Người TQ bị giết ở thành phố Mỹ khiến đồng hương ớn lạnh

Một sinh viên Trung Quốc theo học tại Đại học Chicago của Mỹ đã bị bắn chết gần khuôn viên trường. Mẹ của nam sinh này dự kiến tới Mỹ hôm 17/11 để đưa hài cốt con về quê nhà. Đây không phải trường hợp duy nhất ở Chicago trong năm nay. 

Zheng Shaoxiong (phải), nam sinh viên Trung Quốc theo học tại Đại học Chicago, Mỹ, bị bắn chết. Ảnh: Google Maps/ University of Chicago

Zheng Shaoxiong (phải), nam sinh viên Trung Quốc theo học tại Đại học Chicago, Mỹ, bị bắn chết. Ảnh: Google Maps/ University of Chicago

Thời báo Hoàn cầu hôm 16/11 đưa tin, vụ nam sinh Trung Quốc bị bắn chết gây chấn động cho các sinh viên nước này đang học tại Đại học Chicago, ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Nhiều người tuyên bố họ "chưa bao giờ cảm thấy lo ngại" về an toàn cá nhân như lúc này, đồng thời kêu gọi Đại học Chicago nâng cao các biện pháp đảm bảo an ninh.

Hôm 9/11, Zheng Shaoxiong, 24 tuổi, đang đứng trên vỉa hè  trong khu dân cư Hyde Park thì bị Alton Spann, 18 tuổi, tiếp cận. Nghi phạm 18 tuổi giơ súng uy hiếp để cướp đồ của Zheng trước khi bắn vào bụng anh này, theo lời phó thanh tra Rahman Muhammad. 

Ông Muhammad cho biết, camera an ninh trong khu vực đã ghi lại cảnh Spann chạy về phía một chiếc Mustang màu đen và tẩu thoát. 

Vụ việc đau lòng thu hút sự chú ý của các sinh viên Trung Quốc tại Đại học Chicago cũng như cộng đồng người Hoa ở Chicago. 

Sau khi nhận hung tin về con trai, mẹ của Zheng tìm mọi cách để tới Mỹ đưa hài cốt con trai trở về quê hương. Shi Haotong, thành viên của Hiệp hội học giả và sinh viên Trung Quốc (CSSA) tại Đại học Chicago, chia sẻ với Hoàn cầu rằng, CSSA và lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago đã giúp mẹ của Zheng trong quá trình đi lại và xin visa tới Mỹ. 

Cộng đồng người Hoa tại Chicago gây quỹ ủng hộ gia đình Zheng. Truyền thông địa phương cho biết, tổng cộng 50.000 USD đã được quyên góp trong vài ngày để hỗ trợ gia đình nam sinh xấu số. 

Người TQ bị giết ở thành phố Mỹ khiến đồng hương ớn lạnh - 2

Bạn bè và cộng đồng người Trung Quốc ở Chicago tưởng nhớ Zheng. Ảnh: AP

Bạn bè và cộng đồng người Trung Quốc ở Chicago tưởng nhớ Zheng. Ảnh: AP

Nhiều sinh viên Trung Quốc tại Đại học Chicago cho biết vụ nam sinh Zheng bị bắn chết khiến họ ớn lạnh. "Đầu tiên, tôi cảm thấy buồn, sau đó là sốc và rồi giận dữ", một sinh viên Trung Quốc giấu tên chia sẻ. 

Từ vụ việc đau lòng, bà Shi Haotong cảm thấy thành phố Chicago ngày càng trở nên nguy hiểm kể từ khi dịch Covid-19 vượt khỏi tầm kiểm soát của Mỹ vào tháng 9/2020. "Sau khi biết nhiều tin tức về bạo lực, tôi không dám đi ăn tối bên ngoài", bà Shi nói. 

Citizen, một ứng dụng cung cấp thông báo tức thì và đưa tin trực tiếp các vụ việc hay hoạt động tội ác ở Mỹ, đang được nhiều sinh viên Trung Quốc tin dùng. 

Một sinh viên Trung Quốc ở Chicago chia sẻ với Hoàn cầu rằng, cứ vài phút lại có thông báo về hoạt động phạm tội trong thành phố. "Các cảnh báo diễn ra thường xuyên tới mức chúng khiến tôi bị sững người. Tôi chưa bao giờ lo lắng về tính mạng của bản thân như lúc này", sinh viên giấu tên cho hay. 

Cái chết của Zheng không phải là trường hợp duy nhất ở Chicago trong năm nay. Hồi tháng 1, Fan Yiran, một nghiên cứu sinh người Trung Quốc tại Đại học Chicago, bị giết trong một vụ xả súng bắt đầu ở Hyde Park và kết thúc ở Evanston. 

Sau cái chết của Zheng, Đại học Chicago đã gửi thư song ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung) tới các sinh viên, thông báo về các biện pháp nhất định mà họ triển khai để đảm bảo an toàn cho sinh viên, như tăng tần suất xe đưa đón từ 3 ngày/tuần lên 7 ngày/tuần hay gửi thông báo an toàn tới sinh viên. 

Tuy nhiên, đối với các sinh viên Trung Quốc, các biện pháp như vậy là chưa đủ. Bà Shi cho biết, nhiều sinh viên Trung Quốc sống bên ngoài khuôn viên trường và không có sự phân chia rõ ràng giữa khuôn viên trường với cộng đồng dân cư gần kề. Vì vậy, nếu Đại học Chicago không giải quyết được các vấn đề an toàn cho họ bên ngoài khuôn viên trường, các biện pháp khác chỉ là vô ích.  

CSSA đã đưa ra một đơn yêu cầu tới Đại học Chicago vào ngày 13/11, đề nghị trường nâng cấp các biện pháp đảm bảo an toàn cho sinh viên Trung Quốc. Một biểu ngữ của CSSA có nội dung: "Chúng tôi tới đây để học, không phải để bỏ mạng".

Một sinh viên khác nói: "Chúng tôi mong đợi một giải pháp dài hạn của trường để đảm bảo an toàn cho chúng tôi, chứ không phải chỉ là tạm thời". 

Theo Hoàn cầu, tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Mỹ khiến nhiều người Trung Quốc không còn mặn mà tới đây học tập. "Còn rất nhiều tình huống thiếu an toàn ở Mỹ. Đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn và có một số tội ác nhắm tới người châu Á", một sinh viên chia sẻ. 

Nguồn: [Link nguồn]

7 người TQ bị giết ở Nam Phi trong 50 ngày: Công dân TQ lo lắng, bất an

Dư luận Trung Quốc đang dành nhiều chú ý và bày tỏ sự phẫn nộ sau khi 7 công dân nước này liên tiếp bị giết hại trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Thời báo Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN