"Gấu già” Tu-95MS Nga bị tấn công: Sức mạnh lão làng giữa thách thức thời đại mới
Máy bay Tu-95MS, một trong những trụ cột của lực lượng răn đe hạt nhân Nga, đang đứng trước phép thử sinh tồn nghiệt ngã nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Vị trí một số máy bay Nga, trong đó có Tu-95MS, bị cho là chịu thiệt hại trong vụ tấn công UAV quy mô lớn của Ukraine ngày 1/6/2025. Ảnh: AviVector
“Gấu già” trúng đạn
Ngày 1/6/2025, Ukraine bất ngờ tung đòn tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào các căn cứ không quân Nga, khiến dư luận thế giới xôn xao. Mục tiêu không chỉ là căn cứ Engels-2 (tỉnh Saratov, tây nam Nga) trọng yếu, mà còn mở rộng sang căn cứ Olenya (vùng Murmansk, miền bắc Nga) và căn cứ Belaya (vùng Siberia, miền đông Nga). Hậu quả: Máy bay Tu-95MS – một trong những trụ cột của lực lượng răn đe hạt nhân Nga – bị thiệt hại.
Theo báo chí Mỹ và hình ảnh vệ tinh từ ICEYE US, ít nhất 4 "Gấu già" Tu-95MS tại căn cứ Belaya đã hư hại hoặc bị phá hủy. Ukraine còn tuyên bố gây thiệt hại cho một số máy bay các loại, bao gồm Tu-22M3, A-50 AWACS và IL-76.
Sự kiện này không chỉ là một đòn giáng mạnh vào lực lượng Không quân chiến lược của Nga, mà còn phơi bày những lỗ hổng đáng lo ngại của một thiết kế có từ hơn 70 năm trước. Câu hỏi lớn đặt ra là: Tại sao một cỗ máy thời chiến từ thời Liên Xô vẫn được trọng dụng và lại trở thành mục tiêu số một của Ukraine như vậy?
Oanh tạc cơ cánh quạt huyền thoại
Đội hình Tu-95MS của Nga tại Căn cứ Không quân Engels năm 2005. Ảnh: Wikimedia
Tu-95MS là phiên bản nâng cấp từ mẫu Tu-95, cỗ máy chiến tranh ra đời năm 1952.
Năm đó, giữa không khí căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, oanh tạc cơ Tu-95 ra đời dưới bàn tay thiên tài của kỹ sư nổi tiếng Andrei Tupolev.
Theo trang Army Recognition, điểm khiến máy bay này trở nên độc nhất vô nhị chính là 4 động cơ cánh quạt phản lực Kuznetsov NK-12 khổng lồ. Đừng để hình dáng "cổ điển" của chúng đánh lừa! Những động cơ này sở hữu sức mạnh phi thường, đẩy cỗ máy chiến tranh khổng lồ này đạt tốc độ cận âm – khoảng 920 km/h – một tốc độ đáng nể thời bấy giờ.
Trải qua hàng chục năm, Tu-95 liên tục được "lột xác". Từ một oanh tạc cơ ném bom truyền thống, nó dần được nâng cấp thành một "pháo đài bay" phóng tên lửa.
Theo trang Global Security, bước ngoặt lớn nhất đến vào thập niên 1980 với sự ra đời của phiên bản Tu-95MS. Phiên bản này được trang bị radar hiện đại, hệ thống điện tử hàng không tối tân và quan trọng nhất: Khả năng mang 6-8 tên lửa hành trình tầm xa như Kh-55 (có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) hoặc Kh-101/102.
Sức sống bền bỉ, tầm bay siêu xa (hơn 15.000 km), độ tin cậy cao và chi phí vận hành hợp lý so với "hậu bối" Tu-160 hiện đại đã khiến Tu-95MS trở thành minh chứng cho câu nói: "Già nhưng không hề lỗi thời", theo trang Rostec.
“Cánh tay dài” của bộ 3 răn đe hạt nhân Nga
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga. Ảnh: TASS
Tu-95MS không đơn thuần là một máy bay ném bom. Nó là một trong ba trụ cột thiết yếu tạo nên bộ ba răn đe hạt nhân của Nga, bên cạnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN).
Với tầm bay vượt trội, "Gấu già" Tu-95MS có thể vươn cánh từ lãnh thổ Nga, đe dọa mục tiêu khắp Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Những chuyến tuần tra sát không phận NATO hay Nhật Bản không chỉ là bài tập thường lệ; chúng là những thông điệp thép rõ ràng từ Moscow: Đừng dại thách thức ranh giới an ninh của Nga vì Moscow sẵn sàng đáp trả.
Năm 2010, hai chiếc Tu-95MS đã thực hiện chuyến bay tuần tra dài 14 giờ trên Bắc Băng Dương và 15 giờ trên Thái Bình Dương, đủ thấy sức bay đáng gờm của oanh tạc cơ này.
Trên chiến trường, Tu-95MS đóng vai "pháo đài bay" đúng nghĩa. Tại Syria (2015-2017), nó đã phóng hơn 95 tên lửa hành trình Kh-555 và Kh-101.
Trong xung đột Ukraine, Tu-95MS thường xuyên xuất kích từ vùng trời an toàn trên biển Caspi hoặc Biển Đen, dội những đòn tên lửa chính xác vào cơ sở hạ tầng Ukraine.
Gần đây, Nga còn thử nghiệm thành công việc phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal từ khoang vũ khí của Tu-95MS – một nâng cấp đáng gờm, tăng đột biến tốc độ và phạm vi tấn công, khiến hệ thống phòng không Ukraine không kịp trở tay.
Khác với "quái vật tàng hình" B-2 của Mỹ hay H-6N của Trung Quốc, Tu-95MS chọn cho mình vai trò "tay bắn tỉa từ xa" – dùng tầm bay và hỏa lực tên lửa hạng nặng để không kích đối phương từ một khoảng cách an toàn.
"Gót chân Achilles" của Tu-95MS
Dù được đánh giá là một oanh tạc cơ huyền thoại, Tu-95MS vẫn có điểm yếu. Theo trang Global Security, Tu-95MS phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Thứ nhất là "tiếng gầm lộ diện". Âm thanh đặc trưng, đầy đe dọa từ động cơ NK-12 lại là con dao hai lưỡi. Nó giúp át vía binh sĩ đối phương nhưng cũng khiến "Gấu già" dễ dàng bị các cảm biến âm thanh và radar hiện đại phát hiện từ xa.
Thứ hai là "khiên giáp" lỗi thời. Dù đã được nâng cấp (với pháo GSh-23 và hệ thống gây nhiễu SPS-160 Geran), hệ thống phòng thủ của Tu-95MS vẫn được đánh giá là lạc hậu trước sức mạnh của công nghệ tàng hình thế hệ mới hay các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại như Patriot hay SAMP/T.
Thứ ba, cũng là điểm yếu chí tử của Tu-95MS, là "tổ" cố định. Sự phụ thuộc vào một số căn cứ cố định như Engels-2, Olenya và Belaya được cho là điểm yếu lớn nhất. Vụ tấn công UAV ngày 1/6/2025 là chứng minh rõ nhất. Các biện pháp bảo vệ thô sơ, thậm chí là dùng lốp xe phủ lên máy bay, dường như đã vô hiệu trước làn sóng UAV tấn công của Ukraine. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự dễ bị tấn công của các "Gấu già" trước chiến thuật chiến tranh bất đối xứng thời hiện đại.
Tương lai "Gấu già" Tu-95MS
Tu-95MS với các tên lửa hành trình Kh-101. Ảnh: Defense
Với hơn 50 chiếc Tu-95MS vẫn đang hoạt động, Nga hiểu rõ giá trị của chúng và tiếp tục đầu tư nâng cấp. Phiên bản Tu-95MSM mới nhất được trang bị radar hiện đại hơn và khả năng mang các tên lửa tối tân như Kh-101, hứa hẹn kéo dài tuổi thọ phục vụ đến tận năm 2040.
Tuy nhiên, con đường phía trước không hề dễ dàng. Lệnh trừng phạt phương Tây siết chặt nguồn cung linh kiện điện tử phức tạp. Lực lượng kỹ sư, thợ lành nghề hiểu rõ về Tu-95 đang ngày một già đi.
Mọi hy vọng dường như đang đặt vào dự án PAK DA – thế hệ máy bay ném bom tàng hình tầm xa hoàn toàn mới, được kỳ vọng sẽ thay thế cả Tu-95MS lẫn Tu-160. Song, PAK DA vẫn chỉ là hình bóng trong tương lai xa, liên tục bị trì hoãn vì ngân sách hạn hẹp và sự ưu tiên dành cho việc nâng cấp Tu-160M.
Với tiến độ hiện tại, "Gấu già" Tu-95MS dường như vẫn là xương sống của lực lượng ném bom chiến lược Nga trong ít nhất 1-2 thập kỷ nữa. Nhưng vụ tấn công tháng 6/2025 là một hồi chuông báo động không thể phớt lờ: Để tiếp tục gầm vang, "Gấu già" cần một chiến lược bảo vệ và triển khai mới, phù hợp với những mối đe dọa của thời đại kỹ thuật số và chiến tranh phi đối xứng.
----------------------------
Khi Mỹ phô diễn sức mạnh bằng máy bay ném bom B-2 và Nga vẫn đặt niềm tin vào "Gấu già" Tu-95MS, Trung Quốc chọn một con đường khác để tạo ra một oanh tạc cơ đặc biệt. Không cần tàng hình, không cần bay xuyên lục địa, oanh tạc cơ này vẫn có thể khiến cả biên đội tàu sân bay Mỹ phải dè chừng. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo đăng lúc 12h trưa 2/7 để tìm hiểu về oanh tạc cơ này.
Lướt đi trong đêm như một “bóng ma”, hầu như không gây tiếng ồn và gần như vô hình trước radar, B-2 Spirit của Mỹ không chỉ là máy bay ném bom chiến...
Nguồn: [Link nguồn]
-01/07/2025 10:52 AM (GMT+7)