Ham "việc nhẹ lương cao", nhiều người TQ bị ép làm gái mại dâm ở Myanmar

Cảnh sát Trung Quốc đã tiếp nhận nhiều vụ án hình sự liên quan tới việc công dân nước này bị lừa để di chuyển từ Trung Quốc sang miền bắc Myanmar, bị giam giữ, tống tiền hoặc bán vào đường dây mại dâm. "Miếng mồi" khiến các công dân Trung Quốc "mắc câu" chính là một công việc được trả lương cao. 

Ảnh minh họa: Getty

Ảnh minh họa: Getty

Thời báo Hoàn cầu hôm 5/3 đưa tin, cảnh sát Trung Quốc đã nhắc nhở người dân tới các cơ quan giới thiệu việc làm chính thức và hợp pháp để được giới thiệu việc làm uy tín, đồng thời khuyến khích người dân tố giác các hoạt động lừa đảo tìm kiếm việc làm. 

Những trường hợp lừa đảo lao động được ghi nhận ở nhiều thành phố Trung Quốc những năm gần đây. "Những kẻ lừa đảo thường đăng quảng cáo việc làm trên các mạng xã hội trong nước để tìm kiếm mục tiêu, hứa hẹn rằng có nhiều việc làm lương cao ở nước ngoài", một người trong cuộc ở Myanmar chia sẻ với Hoàn cầu hôm 4/3. 

Khi những người Trung Quốc đến Myanmar, kẻ lừa đảo sẽ lấy hộ chiếu của họ. Những người Trung Quốc này bị ép phải làm lính đánh thuê, lừa đảo, gái mại dâm hoặc thậm chí là buôn bán ma túy. 

"Nếu không tuân theo bọn lừa đảo, họ sẽ bị nhốt vào phòng tối và đánh đập", người trong cuộc ở Myanmar chia sẻ. 

Một số cô gái Trung Quốc bị bọn buôn người lừa dối hoặc bị bạn bè, người quen gài bẫy vào đường dây mại dâm, theo Li, một công dân Trung Quốc làm việc tại Myanmar hơn 6 năm. 

Với việc Trung Quốc đang kiên quyết trấn áp hoạt động lừa đảo trên mạng trong những năm gần đây, nhiều kẻ lừa đảo đã chuyển tới khu vực miền bắc Myanmar. 

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hơn 100.000 người Trung Quốc ở khu vực miền bắc Myanmar có liên quan tới hoạt động lừa đảo trên mạng, Phoenix Weekly dẫn một nguồn tin quen thuộc với các cuộc điều tra của cảnh sát. 

Cảnh sát ở Kinh Sơn, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, đã bắt quả tang một băng nhóm 7 người tổ chức, vận chuyển bất hợp pháp 8 người Trung Quốc, với danh nghĩa xuất khẩu lao động, đến Myanmar năm 2020 trong một vụ lừa đảo qua mạng, tờ Chutian Metropolis Daily đưa tin hôm 1/3. 

Tháng 6/2020, băng nhóm này từng lén đưa các nạn nhân đến Myanmar qua huyện Mạnh Liên, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Các nạn nhân trong độ tuổi 20, bị buộc phải giao nộp tài sản cá nhân gồm sim điện thoại và thẻ căn cước. Khi tới nơi, họ bị yêu cầu tham gia vào mạng lưới lừa đảo qua mạng và lôi kéo người khác đánh bạc trực tuyến. 

Các nạn nhân bị hành hạ về tinh thần và thể xác nếu làm việc không tốt và buộc phải xin tiền gia đình để đổi lấy sự an toàn của bản thân, một nạn nhân giấu tên cho hay. 

Có chung đường biên giới 1.941 km với Myanmar, Lào và Việt Nam, tỉnh Vân Nam trở thành một trong những địa điểm chính để tội phạm buôn người và ma túy hoạt động xuyên biên giới. 

Dù biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar đã đóng lại do đại dịch Covid-19, các vụ vượt biên trái phép vẫn không ngừng diễn ra, một quan chức phụ trách đối ngoại ở biên giới Vân Nam cho hay. 

"Lính biên phòng đã sử dụng mọi thứ, thậm chí cả chó nghiệp vụ, nhưng bạn không thể triển khai binh lính canh gác mỗi 3-5 m tại biên giới trong thời gian cả ngày được", vị quan chức nói. 

Cũng theo vị quan chức này, trong những tháng qua, tại sân bay Cangyuan ở Lincang - một khu vực biên giới thuộc Vân Nam, hàng nghìn người bị nghi ngờ có kế hoạch vượt biên từ Lincang đã được thuyết phục trở về nhà. 

Phần lớn trong số này muốn tới miền bắc Myanmar để tham gia hoạt động lừa đảo qua điện thoại. Một số người từng có tiền án ở Trung Quốc. 

Cảnh sát Vân Nam đã thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm xuyên biên giới trong hơn một năm. Năm 2020, lực lượng chức năng Vân Nam bắt giữ hơn 13.000 người phạm tội xuyên biên giới. Trong số này, 5.655 người bị bắt giữ vì vượt biên trái phép, gấp 2,6 lần so với năm 2019. 

Nguồn: [Link nguồn]

Điều khiến Trung Quốc lo lắng sau đảo chính ở Myanmar

Cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2 khiến nhiều người ở Trung Quốc nhớ về "sự cố Myanmar" hồi tháng 11/2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN