Chiến dịch kháng cự Nga của Ukraine: Thành bại tại đường sắt?

Giữa xung đột Nga – Ukraine, mạng lưới đường sắt dài 22.000 km của Ukraine vẫn hoạt động, thậm chí còn tăng mức độ sử dụng lên gấp nhiều lần. Đây là một trong những mắt xích quan trọng nhất giúp lực lượng Ukraine đối phó quân đội Nga ở Donbass.

Hệ thống đường sắt phủ kín đất nước của Ukraine (ảnh: DW)

Hệ thống đường sắt phủ kín đất nước của Ukraine (ảnh: DW)

Chiến dịch quân sự giai đoạn 2 đánh dấu những đợt không kích liên tiếp của quân đội Nga vào các nhà ga, đường ray tàu hỏa trên khắp lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là khu vực miền tây, miền nam. Bất chấp điều đó, các chuyến tàu do Ukrzaliznytsia – Tập đoàn đường sắt quốc gia Ukraine – vận hành vẫn hoạt động.

Hôm 4.5, một cây cầu đường sắt bắc qua sông Dnipro (dòng sông ngăn cách 2 miền đông – tây Ukraine) bị Nga không kích và hư hại nghiêm trọng. Một ngày trước đó, nhiều ga tàu ở miền tây, miền nam Ukraine cũng bị không kích. Do nhiều hạ tầng bị phá hủy, hư hại, Ukrzaliznytsia cho biết, 20 chuyến tàu của họ đã bị trễ lịch trình tới nửa ngày.

Theo DW, do vai trò của hệ thống đường sắt đối với lực lượng Ukraine ở Donbass, Nga có lý do để tập trung hỏa lực, phá hủy “huyết mạch vận tải” của Ukraine.

Do lãnh thổ rộng lớn, Ukraine phát triển mạng lưới đường sắt dài khoảng 22.000 km trải khắp đất nước. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự, Ukrzaliznytsia là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất Ukraine với hơn 230.000 nhân viên đường sắt.

Năm 2012, để phục vụ cho giải bóng đá Euro đồng đăng cai với Ba Lan, Ukraine đã đầu tư hơn 740 triệu USD để nâng cấp và mở rộng hạ tầng ngành đường sắt. Nền kinh tế Ukraine không được đánh giá cao, nhưng nước này sở hữu hệ thống đường sắt lớn mạnh, hiện đại hàng đầu châu Âu.

Đường sắt là lựa chọn hàng đầu để vận chuyển vũ khí của Nga và Ukraine (ảnh: Daily Mail)

Đường sắt là lựa chọn hàng đầu để vận chuyển vũ khí của Nga và Ukraine (ảnh: Daily Mail)

Xét về năng lực hậu cần cho miền đông, đường sắt Ukraine vượt trội hơn hẳn đường bộ. Ukraine có mạng lưới đường bộ lớn, nhưng chủ yếu là đường một làn xe. Do không được chú trọng đầu tư, nhiều tuyến quốc lộ đông – tây của Ukraine đã xuống cấp và không thích hợp để vận chuyển các lô vũ khí lớn cũng như thiết bị quân sự nặng.

Theo DW, mạng lưới đường sắt giờ đã trở thành biểu tượng cho chiến dịch kháng cự của Ukraine trước quân đội Nga ở miền đông. Những chuyến hàng vận chuyển vũ khí, hàng viện trợ, thực phẩm và đặc biệt là vũ khí, trang bị quân sự của ngành đường sắt là động lực to lớn đối với các binh sĩ. Các chuyến tàu cũng giúp sơ tán hàng trăm nghìn dân thường khỏi khu vực chiến sự ở Donbass. Để tới Kiev, nhiều lãnh đạo châu Âu đã lựa chọn di chuyển bí mật bằng tàu hỏa.

Sau khi bị Nga kiểm soát nhiều thành phố lớn miền nam và phong tỏa đường ra biển, đường sắt trở thành lựa chọn duy nhất của Ukraine để xuất khẩu các loại hàng hóa như lúa mì, than, quặng ra nước ngoài. Trước ngày 24.2, 50% hàng hóa xuất nhập khẩu của Ukraine đi qua Odessa - cảng biển chiến lược lớn nhất của nước này tại Biển Đen.

Trước những đợt không kích liên tiếp của quân đội Nga, đường sắt Ukraine tỏ ra thích nghi tốt một cách “lạ thường”, theo DW.

“Đôi khi, chúng tôi chỉ cần vài giờ là đã có thể sửa xong nhiều đường ray bị hư hỏng”, Oleksandr Pertsovskyi – giám đốc điều hành Ukrzaliznytsia – nói với NBC News.

Oleksandr Pertsovskyi cho biết, trong thời chiến, Ukrzaliznytsia đang hoạt động với cơ cấu quản lý “ngang bằng”. Điều này cho phép các quản lý công ty ở địa phương tự ra quyết định mà không cần hỏi ý kiến cấp trên. Việc sửa chữa những tuyến đường sắt hư hỏng sẽ được thực hiện mà không cần thông qua những thủ tục mang tính chất quan liêu.

“Điều quan trọng nhất là chúng tôi có thể tiếp tục vận hành hệ thống, bất chấp số lượng những cuộc tấn công ngày càng tăng”, ông Pertsovskyi tiết lộ.

Trong khi quân đội Nga liên tục không kích, Ukraine cũng tìm cách phá hủy tuyến đường sắt giữa Nga và Belarus – một “huyết mạch” giúp lực lượng Nga tái triển khai ở phía bắc Ukraine.

Về khả năng hậu cần, quân đội Nga cũng phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường sắt. Lãnh thổ Nga rộng lớn và có nhiều khu vực địa hình hiểm trở, đặc biệt là những bãi lầy do tuyết tan. Do đó, lực lượng Nga chủ yếu dựa vào hệ thống đường sắt để vận chuyển binh sĩ, nhiên liệu, đạn được và vũ khí.

“Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Nga không kiểm soát được tuyến đường sắt nào của Ukraine ở phía bắc và xung quanh Kiev. Điều này khiến quân đội Nga phải dùng đường bộ để vận tải và dễ bị phục kích. Nga đã gặp những khó khăn nhất định về hậu cần”, Emily Ferris, chuyên gia về Nga tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nhận xét.

Nga không kích một nhà ga Ukraine (ảnh: CNN)

Nga không kích một nhà ga Ukraine (ảnh: CNN)

Theo bà Emily Ferris, trong giai đoạn 2 của chiến dịch, Nga đang cố gắng tấn công vào năng lực hậu cần của Ukraine thông qua việc không kích các tuyến đường sắt. Tuy nhiên, việc kiểm soát hệ thống đường sắt ở miền tây Ukraine hiện rất khó khăn đối với Nga. Ở Kharkiv và miền nam Ukraine, Nga cũng chưa kiểm soát được toàn bộ các tuyến đường sắt.

“Do vậy, quân đội Nga không thể đưa binh sĩ, vũ khí tiến sâu để mở rộng vùng kiểm soát ở Ukraine”, bà Emily Ferris nói.

Theo bà Emily Ferris, thực tế trên cũng đặt hệ thống đường sắt Ukraine vào tình trạng nguy hiểm khi quân đội Nga thay đổi ý định. Thay vì kiểm soát, quân đội Nga đang đặt mục tiêu phá hủy tuyến vận tải sắt “huyết mạch” của Ukraine. Việc Ukraine còn khả năng duy trì hoạt động của hạ tầng đường sắt trong bao lâu sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành bại trong cuộc xung đột với Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Putin lên tiếng về việc Phần Lan, Thụy Điển muốn gia nhập NATO

Việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO chưa phải mối đe dọa ngay lập tức đối với Nga, ông Putin phát biểu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN