"Bức màn thép gai" mọc lên giữa xung đột Ukraine và nỗi buồn của châu Âu

Bức tường Berlin sụp đổ hơn 30 năm trước từng được coi là minh chứng cho triển vọng hợp tác giữa Moscow và phần còn lại của châu Âu. Nhưng giờ đây, xung đột ở Ukraine mở ra kỷ nguyên đối đầu mới ở châu Âu khi nhiều quốc gia tìm cách xây dựng những bức tường biên giới, hàng rào thép gai để tăng cường an ninh.

Binh sĩ Ba Lan thi công tường biên giới với Belarus (ảnh: AP) 

Binh sĩ Ba Lan thi công tường biên giới với Belarus (ảnh: AP) 

Trước xung đột Ukraine, biên giới Phần Lan – Nga là những khu rừng rậm rạp, vốn chỉ được đánh dấu bằng cọc gỗ hoặc rào chắn tạm bợ để ngăn gia súc đi lạc. Nhưng không bao lâu nữa, hàng rào thép gai sẽ trải dọc khu vực này.

Hôm 18/11, Phần Lan công bố kế hoạch trị giá 143 triệu USD để dựng hàng rào biên giới với Nga. Công trình này dự kiến hoàn thành năm 2023.

“Theo đánh giá của chúng tôi, môi trường an ninh đã thay đổi và việc xây dựng hàng rào là cần thiết”, Cơ quan Biên phòng Phần Lan thông báo.

Từ đầu tháng 11, các binh sĩ Ba Lan đã bắt đầu trải thép gai dọc biên giới với Kaliningrad (vùng lãnh thổ thuộc Nga giáp Biển Baltic”. Hệ thống camera và giám sát điện tử được thiết lập ở khu vực này. Biên phòng Ba Lan cũng tuần tra thường xuyên hơn.

“Bức màn sắt từ thời Chiến tranh Lạnh đã biến mất, nhưng đáng buồn là bức màn dây thép gai giờ trở thành hiện thực ở châu Âu”, Klaus Dodds – giáo sư địa chính trị tại Đại học Royal Holloway (Anh) – nhận xét.

Trước xung đột ở Ukraine, một số nước thành viên EU đã xây dựng hàng rào biên giới. Nhưng mục tiêu không phải bảo đảm an ninh mà là ngăn làn sóng di cư ồ ạt.

Hàng rào thép gai dọc biên giới Ba Lan với vùng Kaliningrad thuộc Nga (ảnh: AP) 

Hàng rào thép gai dọc biên giới Ba Lan với vùng Kaliningrad thuộc Nga (ảnh: AP) 

Tường biên giới chỉ là biểu tượng của sự chia rẽ ở châu Âu, theo chuyên gia (ảnh: AP) 

Tường biên giới chỉ là biểu tượng của sự chia rẽ ở châu Âu, theo chuyên gia (ảnh: AP) 

Trong năm 2015, hơn 1 triệu người tị nạn và người di cư từ Trung Đông và châu Phi đã cố gắng tiến vào Nam Âu. Năm 2020, hàng nghìn người di cư đã đi qua Belarus để xin tị nạn ở các nước thành viên EU. Ba Lan và Litva đối phó bằng cách dựng tường ở biên giới với Belarus.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Ba Lan phản đối việc xây dựng tường thép cao 5 mét dọc biên giới dài 186km của nước này với Belarus. Họ cho rằng, tường biên giới chỉ cản được những người có sức khỏe yếu nhất, cần được hỗ trợ nhất chứ không phải những người quyết tâm vượt biên nhất.

Về vấn đề an ninh, một số chuyên gia cho rằng, tường biên giới chỉ là “biểu tượng của sự chia cắt” thay vì ngăn được tên lửa hay xe tăng.

Stanislaw Zaryn – phát ngôn viên Cơ quan An ninh Ba Lan – thừa nhận tường hay hàng rào biên giới không thể ngăn chặn tất cả người tìm cách vượt biên trái phép.

“Nhưng nó cho phép các lực lượng của chúng tôi hành động nhanh chóng và hiệu quả hơn trước bất ổn. Chúng tôi sẽ không cần điều động nhiều lực lượng như trước”, ông Zaryn nói.

Giáo sư Dodds cho biết, ông hiểu rõ động lực khiến một số quốc gia châu Âu thúc đẩy xây tường biên giới, nhưng ông cảnh báo rằng, chúng hiếm khi có hiệu quả như dự kiến và sẽ đẩy người di cư vào hành trình nguy hiểm hơn.

Nguồn: [Link nguồn]

Ukraine xây tường biên giới với Belarus

Ukraine đã xây được 3km tường rào trên tổng chiều dài khoảng 1.000km biên giới giữa nước này với Belarus.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – AP ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN