Na Uy phản đối EU áp giá trần khí đốt Nga

Việc Liên minh châu Âu (EU) muốn áp giá trần khí đốt Nga có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng của khối, Bộ Năng lượng Na Uy cho biết.

Nga từng cảnh báo sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt nếu EU áp giá trần. Ảnh minh họa.

Nga từng cảnh báo sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt nếu EU áp giá trần. Ảnh minh họa.

Na Uy phản đối đề xuất của EU về việc áp giá trần đối với khí đốt Nga. "Động thái này có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng mà EU đang đối mặt, cụ thể là thiếu hụt khí đốt", Stein Grimsrud, phát ngôn viên Bộ Năng lượng Na Uy, nói, theo RT.

Trước đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cũng bác bỏ ý tưởng của EU. "Đó không phải là giải pháp mà chúng tôi có thể hưởng ứng. Chúng tôi không nghĩ rằng ý tưởng này là câu trả lời cho thách thức hiện nay của EU", ông Stoere nói.

Có những lo ngại rằng một khi EU áp giá trần khí đốt Nga thì khối có thể sẽ mở rộng áp đặt mức giá đối với các nhà cung cấp khác, bao gồm Na Uy và Qatar.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã cảnh báo sẽ dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho EU nếu khối nhất quyết áp giá trần. Giám đốc Điều hành Gazprom Alexei Miller nói rằng, bất kỳ động thái nào nhằm áp giá trần khí đốt đều sẽ vi phạm hợp đồng giữa các khách hàng EU và Gazprom, dẫn đến việc ngừng cung cấp hoàn toàn.

Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào đầu năm nay, Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho EU. Nga từng là nhà cung cấp khí đốt chính cho EU nhưng lượng khí đốt được Nga bơm sang châu Âu ngày càng giảm do lệnh trừng phạt và các vấn đề kỹ thuật.

Trước cuộc xung đột, Nga đáp ứng 41% nhu cầu khí đốt của EU, nhưng con số này hiện nay đã giảm còn 9%, Cao ủy Châu Âu về Năng lượng, Kadri Simson cho biết. 

Na Uy từng là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của EU, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Mùa hè này, Oslo đã phê duyệt giấy phép khai thác khí đốt tại 7 mỏ mới ngoài khơi để tăng sản lượng khí đốt khai thác thêm 8% so với năm 2021.

Bộ Năng lượng Na Uy xác nhận kế hoạch cung cấp 122 tỉ m3 khí đốt cho EU trong năm nay. Năm ngoái, Nga cung cấp 130 tỉ m3 khí đốt và 20 tỉ m3 khí hóa lỏng (LNG) cho khối.

Theo các nhà phân tích, Na Uy không có đủ năng lực ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu khí đốt cho EU tương tự như Nga.

Na Uy không thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở EU do nguồn dự trữ khí đốt của quốc gia hạn chế. 

Na Uy cũng không tham gia vào kế hoạch áp giá trần khí đốt do đang hưởng lợi nhuận cao vì giá bán tăng vọt. Thay vào đó, Na Uy đề nghị các đối tác châu Âu ký kết thỏa thuận hợp tác trên cơ sở hợp đồng dài hạn, theo RT.

Nguồn: [Link nguồn]

Na Uy tuyên bố gửi khoảng 160 tên lửa AGM-114 Hellfire cho Ukraine

Na Uy cho biết sẽ gửi khoảng 160 tên lửa AGM-114 Hellfire cho Ukraine cùng nhều trang thiết bị quân sự khác trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh - RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN