Hoàng tử Việt Nam từng làm tướng quân ở nước khác, đánh quân Mông Cổ thua tan tác

Dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các vua Trần, nhân dân Việt Nam đã 3 lần đánh bại quân Mông – Nguyên xâm lược, lập nên chiến tích lẫy lừng trong lịch sử. Nhưng ít ai biết rằng cùng thời điểm đó ở xứ sở Cao Ly (Hàn Quốc, Triều Tiên ngày nay), một vị hoàng tử Việt Nam cũng lãnh đạo đội quân của mình, nhiều lần đánh tan quân Mông Cổ.

Lý Long Tường – hoàng tử Việt Nam từng giúp Cao Ly phá tan quân Mông Cổ (tranh minh họa)

Lý Long Tường – hoàng tử Việt Nam từng giúp Cao Ly phá tan quân Mông Cổ (tranh minh họa)

Câu chuyện về Lý Long Tường – hoàng tử nhà Lý, “bạch mã” tướng quân từng hiển hách đánh bại quân Mông Cổ ở Cao Ly – có khởi đầu khá bi kịch.

Theo Đại việt Sử ký Toàn thư, Lý Long Tường sinh năm 1174, là con thứ 7 của vua Lý Anh Tông (1138 – 1175) và là chú của Lý Huệ Tông. Dưới thời nhà Lý, Lý Long Tường từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như Thái sư Thượng trụ quốc, Thượng thư tả bộc xạ, tước hiệu là Kiến Bình Vương.

Năm 1225 Lý Chiêu Hoàng (con gái Lý Huệ Tông) truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh, Lý Long Tường đã kiên quyết phản đối nhưng bất thành do thế lực họ Trần đã quá lớn. Sau khi giúp Trần Cảnh lên ngôi, Trần Thủ Độ – một quyền thần của nhà Trần – đã tổ chức thanh trừng hoàng tộc nhà Lý. Nhiều thành viên hoàng tộc nhà Lý bị tàn sát, lưu đày hoặc ép phải đổi họ.

Năm 1226, để bảo toàn tính mạng, Lý Long Tường bí mật thu thập bài vị, đồ tế bái của tổ tiên rồi cùng 6.000 người trong gia quyến, đầy tớ trung thành lên 3 chiếc thuyền lớn vượt biển, trốn khỏi Đại Việt.

Lý Long Tường đến Cao Ly, được vua Cao Tông tiếp đã nồng hậu (ảnh từ phim truyền hình Hàn Quốc)

Lý Long Tường đến Cao Ly, được vua Cao Tông tiếp đã nồng hậu (ảnh từ phim truyền hình Hàn Quốc)

Sự việc Lý Long Tường tới được Cao Ly là hoàn toàn tình cờ, theo Korea Times. Trên đường bỏ trốn, đoàn thuyền của Lý Long Tường gặp bão, phải vào Đài Loan trú ẩn. Sau khi rời Đài Loan, một trận bão lớn khác đánh dạt đoàn thuyền của hoàng tử nhà Lý vào bờ biển thành Trấn Sơn, tỉnh Hwanghae (Hoàng Hải) của Cao Ly. Tại đây, Lý Long Tường được vua Cao Ly Cao Tông (1192 – 1259) tiếp đón ân cần và cho phép ở lại định cư.

Theo truyền thuyết dân gian, trước khi Lý Long Tường đặt chân đến Cao Ly, vua Cao Ly Cao Tông đã mơ thấy một con chim phượng hoàng lớn từ phương nam bay tới. Ông cho rằng sự xuất hiện của Lý Long Tường ứng nghiệm với giấc mơ của mình nên rất vui mừng.

Không chỉ dâng lên nhiều lễ vật quý giá, Lý Long Tường còn thể hiện mình là người văn võ song toàn nên được vua Cao Ly Cao Tông rất kính trọng. Trên đất Cao Ly, Lý Long Tường mở trường dạy học và đào tạo quân sự, thu nhận hàng ngàn đệ tử.

Thời điểm Lý Long Tường đặt chân đến Cao Ly cũng là lúc những đội kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn tung hoành khắp Á – Âu. Xét về cục diện chính trị, lúc này Cao Ly và Mông Cổ đang có mâu thuẫn. Nếu chấp nhận cho Lý Long Tường ở lại, vua Cao Ly Cao Tông sẽ có thêm sức mạnh từ hạm đội 6.000 người của ông. Lý Long Tường lại là người tài giỏi xuất chúng, có kinh nghiệm chỉ huy quân sự. Vì vậy, Cao Tông trọng dụng Lý Long Tường cũng là điều dễ hiểu.

Theo Korea Times, năm 1225, Mông Cổ cử sứ giả tên Trứ Cốc Dư (Chu Ku Yu) tới yêu cầu Cao Ly thần phục và cống nạp nhưng bị từ chối. Trứ Cốc Dư tức giận buông lời nhục mạ Cao Ly, liền bị Cao Tông xử tử. Năm 1232, Đại hãn Mông Cổ là Oa Khoát Đài đem quân tới đánh báo thù. Trong trận chiến này, Cao Ly đã huy động mọi lực lượng trên cả đất nước để đối phó với quân xâm lược.

Chiến tranh Cao Ly – Mông Cổ, Lý Long Tường lập đại công (ảnh: History)

Chiến tranh Cao Ly – Mông Cổ, Lý Long Tường lập đại công (ảnh: History)

Quân Mông Cổ chia làm 2 đường thủy bộ tiến vào Cao Ly. Trong đó, đạo quân đường thủy tấn công trực tiếp vào tỉnh Hoàng Hải – nơi Lý Long Tường cùng quân dân địa phương trấn thủ. Nhờ tinh thần chiến đấu quật cường, đội quân do Lý Long Tường chỉ huy đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch, cầm chân thành công đạo quân thủy của Mông Cổ ở Hoàng Hải.

Nhận thấy tài năng của Lý Long Tường, Cao Tông Cao Ly phong cho ông chức tướng quân, trực tiếp nắm quyền chỉ huy quân đội Cao Ly ở tỉnh Hoàng Hải đối phó Mông Cổ. Khi ra trận, Lý Long Tường thường cưỡi một con ngựa trắng dũng mãnh nên người dân quen gọi ông là Bạch mã Tướng quân.

Mặc dù cánh quân đường thủy bị chặn đứng ở Hoàng Hải, nhưng quân chủ lực tiến theo đường bộ của Mông Cổ do tướng Tát Lễ Tháp (Saritai) chỉ huy lại liên tiếp giành thắng lợi.

Mùa xuân năm 1232, quân Mông Cổ đã chiếm được kinh đô Khai Thành (Gaeseong) của Cao Ly. Khu vực Trung Châu (miền Trung bán đảo Triều Tiên) của Cao Ly hoàn toàn bị quân Mông Cổ kiểm soát. Nhận thấy không thể đánh bại quân Mông Cổ do sức chiến đấu quá chênh lệch, vua Cao Tông Cao Ly quyết định nghị hòa.

Theo Weapons And Warfare, Cao Ly đồng ý cống nạp 10.000 bộ da rái cá, 20.000 con ngựa, 10.000 tấm lụa cùng nhiều thợ thủ công giỏi cho Mông Cổ.

Sau khi rút quân, Tát Lễ Tháp còn để 72 quan cai trị người Mông Cổ ở lại Cao Ly để đảm bảo việc tuân thủ các điều khoản của hòa ước. Sự hoành hành ngang ngược của 72 viên quan hống hách này khiến Thừa tướng Thôi Vũ (Choi Woo) – một quyền thần của Cao Ly – rất căm giận. Trong triều đình Cao Ly lúc bấy giờ, Lý Long Tường là một trong số ít người được Thôi Vũ kính trọng vì tài chỉ huy quân sự và tinh thần chiến đấu quật cường trước Mông Cổ.

Thụ hàng môn – di tích nơi Lý Long Tường đánh bại quân Mông Cổ (ảnh: Korea Travel)

Thụ hàng môn – di tích nơi Lý Long Tường đánh bại quân Mông Cổ (ảnh: Korea Travel)

Giữa năm 1232, bất chấp sự cầu xin của vua Cao Tông, Thôi Vũ ra lệnh cho toàn bộ hoàng tộc và triều đình Cao Ly phải rời bỏ kinh đô Khai Thành để chuyển tới đảo Giang Hoa (Ganghwa) chuẩn bị đối phó với Mông Cổ.

Sau thất bại của quân Mông Cổ trước Lý Long Tường ở Hoàng Hải, Thôi Vũ cho rằng, điểm yếu cơ bản của quân Mông Cổ là không giỏi thủy chiến. Ông gấp rút xây dựng pháo đài phòng thủ vững chắc ở Giang Hoa, trưng dụng toàn bộ thuyền bè trong cả nước rồi tuyên chiến với quân Mông Cổ. Hành động của Thôi Vũ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Lý Long Tường.

Đáp lại sự khiêu khích này, quân Mông Cổ do Tát Lễ Tháp chỉ huy một lần nữa tiến đánh Cao Ly. Mặc dù chiếm được phần lớn các vùng đất phía bắc Cao Ly, nhưng quân Mông Cổ tỏ ra bất lực khi công phá căn cứ trên đảo Giang Hoa. Trong một cuộc ác chiến, Tát Lễ Tháp bị giết ngay tại trận, buộc quân Mông Cổ phải rút lui.

Tháng 12.1253, Lý Long Tường được lệnh trấn thủ tỉnh Hoàng Hải trước chiến dịch xâm lược lớn của quân Mông Cổ do Đại hãn Mông Kha phát động. Lý Long Tường chỉ đạo quân đội của mình củng cố thành trì, tích trữ củi đốt và lương thảo, sẵn sàng đối phó quân Mông Cổ.  

Theo Korea Times, quân đội ở Hoàng Hải do Lý Long Tường chỉ huy rất tinh nhuệ, giỏi thủ thành và chiến đấu ngoan cường. Lý Long Tường cho xây pháo đài với 3 mặt dựng tường cao, một mặt chỉ dựng rào chắn. Quân Mông Cổ chọn đánh vào nơi có rào chắn vì cho rằng nơi đó dễ công phá nhất, nhưng chúng liên tục bị dội nước sôi và đá tảng. Quân Mông Cổ bắn pháo vào thì trong thành bắn pháo ra.

Lý Long Tường còn nghĩ ra cách đun sôi mỡ lợn trút xuống khiến quân địch thiệt hại nặng nề. Suốt 5 tháng ròng, quân Mông Cổ do tướng Đường Cơ cầm đầu vẫn không chiếm nổi Hoàng Hải.

Không muốn cuộc chiến kéo dài, Đường Cơ nghĩ ra kế hiểm. Ông ta giả vờ xin nghị hòa, đem nhiều hòm châu báu tặng cho Lý Long Tường. Tuy nhiên, bên dưới lớp vải phủ kín vàng bạc, những sát thủ Mông Cổ bố trí trong hòm được lệnh tìm cách ám sát bằng được Lý Long Tường. Nếu không ám sát được, chúng có thể gây ra hỗn loạn bằng cách phóng hỏa, tạo điều kiện cho quân Mông Cổ bên ngoài tấn công.

Tuy nhiên, độc kế của Đường Cơ nhanh chóng bị phá sản. Nghi ngờ ý tốt bất ngờ của quân địch, Lý Long Tường bề ngoài tỏ vẻ mừng rỡ nhận vàng bạc, hứa sẽ nghị hòa, nhưng sau đó âm thầm cho người đục lỗ trên nắp hòm, đổ nước sôi xuống để kiểm tra xem có thích khách hay không. Sau khi giết hết thích khách, Lý Long Tường cho người đem trả lại các hòm châu báu cho Đường Cơ và dẫn một đội quân bí mật áp sát phía sau.

Chưa hết bàng hoàng vì chứng kiến những xác người bị luộc chín trong hòm, quân Mông Cổ đã bị Lý Long Tường đem quân xông thằng vào trại đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Sau trận này, Lý Long Tường thu phục được hàng trăm hàng binh.

Trung Hiếu Đường của dòng họ Lý Hoa Sơn (ảnh: Yonhap)

Trung Hiếu Đường của dòng họ Lý Hoa Sơn (ảnh: Yonhap)

Để tưởng nhớ chiến công, vua Cao Ly Cao Tông đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong cho Lý Long Tường là Hoa Sơn Đại tướng quân. Nơi Lý Long Tường thu phục hàng binh Mông Cổ được gọi là “Thụ hàng môn”. Vua Cao Tông cũng lập bia đá ở Thụ hàng môn để ghi công, di tích này đến nay vẫn còn.

Trên bia đá ở Thụ hàng môn viết: “Đời Cao Tông Cao Ly năm Quý Sửu (1953), đại quân Mông Cổ tiến đánh đất nước, tình thế nguy cấp. Vì nghĩa khí và tinh thần anh hùng, tướng quân Lý Long Tường đem quân giao chiến với Mông Cổ. Quân Mông Cổ thua chạy đầu hàng. Cao Tông khen ngợi, sai đổi Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Đại tướng quân, lại sai dựng Thụ hàng môn để ghi nhớ công lao”.

Không có tài liệu nào chép về năm mất của Lý Long Tường, khi lãnh đạo quân đội Cao Ly chống Mông Cổ xâm lược năm 1253, ông đã 79 tuổi. Sau khi qua đời, Lý Long Tường được chôn cất ở núi Di Ất, gần Bàn Môn Điếm (ngôi làng nằm giữa tỉnh Gyeonggi thuộc Hàn Quốc và tỉnh Hwanghae thuộc Triều Tiên ngày nay).

Theo Korea Times, trong suốt quãng thời gian sống ở Cao Ly, Lý Long Tường xuyên trèo lên núi Quảng Đại ở Hoàng Hải, nhìn về phương nam để tỏ lòng tưởng nhớ quê hương. Nơi này còn được gọi là “Vọng quốc đài”.

Ngày nay, gia tộc Lý Hoa Sơn (hậu duệ của Lý Long Tường) ở Hàn Quốc có hơn 1.000 người, đa số đều thành đạt. Đối với người Hàn Quốc, Lý Long Tường là một nhân vật được kính trọng bậc nhất.

Năm 1994 ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường đã từ Hàn Quốc tìm về từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để tế bái tổ tiên.

Nguồn: [Link nguồn]

Vị danh tướng Việt khiến Tần Thủy Hoàng nể phục, cho đúc tượng và xây đền thờ tưởng nhớ

Vào thời nhà Tần, đã từng có một vị tướng nước Việt được Tần Thủy Hoàng mời sang tận Trung Quốc, nắm quyền chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN