm hay không. Trong một tuyên bố, Chris LaCivita và Susie Wiles - đồng quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã không trực tiếp đề cập đến lập trường của cựu tổng thống về thử nghiệm hạt nhân. Họ nói rằng ông O'Brien cũng như các nhóm và cá nhân bên ngoài khác đã "bị hiểu lầm, nói quá sớm và có thể hoàn toàn sai" về các kế hoạch của chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ thứ hai (nếu ông thắng cử).

Mặc dù vậy, lịch sử về sự khoa trương, lối tiếp cận đe dọa và chính sách cứng rắn về hạt nhân của ông Trump cho thấy cựu tổng thống Mỹ có thể cởi mở với sự hướng dẫn như vậy từ các cố vấn an ninh. Năm 2018, ông từng khoe khoang rằng "nút bấm hạt nhân" của ông "lớn hơn và mạnh hơn nhiều" so với bộ điều khiển của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Một vụ nổ của Mỹ sẽ vi phạm Hiệp ước Cấm thử Toàn diện, từ lâu được coi là một trong những biện pháp kiểm soát vũ khí hạt nhân thành công nhất. Được các cường quốc nguyên tử trên thế giới ký kết vào năm 1996, hiệp ước này nhằm kiềm chế một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã tiến hành 45 vụ nổ thử nghiệm, Pháp thực hiện 210 vụ, Nga là 715 vụ và Mỹ thử 1.030 vụ, với mục tiêu phát hiện ra những sai sót trong thiết kế vũ khí và xác minh độ tin cậy của chúng. Các chuyên gia hạt nhân cho rằng sự chênh lệch về số lượng thử nghiệm mang lại cho Washington lợi thế quân sự vì nó ngăn cản các cường quốc khác phát triển kho vũ khí đa dạng và nguy hiểm hơn.

Vào năm 2017, lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump đã khơi lên khả năng thử nghiệm mới. Ngoài việc thảo luận về việc khởi động lại, các quan chức trong chính quyền của ông đã kêu gọi giảm thời gian chuẩn bị cho việc nối lại thử nghiệm hạt nhân của Mỹ. Cơ quan liên bang phụ trách địa điểm thử hạt nhân quốc gia đã ra lệnh rút ngắn thời gian cần thiết để chuẩn bị từ nhiều năm xuống còn 6 tháng. Lúc ấy, các chuyên gia hạt nhân cho rằng mục tiêu này là không thực tế vì thiết bị thử nghiệm tại địa điểm rộng lớn ở sa mạc Nevada đã xuống cấp hoặc biến mất.

Năm ngoái, Heritage Foundation - một nhóm nghiên cứu bảo thủ, đã khuyến nghị Mỹ loại bỏ thời gian chuẩn bị. Hướng dẫn chính sách của họ dành cho các ứng cử viên tổng thống bảo thủ kêu gọi Washington “chuyển sang trạng thái sẵn sàng kiểm tra ngay lập tức”.

Siegfried Hecker - cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos gọi thử nghiệm mới là sự đánh đổi rủi ro giữa lợi ích trong nước và tổn thất toàn cầu. Ảnh: Los Alamos Daily Post.

Siegfried Hecker - cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos gọi thử nghiệm mới là sự đánh đổi rủi ro giữa lợi ích trong nước và tổn thất toàn cầu. Ảnh: Los Alamos Daily Post.

Nguy cơ về một cuộc chạy đua chết chóc

Trong bài viết trên Foreign Affairs, cựu cố vấn an ninh O'Brien lập luận rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phản ứng yếu ớt trước sự gia tăng vũ khí hạt nhân của các cường quốc khác. Ông cho biết, việc thử nghiệm vũ khí nổ sẽ củng cố kho vũ khí của Mỹ và giúp ngăn chặn kẻ thù. Bài viết của ông tập trung vào việc kiểm tra tính an toàn và độ tin cậy của các thiết kế mới, chứ không phải các thiết kế đã được thử nghiệm trong Chiến tranh Lạnh.

Christian Whiton - cố vấn Ngoại giao trong chính quyền George W. Bush và Donald Trump đồng thời là người cung cấp nghiên cứu cơ bản cho bài viết của ông O'Brien, cho biết: "Sẽ là thiếu sót nếu triển khai vũ khí hạt nhân có thiết kế mới lạ mà chúng ta chưa từng thử nghiệm trong thế giới thực”.

Khi được hỏi ví dụ, Whiton đã trích dẫn hai loại vũ khí mới của Mỹ mà ông cho biết cần phải thử nghiệm nổ. Cả hai đều là vũ khí nhiệt hạch, còn được gọi là bom khinh khí. Và cả hai đều có sức công phá mạnh hơn nhiều lần so với quả bom san phẳng Hiroshima.

Quả bom đầu tiên được trích dẫn, W93, sẽ được lắp trên tên lửa phóng từ tàu ngầm. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố quá trình phát triển vào tháng 3/2022 và Whiton gọi đó là "một thiết kế hoàn toàn mới".

Đầu đạn, theo ghi chú, sẽ dựa vào "các thiết kế hạt nhân hiện đang được triển khai và đã được thử nghiệm trước đó". Hơn nữa, những người chế tạo đầu đạn tại phòng thí nghiệm Los Alamos, đã khẳng định rằng đầu đạn có thể được đưa vào sử dụng một cách an toàn và đáng tin cậy mà không cần phải dùng đến các cuộc thử nghiệm nổ khác.

Mỹ đã tiến hành 1.030 vụ thử hạt nhân trong thời Chiến tranh Lạnh, nhiều hơn bất cứ nước nào. Ảnh: CNN.

Mỹ đã tiến hành 1.030 vụ thử hạt nhân trong thời Chiến tranh Lạnh, nhiều hơn bất cứ nước nào. Ảnh: CNN.

Charles Nakhleh - phó giám đốc vật lý vũ khí của phòng thí nghiệm, cho biết trong một ấn phẩm của Los Alamos rằng các giải pháp thay thế cho vụ nổ thật “sẽ cho phép chúng tôi triển khai W93 mà không cần bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân bổ sung nào”. Nhưng Whiton không đồng tình với quan điểm ấy.

Vũ khí khác mà Whiton trích dẫn là B61-13, một biến thể của loại bom được triển khai lần đầu tiên vào năm 1968. Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố quá trình phát triển vào tháng 10 năm ngoái và Whiton cũng gọi nó là “được thiết kế lại hoàn toàn”. Mặc dù vậy, kế hoạch chính thức cho biết các bộ phận hạt nhân của quả bom sẽ được lấy từ phiên bản B61 cũ hơn rồi được tái chế trong mô hình mới.

“Ý tưởng cho rằng đây là một thiết kế không có cơ sở”, Hans Kristensen - giám đốc Dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, một tổ chức nghiên cứu tư nhân tại Washington cho biết. “Họ đã thử nghiệm phần phát nổ rồi”.

Tất nhiên, Whiton cũng không đồng tình. Cựu cố vấn này tin rằng ngay cả những thay đổi khiêm tốn cũng “cần phải được chứng minh trong thế giới thực”. Whiton lập luận Mỹ sẽ phải phát triển các đầu đạn mới để chống lại một loại vũ khí siêu nhanh mới nổi - được gọi là tên lửa siêu thanh và cho biết “các thiết kế đầu đạn mới này đòi hỏi phải có những thử nghiệm mới”.

Bất chấp những tuyên bố trái ngược nhau về vấn đề này và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cũng chưa có gì rõ ràng, các chuyên gia hạt nhân cho biết Trung Quốc và Nga có thể đang chuẩn bị những địa điểm thử nghiệm cho các vụ nổ mới trong trường hợp Mỹ khởi động lại chương trình của mình.

Tiến sĩ Moniz, cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, cho biết ông lo ngại Washington sẽ đi trước nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ thứ hai và thế giới sẽ rơi vào vòng xoáy của một cuộc chạy đua vũ trang như thời Chiến tranh Lạnh. Cuộc đua này sẽ trở nên toàn cầu hơn, sáng tạo hơn, chết chóc hơn và khó lường hơn nhờ những tiến bộ khoa học vượt bậc của nhân loại so với thời Chiến tranh Lạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của hải quân Mỹ tuần này bất ngờ nổi lên trên biển Na Uy. Động thái hiếm hoi này được đánh giá là nhằm phô trương sức mạnh và "gửi thông điệp tới Nga".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Khánh ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN