"Đột nhập" kho dự trữ thịt lợn khổng lồ bí mật của Trung Quốc

Kho dự trữ thịt lợn chiến lược của Trung Quốc có tầm quan trọng như kho dự trữ dầu mỏ của Mỹ, tồn tại những năm 1970.

Nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc chiếm một nửa nhu cầu trên toàn cầu.

Nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc chiếm một nửa nhu cầu trên toàn cầu.

Theo New York Times, trong bối cảnh nguồn cung cấp thịt lợn khan hiếm, chính quyền Bắc Kinh đã mở kho dự trữ thịt lợn bán cho người dân, nhằm bình ổn thị trường.

Kho dự trữ này thực tế hoàn toàn có thật, mang ý nghĩa giống như kho dự trữ dầu mỏ của Mỹ, được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Tháng trước, 30.000 tấn thịt lợn đã được xuất từ kho dự trữ để bán ra thị trường, trước dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc. 9.600 tấn thịt lợn dự trữ cũng được xuất kho hồi tháng Giêng, trước dịp Tết âm lịch .

Vì sao Trung Quốc có kho dự trữ thịt lợn chiến lược?

Kho dự trữ thịt lợn chiến lược hình thành từ cuối những năm 1970, khi Trung Quốc bắt đầu lấy lại cân bằng sau cuộc đại cải cách. Khi đó, Trung Quốc bắt đầu cải cách, mở cửa và chuyển đổi qua nền kinh tế thị trường và các kho dự trữ đóng vai trò như công cụ để kiểm soát giá cả hàng hóa.

Kho dự trữ khổng lồ của Trung Quốc không chỉ chứa thịt lợn mà còn cả thịt bò, thịt gà và thịt cừu. Trong đợt xả kho dự trữ chiến lược hồi tháng 9, Bắc Kinh còn đưa vào thị trường gần 2.400 tấn thị bò và 1.900 tấn thịt cừu.

Chính quyền Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế giá thịt lợn.

Chính quyền Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế giá thịt lợn.

Lượng thực phẩm cất giữ trong kho dự trữ chiến lược được coi là bí mật quốc gia, không được phép tiết lộ. Nhưng cũng có những lúc giới chức Trung Quốc để lộ một số thông tin.

Năm 1996, quan chức Trung Quốc từng tiết lộ tăng số thịt lợn dự trữ lên mức 200.000 tấn, so với mức 20.000 tấn ở thời điểm đó. Lượng thịt lợn dự trữ sau này có giảm, nhưng đến ngày nay quay trở lại mức 200.000 tấn, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Tuy nhiên, con số này chỉ như “muối bỏ biển” nếu so sánh với mức độ tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc lên tới 50 triệu tấn/năm, tương đương một nửa lượng tiêu thụ thịt lợn trên toàn cầu.

Kho dự trữ thịt lợn được đặt ở đâu?

Trung Quốc đã xuất 30.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ trong tháng 9.

Trung Quốc đã xuất 30.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ trong tháng 9.

Không giống như Mỹ cất giữ hàng trăm triệu thùng dầu thô trong hầm ngầm, Trung Quốc cho quy hoạch hàng chục nhà kho trên khắp đất nước để dự trữ thực phẩm. Mỗi nhà kho tích trữ khoảng 10.000 tấn thịt lợn đông lạnh và các loại thực phẩm khác. Bắc Kinh cũng hợp tác với nhiều công ty tư nhân  để quản lý các kho dự trữ quốc gia và địa phương.

Thịt lợn được dự trữ ở các nhà kho bí mật nằm ở vùng ngoại ô. Thịt được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ C. Năm 2013, một phóng viên ở tỉnh Sơn Đông được cho tham quan một nhà kho chứa 1.500 tấn thịt lợn. Ông mô tả cơ sở này được bảo vệ bằng cửa thép 2 lớp khóa. Bảo vệ của nhà kho phải mặc áo khoác có  tới 8 lớp  để giữ ấm.

Về mặt kỹ thuật, kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc không chỉ có thịt. Trong những năm1990, Bắc Kinh còn dự trữ cả lợn sống. "Khu vực này có đầy rau củ và rợp bóng cây. Chuồng trại rất cao và rộng rãi. Mùa đông thì lợn được sưởi ấm, còn mùa hè lại có quạt thông gió", truyền thông địa phương ở Sơn Đông từng mô tả về kho dự trữ chiến lược.

Ở Vân Nam, tỉnh phía tây nam Trung Quốc nổi tiếng với giăm bông. Chính quyền địa phương nói ở đây có 3.000 tấn giăm bông, 132.000 con lợn sống và 400 tấn thịt đông lạnh.

Về quy trình dự trữ thịt lợn để đảm bảo hương vị tươi ngon, chính quyền Trung Quốc quy định thịt lợn sẽ được luân phiên thay thế 3 lần mỗi năm. Điều đó có nghĩa là không có một miếng thịt lợn nào ở trong kho dự trữ lâu hơn 4 tháng.

Gần đây, cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự hào hứng khi mua thịt lợn từ kho dự trữ. “Thịt lợn lấy từ kho dự trữ vẫn còn được đánh số, rẻ  hơn nhiều so với thịt lợn bán ngoài thị trường. Chất lượng không tệ, không có mùi gì lạ, hoàn toàn ăn được”, một cư dân mạng Trung Quốc viết.

Thiếu thịt lợn, Trung Quốc ”sinh ra” giống lợn khổng lồ to như gấu Bắc cực

Cơn khủng hoảng thịt lợn cùng với quan niệm to hơn là tốt hơn đang thúc đẩy các địa phương ở Trung Quốc nuôi giống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN