Chiếc valy hạt nhân theo ông Trump sang Việt Nam tối nay

Chiếc valy màu đen được coi là vật bất ly thân, giúp Tổng thống Mỹ kích hoạt tên lửa hạt nhân uy lực ngay cả khi ở nước ngoài.

Chiếc valy hạt nhân theo ông Trump sang Việt Nam tối nay - 1

Valy hạt nhân luôn theo sát Tổng thống Mỹ, ngay cả khi ở nước ngoài.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Hà Nội tối 26.2 để dự hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong hai ngày 27-28.2.

Tháp tùng ông Trump là đội ngũ an ninh, mật vụ cùng các phương tiện hàng đầu như siêu xe “Quái thú”, máy bay Air Force 1 hay trực thăng Marine One.

Một trong những yếu tố không thể thiếu khi Tổng thống Mỹ đến Việt Nam hay đi bất cứ nước nào khác là chiếc valy hạt nhân màu đen. Chiếc cặp hạt nhân không bao giờ nằm ngoài tầm với của ông Trump – Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Chiếc valy hạt nhân theo ông Trump sang Việt Nam tối nay - 2

Trợ lý cầm valy hạt nhân khi ông Trump bước đi cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chiếc valy màu đen được gọi là “quả bóng hạt nhân”. Nhiều người quan niệm bên trong valy có nút bấm kích hoạt tên lửa hạt nhân, giống như trong các bộ phim hành động Hollywood.

Trên thực tế, valy hạt nhân chứa tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống phát sóng khẩn cấp, một cuốn sổ đen có các lựa chọn tấn công, một cuốn sổ có vị trí các điểm ẩn nấp an toàn cho tổng thống và một thẻ có mã xác thực để tổng thống xác nhận danh tính.

“Tổng thống không thể bấm nút hạt nhân theo đúng nghĩa đen. Ông ấy chỉ có thể ra mệnh lệnh và sau đó tên lửa sẽ được phóng theo một quy trình đã định”, giáo sư Peter Feaver tại Đại học Duke nói.

Phó Tổng thống Mỹ cũng có valy hạt nhân nhưng chỉ được sử dụng trong trường hợp Tổng thống không thể ra lệnh.

"Chúng tôi cần sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi", Pete Metzger, người nhận trọng trách mang cặp hạt nhân dưới thời cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan nói. "Khoảng cách giữa thời điểm báo động và thực thi chỉ 15 phút”.

Chiếc valy hạt nhân do các trợ lý quân sự giữ và người này luôn phải ở gần ông Trump.

“Chỉ có Tổng thống Mỹ mới được ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân”, cựu tướng không quân Mỹ, Robert Kehler nói. “Mệnh lệnh này không thể bị phủ quyết”.

Chiếc valy hạt nhân theo ông Trump sang Việt Nam tối nay - 3

Luôn có 5 trợ lý thay phiên nhau cầm valy hạt nhân theo sát Tổng thống Mỹ.

Các tướng lĩnh, cố vấn Mỹ có quyền tham vấn Tổng thống về lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng mệnh lệnh cuối cùng vẫn thuộc về Tổng thống, theo CNN.

Mỹ hiện có khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân, được bố trí tại rất nhiều địa điểm khác nhau trên toàn cầu. Các tên lửa LGM-30 Minuteman đều được đặt trong các bệ phóng ngầm ở Montana, Bắc Dakota, Wyoming, Nebraska hay Colorado.

Các tên lửa hạt nhân nằm bên ngoài nước Mỹ đến từ các tàu ngầm chiến lược và máy bay ném bom B-52, B-2.

Một sự việc đáng chú ý liên quan đến valy hạt nhân xảy ra vào năm 2017. Trợ lý Tổng thống Mỹ khi đó cầm valy hạt nhân nhưng bị nhân viên an ninh Trung Quốc chặn lại, không cho vào bên trong tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh

Chánh văn phòng Nhà Trắng vào thời điểm đó John Kelly yêu cầu các nhân viên Mỹ tiếp tục tiến vào. Nhân viên an ninh Trung Quốc phản ứng bằng cách túm lấy ông Kelly. Người này bị mật vụ Mỹ quật ngã xuống đất ngay lập tức.

Phía Trung Quốc sau đó lên tiếng xin lỗi về “hiểu nhầm” không đáng có. Trong khi đó, Mỹ cũng không nhắc nhiều đến vụ việc.

Xe ”Quái thú” đến Hà Nội: Đội hình chở ông Trump quy mô thế nào?

Ngoài siêu xe “Quái thú“ luôn thu hút sự quan tâm, mẫu xe Ford F350 là một yếu tố mới đáng chú ý trong đoàn xe chở Tổng thống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN