Mỹ "dội gáo nước lạnh" khi WHO muốn chính quyền ông Trump khôi phục tài trợ

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng đại dịch Covid-19 cho thấy sự cần thiết phải "đại tu" Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Hãng Reuters hôm 23/4 đưa tin, ông Mike Pompeo cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ không bao giờ khôi phục tài trợ cho WHO và thậm chí còn đang ấp ủ thành lập một tổ chức mới để thay thế.

Chia sẻ trên Fox News vào tối muộn hôm 22/4, Ngoại trưởng Mỹ cho biết cần phải "thay đổi cấu trúc của WHO" để sửa chữa thiếu sót của tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc này.

Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo. Ảnh: Getty

Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo. Ảnh: Getty

Khi được hỏi liệu ông có đang thúc giục thay đổi lãnh đạo của WHO, ông Pompeo trả lời: "Mọi thứ thậm chí còn hơn thế. Mỹ có thể thể sẽ không bao giờ tài trợ cho WHO".

Trong một buổi phỏng vấn trên chương trình phát thanh hôm 23/5, Ngoại trưởng Mỹ được hỏi liệu khi nào là thời điểm thích hợp để thay thế vai trò của WHO bằng một tổ chức khác. "Chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng các vấn đề này. Nếu WHO hoạt động và có hiệu quả, Mỹ sẽ luôn là một phần của tổ chức và đi tiên phong. Nhưng khi nó không hiệu quả, chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác trên thế giới để đưa ra một cấu trúc, mô hình quản trị có hiệu quả hơn", ông Pompeo trả lời.

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ liên tục có lời chỉ trích nhằm vào WHO, đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump đang cố "tìm kẻ thế mạng", đổ lỗi cho cách xử lý của WHO trong khi chính họ cũng đang gặp khủng hoảng khi đối phó với đại dịch Covid-19. Nước Mỹ giờ đang là tâm dịch của thế giới với số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh này nhiều nhất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không viện trợ cho WHO. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không viện trợ cho WHO. Ảnh: Reuters

Trong một bức thư gửi tới Tổng thống Donald Trump, đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ kêu gọi khôi phục nguồn tài trợ của Mỹ cho WHO ngay lập tức sau quyết định dừng viện trợ của ông chủ Nhà Trắng hồi tuần trước. Ông Trump cáo buộc WHO "thiên vị" Trung Quốc và không quyết liệt để ngăn dịch Covid-19.

WHO phủ nhận cáo buộc của chính quyền Tổng thống Trump, trong khi Trung Quốc cho biết nước này luôn minh bạch và công khai về dịch Covid-19.

Quốc hội Mỹ kiểm soát việc chi tiêu của nước này và có thể thông qua một đạo luật đảm bảo việc viện trợ cho WHO. Tuy nhiên, để trở thành luật, nó phải nhận được đầy đủ sự ủng hộ, bao gồm cả từ phía đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump nhưng điều này được cho là khó xảy ra.

Thống kê từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy, tính tới hôm 24/4, Mỹ có hơn 869.000 ca nhiễm, gần 50.000 ca tử vong vì Covid-19 và hơn 80.900 ca phục hồi.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Trump đề xuất biện pháp lạ chữa Covid-19, chuyên gia y tế ”giật mình” khuyên đừng làm

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/4 đề xuất tiêm chất khử trùng vào cơ thể bệnh nhân nhiễm Covid-19 như một biện pháp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN