Báo Mỹ: Ukraine gặp khó khăn mới

Một tờ báo lớn của Mỹ đưa tin, nhiều gia đình và luật sư cho rằng quân đội Ukraine đang quá tải với số thương vong và không thể thống kê được hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng.

Các nhân viên Ukraine tại một nhà xác ở vùng Donetsk vào tháng 3/2024. Ảnh: NYT

Các nhân viên Ukraine tại một nhà xác ở vùng Donetsk vào tháng 3/2024. Ảnh: NYT

Tờ New York Times ngày 5/5 đưa tin, thi thể 2 binh sĩ Ukraine Serhiy Matsiuk và Andriy Zaretsky nằm ở một khu vực trống trải trên chiến trường trong nhiều tháng. Bên cạnh là 2 khẩu súng trường.

Người thân đã xác định được thi thể của 2 binh sĩ này thông qua các cảnh quay trên không do máy bay không người lái (UAV) ghi lại. Dù rất đau lòng nhưng họ phải chấp nhận sự thật là 2 binh sĩ đã chết. Hơn 4 tháng sau, quân đội Ukraine vẫn liệt kê Matsiuk và Zaretsky vào danh sách mất tích, dù một video từ UAV của một đồng đội cung cấp vài tuần sau đó cho thấy thi thể 2 binh sĩ này vẫn nằm ở chỗ cũ.

Theo New York Times, sự chậm trễ trên và quá trình khó khăn để xác nhận cũng như tuyên bố chính thức về số người chết đang nổi lên như một hậu quả của cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.

Nhiều gia đình, luật sư và một số nhóm nhân quyền cho rằng quân đội Ukraine đang quá tải với số thương vong và không thể thống kê được hàng nghìn binh sĩ thiệt mạng. Điều đó khiến nhiều gia đình của các binh sĩ không hài lòng.

Thân nhân của 2 binh sĩ Matsiuk và Zaretsky gần đây cho biết, thi thể của các binh sĩ này vẫn còn nằm ở chiến trường Zaporizhzhia.

Chính phủ Ukraine không tiết lộ số lượng chính xác binh sĩ mất tích trong chiến đấu. Hồi tháng 2/2024, ông Zelensky đưa ra con số binh sĩ thiệt mạng là 31.000 người (Mỹ ước tính cao gấp đôi). Và Kiev ước lượng, số binh sĩ mất tích nhiều gấp rưỡi con số này.

Theo New York Times, những binh sĩ mất tích có thể đã chết trên chiến trường mà chưa được tìm thấy hoặc thi thể đang trong nhà xác chờ được xác định danh tính. Một số binh sĩ mất tích cũng có thể do bị các lực lượng Nga bắt giữ.

Ben Barry, chuyên gia cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, cho rằng số binh sĩ mất tích ngày càng tăng là một đòn giáng mạnh vào tinh thần vốn đã suy yếu của Ukraine. "Tình trạng mất tích đó không chỉ gây áp lực lên xã hội Ukraine mà còn là sức ép với giới lãnh đạo quân sự và ông Zelensky", ông Barry nói. "Đó là một vấn đề nghiêm trọng".

Irina, vợ của một lính bộ binh Ukraine, biểu tình ở thủ đô Kiev vào tháng 11/2023, để ủng hộ việc giới hạn thời gian tối đa 18 tháng cho nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Le Monde

Irina, vợ của một lính bộ binh Ukraine, biểu tình ở thủ đô Kiev vào tháng 11/2023, để ủng hộ việc giới hạn thời gian tối đa 18 tháng cho nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Le Monde

Theo New York Times, sự thất vọng của người dân Ukraine ngày càng tăng vì không nhận được câu trả lời thích đáng về thân nhân là binh sĩ. Đôi khi, sự thất vọng đó bùng phát thành hành động. Tháng 10/2023, có một cuộc biểu tình lớn xảy ra ở thủ đô Kiev. Vài tháng gần đây, một số cuộc biểu tình khác cũng nổ ra. Mục đích là để đòi giới chức Ukraine có trách nhiệm với các binh sĩ mất tích. 

Việc xác nhận một binh sĩ đã chết rất khó khăn khi giới chức Ukraine không có thi thể, nhưng ngay cả khi họ tìm thấy thi thể, quá trình xác nhận danh tính cũng rất dài và không dễ.

Petro Yatsenko, một phát ngôn viên của Trung tâm Điều phối Xử lý tù binh chiến tranh (Ukraine), cho biết, một khó khăn là nhiều gia đình ngại gửi mẫu ADN của binh sĩ để phục vụ xác nhận danh tính vì vẫn nuôi hy vọng binh sĩ còn sống.

Ngoài ra, Artur Dobroserdov - ủy viên của Ukraine phụ trách về người mất tích - cho hay, dù Ukraine có 13 phòng thí nghiệm đang phục vụ xét nghiệm ADN nhưng vẫn mất tới vài tháng để xác định danh tính một thi thể.

Một đạo luật thông qua năm 2022 được cho là sẽ đơn giản hóa việc nhận dạng bằng cách cho phép binh sĩ cung cấp mẫu ADN trước khi ra trận. Nhưng một sĩ quan quân đội cấp cao của Ukraine cho biết, quá trình đó diễn ra "chậm hơn mong muốn".

Thân nhân các binh sĩ mất tích nói rằng việc các chỉ huy quân sự không liên lạc với họ đôi khi có thể khiến vấn đề thêm tồi tệ.

Vợ của binh sĩ Zaretsky cho biết, chỉ huy lữ đoàn của chồng cô không liên lạc với gia đình kể từ khi có thông tin binh sĩ mất tích.

"Một đồng đội còn sống đã kể lại cho tôi chi tiết về cái chết của chồng tôi, trong khi chỉ huy lữ đoàn của anh ấy thì không làm như vậy", vợ của binh sĩ Zaretsky nói. "Tôi hiểu còn có rất nhiều binh sĩ khác. Nhưng điều đó không phải lý do cho phép họ đối xử với người thân của binh sĩ mất tích như vậy".

Theo quy định của quân đội Ukraine, các chỉ huy chiến đấu không phải bắt buộc nói chuyện với thân nhân binh sĩ mất tích. Quân đội Ukraine được cho là đã lưu giữ bản đồ về các vị trí chôn binh sĩ Ukraine và sẽ cho người thu thập hài cốt khi chiến tuyến dịch chuyển sang khu vực khác.

Theo New York Times, sự chậm trễ trong việc xác định danh tính binh sĩ chỉ làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho chính phủ Ukraine. Các gia đình có binh sĩ mất tích vẫn nhận được mức lương hàng tháng khoảng 100.000 hryvnia (hơn 60 triệu đồng) cho tới khi binh sĩ được chính thức tuyên bố là đã chết. Chi phí để tiếp tục cho các khoản chi trả kiểu này có thể lên tới hàng trăm triệu hryvnia.

Nguồn: [Link nguồn]

Không chỉ nảy sinh các mâu thuẫn mới liên quan đến xung đột ở Ukraine, 2 ông lớn NATO trước đó đã có những bất đồng chưa được giải quyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - NYT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN