Bỏ việc lương cao về dựng nhà trong xe buýt, cặp đôi khiến chúng ta phải ngẫm lại về hạnh phúc

Brenton và Kem Lynch-Rhodes có thể dễ dàng nhớ lại quãng thời gian sống của họ khi bắt đầu cuộc hôn nhân từ cách đây 20 năm – quãng đời đã được họ bỏ lại phía sau một cách không nuối tiếc.

Ngôi nhà xe buýt nơi 2 vợ chồng Brenton và Kem Lynch-Rhodes sinh sống (Ảnh: ABC News)

Ngôi nhà xe buýt nơi 2 vợ chồng Brenton và Kem Lynch-Rhodes sinh sống (Ảnh: ABC News)

Những gì bị cho là một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên giờ đã được đảo ngược, thay thế bởi khoảng thời gian mà hai vợ chồng coi là đẹp nhất trong đời – cuộc sống ẩn dật bên trong một chiếc xe buýt trường học được họ cải tạo thành nhà ở, trên một bãi đất hoang rộng 17 ha.

Họ vẫn có thể giải quyết “nhu cầu cá nhân” bên trong nhà vệ sinh tự hoại, sạc điện thoại tại nơi làm việc và nấu ăn với các loại rau củ được trồng trong vườn.

Nhưng trước kia, đó là thứ mà họ có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.

"Chúng tôi đã có tất cả mọi thứ", trừ hạnh phúc

Brenton, 59 tuổi, lần đầu gặp gỡ người vợ tương lai của mình tại quê hương của bà ở New Zealand.

Từ một mối tình lãng mạn và giàu tính phiêu lưu, 2 người nhanh chóng ổn định cuộc sống thường ngày với những việc công sở ở thành phố Perth, Úc.

"Chúng tôi có một ngôi nhà sang trọng, với sàn bê tông láng bóng và những tiện nghi hiện đại, bạn có thể thấy, chúng tôi có tất cả mọi thứ, nhưng điều này vẫn không làm chúng tôi hạnh phúc", Brenton thổ lộ.

Sở hữu “việc nhẹ lương cao” dường như không phải thứ phản ánh những phẩm chất mà họ yêu quý và trân trọng lẫn nhau.

Vợ chồng Brenton và Kem Lynch-Rhodes trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày cưới (Ảnh: ABC News)

Vợ chồng Brenton và Kem Lynch-Rhodes trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày cưới (Ảnh: ABC News)

Cả hai vợ chồng đều sinh trưởng trong các gia đình làm nghề nông - ông Brenton đến từ phía đông nam Nam Úc còn bà Kem lớn lên tại thị trấn Kaikohe phía bắc New Zealand.

"Tôi luôn ở bên bố tôi, học cách nhổ cỏ, trồng trọt, chăm sóc khu vườn và thay lốp xe…đó là tất cả những điều thú vị nhất mà tôi học được từ ông ấy," Bà Kem Lynch-Rhodes nhớ lại những kỷ niệm cùng bố mình.

Hai vợ chồng Lynch-Rhodes đã quyết định quay trở lại miền nam Úc sau khi bố mẹ Brenton trở nên già yếu, nơi họ có lần “phá lệ” đầu tiên bằng việc điều hành một nhà nghỉ ở thị trấn Naracoorte.

Thảm kịch làm thay đổi tất cả

Dù luôn ấp ủ ý định từ bỏ mọi thứ và bắt đầu một cuộc sống mới, hai vợ chồng chỉ bắt tay hiện thực hóa hoài bão của mình sau khi một thảm kịch bất ngờ ập xuống - mẹ của Kem qua đời trong một vụ tai nạn.

"Chỉ đến lúc đó, bạn mới nhận thấy đời người thật ngắn ngủi", bà cho biết, "Chúng tôi ngộ ra điều đáng mơ ước lúc này là phải từ bỏ lối sống hiện tại, và phải thay đổi ngay lập tức."

Để làm như vậy, hai vợ chồng đã góp tiền mua gần 17 ha đất hoang gần bờ biển Limestone phía nam nước Úc…và một chiếc xe buýt.

Sự thay đổi chóng mặt này đã làm dấy lên nhiều hoài nghi, đặc biệt từ những người muốn "sống chậm lại" nhưng "quá bận rộn để làm bất cứ điều gì về nó."

"Tôi cho rằng một số người vẫn còn quá sợ việc thay đổi hoặc bị cuốn vào những dị nghị cho rằng điều đó là không tưởng", Kem thừa nhận.

17 ha và 1 chiếc xe buýt

Ông Brenton trong vườn rau mà vợ chồng ông tự chăm sóc (Ảnh: ABC News)

Ông Brenton trong vườn rau mà vợ chồng ông tự chăm sóc (Ảnh: ABC News)

Hai vợ chồng sống trong ngôi nhà mới của họ đến nay đã được 3 năm.

Mới đầu, chiếc xe hoàn toàn trống rỗng. Điều này có thể khiến hầu hết các cặp vợ chồng nản chí, nhưng không phải vợ chồng Lynch-Rhodes, với nền tảng nhà nông vững vàng của họ.

"Cả hai chúng tôi đều sở hữu những kỹ năng cần thiết để có thể làm được nhiều việc", Brenton chia sẻ, "Chúng tôi chỉ có chút ít kỹ năng của nghề mộc, nhưng mọi thứ, về cơ bản, đều do một tay chúng tôi làm hết."

“Nhỏ gọn” không đồng nghĩa với “rẻ”

Chiếc xe buýt có giá 7.000 đô la Úc, trong khi toàn bộ đồ đạc bên trong có thì lên tới 20.000 đô la Úc.

"Chúng tôi không thể mua được thứ nào rẻ tiền", Brenton cho biết, "Nhưng chúng tôi muốn nó đem lại cảm giác của một ngôi nhà, chứ không phải một chiếc xe buýt."

Ngoài ra, do diện tích eo hẹp, cặp vợ chồng luôn phải cân nhắc việc chi tiêu cho những thứ họ thích, như chiếc tủ bếp được chạm khắc từ gỗ sồi, những thanh tà vẹt đường sắt tái chế để lát ván sàn và bồn tắm cổ từ thời Victoria.

"Với nhiều người, việc sống ẩn dật đồng nghĩa với trong tay chẳng còn gì, nhưng đối với chúng tôi, bạn vẫn có thể có một lối sống lành mạnh nếu biết tiết chế những gì đang có", Kem cho biết thêm.

“Điện không nhất thiết quan trọng”

Không chỉ dừng ở việc giới hạn "vật dụng". Hai vợ chồng Lynch-Rhodes thậm chí đã sống mà không cần điện cho đến tận ngày nay.

Một số đồ nội thất bên trong căn nhà của vợ chồng Lynch-Rhodes (Ảnh: ABC News)

Một số đồ nội thất bên trong căn nhà của vợ chồng Lynch-Rhodes (Ảnh: ABC News)

"Kem và tôi không có TV hay bất cứ thứ gì tương tự suốt gần 20 năm kết hôn", Brenton nói.

Xuất thân nơi thôn dã, họ không bao giờ cắm mặt quá lâu vào những thứ chạy điện xa xỉ như TV hay máy rửa chén. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn dự trữ điện năng bằng việc lắp đặt một số lượng nhỏ pin năng lượng mặt trời.

Cho đến nay, thứ “hại điện” nhất trong nhà họ chỉ là một chiếc tủ lạnh chạy điện 12-volt.

"Lượng điện chỉ vừa đủ cho việc vận hành tủ lạnh, để chúng tôi có thể tiết kiệm thực phẩm, và một chút ánh sáng, để chúng tôi không phải thắp nhiều nến hay đèn dầu", ông Lynch-Rhodes cho biết, "Giống như một kho cất trữ thịt đời cũ, nó có thể giữ cho đồ ăn được tươi sống đến ba, bốn ngày," Brenton nói.

'Mọi thứ sẽ lâu hơn một chút', nhưng không sao

Cải tạo và sống trong một chiếc xe buýt đã trở nên dễ thở hơn rất nhiều so với những gì cặp vợ chồng mong đợi.

"Tôi khá ngạc nhiên vì chúng tôi đã làm rất tốt", Kem cho biết.

Điểm trừ duy nhất? có một số thứ phải làm lâu hơn một.

"Do không có khí gas, chúng tôi phải mất nửa tiếng để pha một tách cà phê", Brenton thổ lộ, "Chúng tôi phải đi chặt củi, tự thắp lửa và đun sôi ấm nước. Nó giống như một buổi cắm trại ngoài trời, nhưng sẽ không bao giờ kết thúc.”

Dù vậy, vợ chồng Lynch-Rhodes vẫn cảm thấy ngôi nhà mới đã đem lại cho họ sự bình yên, giúp họ mởmở ra một cuộc sống hoàn toàn khác sau những khó khăn và mất mát trong quá khứ.

“Trên đường đến nhà chúng tôi có một ngọn đồi, chỉ cần vượt qua nó là bạn sẽ thực sự thư thái và an yên,” Kem cho biết, “Dù có căng thẳng, âu lo đến đâu, bạn hãy thử một lần trèo qua nó thì tất cả chúng đều sẽ tan biến.”

Nguồn: [Link nguồn]

Có gì hay ở hệ thống xe buýt nhanh đầu tiên Đông Nam Á?

Xe buýt nhanh ở Jakarta ra đời từ năm 2004 và đang ngày càng cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm khuyến khích...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh - ABC News ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN