Khả năng WHO kiện Trung Quốc vì COVID-19: Nhiều khó khăn

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có trong tay nhiều công cụ pháp lý để giải quyết được mâu thuẫn hiện tại giữa cơ quan này và Trung Quốc. Tuy nhiên, WHO sẽ sử dụng các công cụ này như thế nào với một quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế?

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) bắt tay Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) tại tòa nhà Quốc hội TQ hồi tháng 1-2020. Ảnh: REUTERS

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) bắt tay Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) tại tòa nhà Quốc hội TQ hồi tháng 1-2020. Ảnh: REUTERS

Ngày 18-5 (giờ địa phương) tới, toàn bộ 194 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tham gia phiên họp Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 73 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường trên toàn cầu. Tâm điểm của sự kiện là chờ xem Mỹ và đồng minh sẽ đem căng thẳng với Trung Quốc (TQ) xung quanh nguồn gốc khởi phát của virus SARS-CoV-2 ra một diễn đàn quốc tế quy mô lớn như thế nào.

Bản thân WHO thời gian qua cũng chịu nhiều chỉ trích do có liên quan đến cáo buộc thiếu minh bạch thông tin của Bắc Kinh. Tình báo Mỹ mới đây cũng khẳng định TQ hồi tháng 1 đã cố tình ngăn WHO ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Do vậy, cách WHO phản ứng và giải quyết các vấn đề này với TQ sẽ là một câu hỏi khác cần được trả lời, theo tờ South China Morning Post.

Khó khăn pháp lý cho WHO

Theo quy định của WHO, cơ quan này có thể chuyển các mâu thuẫn không thể giải quyết được sang cho Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thụ lý. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý nhận định đây là một kịch bản khó thành hiện thực. “WHO chưa bao giờ đưa quốc gia nào ra ICJ và tôi cũng không cho rằng điều đó sắp sửa diễn ra vì nếu làm như vậy, WHO đang tiến hành một điều chưa từng có tiền lệ” - GS Steven Hoffman thuộc ĐH York (Anh) cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia Atul Alexander thuộc ĐH Khoa học Tư pháp quốc gia (Ấn Độ) lưu ý ngay cả khi ICJ chấp nhận thụ lý và tiến hành xét xử thì sau đó cũng không có cách nào để thi hành phán quyết đưa ra do TQ là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. TQ chắc chắn sẽ dùng quyền phủ quyết để chặn mọi phiên thảo luận về thi hành phán quyết của ICJ nếu nó không có lợi cho nước này. “Tình huống này khá giống vụ Philippines kiện TQ ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hồi năm 2016. Phán quyết bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của TQ nên cho đến nay vẫn không có cách nào thi hành được” - ông Alexander nói.

Thậm chí, GS James Kraska thuộc ĐH Hải chiến Mỹ còn nhận định việc yêu cầu TQ tôn trọng luật pháp quốc tế là điều không tưởng vì “nước này dù biết rằng có nghĩa vụ pháp lý phải cung cấp đầy đủ thông tin về COVID-19 cho WHO và cộng đồng quốc tế nhưng sau đó vẫn cố tình che giấu thông tin tình hình dịch trong nước” - tờ The Wall Street Journal cho hay.

“Bỏ qua chuyện nước này liên tục khẳng định virus gây dịch có nguồn gốc tự nhiên, điều đáng trách là việc nước này không minh bạch những gì họ biết về dịch đã đặt các quốc gia khác vào rủi ro lớn hơn” - ông Kraska nhấn mạnh.

Một vấn đề khác nằm ở việc ICJ đơn giản là không đủ nguồn lực để xử lý cùng một lúc quá nhiều vụ kiện khi cơ quan này một năm chỉ xét xử khoảng 2-4 hồ sơ và vẫn còn rất nhiều vụ án khác đang trong diện chờ được giải quyết.

Giải pháp nào thay thế?

Dù vậy, giới chuyên gia chỉ ra WHO không nhất thiết phải dựa vào ICJ mới giải quyết được các mâu thuẫn với TQ. GS Steven Hoffman cho biết cơ quan này có thể áp dụng các điều khoản trong Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) được tất cả thành viên WHO thông qua năm 2005.

Được biết, mục đích của IHR là chuẩn hóa các khái niệm, thủ tục và biện pháp nhằm phòng, chống sự lây lan của các loại dịch bệnh và nguy cơ về sức khỏe công cộng trên phạm vi toàn cầu. Về mâu thuẫn liên quan đến diễn giải hoặc áp dụng IHR, văn bản này đề xuất vấn đề nên được giải quyết thông qua biện pháp thương lượng, hòa giải giữa tổng giám đốc WHO và các bên liên quan hoặc nhờ bên trung gian khác giải quyết.

Tuy nhiên, ông Hoffman nhấn mạnh rằng đến nay chưa có quốc gia hay tổ chức nào đồng ý giải quyết bất đồng thông qua cơ chế này. “Có rất nhiều thách thức trong quá trình các quốc gia giải quyết mâu thuẫn. Hàng chục nước đã vi phạm các quy định của IHR trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Chẳng hạn, việc áp đặt hạn chế thương mại và đóng cửa biên giới là vi phạm quá rõ Điều 43 của IHR. TQ về lý thuyết có thể kiện ngược lại chỉ cần dựa vào điều này” - chuyên gia này chia sẻ.

“Trên thực tế, các quốc gia và tổ chức quốc tế rất ngại phải áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết mâu thuẫn do tất cả chính phủ đều có lợi ích chung trong việc không áp dụng luật pháp một cách máy móc. Có lẽ TQ đã vin vào đây để có thể tự tin như vậy hiện nay.”

GS DAVID FIDLERcựu cố vấn pháp lý cho WHO 

Phản ứng của Trung Quốc

South China Morning Post nhận định gần đây giới lãnh đạo Bắc Kinh có vẻ đã bắt đầu cảm nhận được các sức ép từ phía cộng đồng quốc tế lên nước này trên mặt trận pháp lý khi truyền thông TQ liên tục phát đi các thông điệp cảnh báo “chuẩn bị có đòn đáp trả”. Nhiều chuyên gia của nước này cũng nhảy vào “tiếp lửa” khi tuyên bố cộng đồng quốc tế “không có cơ hội thắng” nếu kiện TQ.

“Các động thái như kiện TQ chỉ có mục đích là tăng ủng hộ chính trị cho các chính trị gia phương Tây. Chừng nào những thứ như “TQ phải chịu trách nhiệm” hay “bắt TQ bồi thường” trở thành những chủ đề nóng và được dư luận quan tâm thì mục tiêu của những người kêu gọi nó đã đạt được rồi” - chuyên gia về luật Liao Fan thuộc Viện Khoa học xã hội TQ khẳng định.

Vì sao Trung Quốc ngại điều tra độc lập về COVID-19?

Nhận định với tờ The Korea Times ngày 17-5, chuyên gia về châu Á Angela Stanzel thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế (Đức) cho rằng hiện TQ muốn duy trì một trạng thái mơ hồ về nguồn gốc của COVID-19 vì nếu có bằng chứng rõ ràng TQ là nguồn gốc của đại dịch thì đây sẽ là “thảm họa” cho hình ảnh mà Bắc Kinh cố công gầy dựng.

“Việc đại dịch COVID-19 có liên quan tới TQ đã đủ khiến cho hình ảnh của nước này xấu đi, do vậy bất kỳ bằng chứng nào (chứng minh TQ là nguồn gốc của dịch bệnh) cũng sẽ gây tổn hại tương tự cho TQ. Những bằng chứng như vậy sẽ mâu thuẫn với nỗ lực của TQ trong việc xây dựng một câu chuyện khác về nguồn gốc của virus, đặc biệt càng khiến cho Mỹ có động lực để đổ lỗi cho TQ” - bà Stanzel nhận định. 

Nguồn: [Link nguồn]

Căng thẳng Trung Quốc-Úc: 116 nước ủng hộ điều tra độc lập đại dịch Covid-19

Một liên minh nhiều quốc gia ủng hộ lời kêu gọi của Úc về một cuộc điều tra độc lập nguồn gốc của dịch Covid-19...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN