2 ông lớn NATO căng thẳng trong bối cảnh xung đột Ukraine

Không chỉ nảy sinh các mâu thuẫn mới liên quan đến xung đột ở Ukraine, 2 ông lớn NATO trước đó đã có những bất đồng chưa được giải quyết.

Ông Macron và ông Scholz trong một sự kiện tại Đức. Ảnh: Getty

Ông Macron và ông Scholz trong một sự kiện tại Đức. Ảnh: Getty

Tại một hội nghị về xung đột ở Ukraine vào cuối tháng 2/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng triển khai binh sĩ đến Ukraine. 

Tuyên bố trên không được Berlin ủng hộ. Vài giờ sau hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Châu Âu và NATO sẽ không gửi bất kỳ binh sĩ nào tới Ukraine".

Theo giáo sư Carolyn Moser, giám đốc một nhóm nghiên cứu tại Viện Luật Quốc tế Max Planck (Đức), tuyên bố của ông Macron là "lằn ranh đỏ với Đức" - quốc gia vốn lo ngại bị coi là "kẻ hiếu chiến" trong mắt Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cũng tại hội nghị trên, ông Macron không quên nhắc: "Nhiều người ngồi quanh chiếc bàn này chỉ tính đến việc gửi túi ngủ và mũ bảo hiểm tới Ukraine".

Đó là một lời mỉa mai nhắm vào Đức, quốc gia từng tuyên bố vào tháng 1/2022 về việc gửi 5.000 mũ bảo hiểm đến Kiev mà không cung cấp vũ khí.

Tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ đó.

Sau Mỹ, Đức hiện là nước đóng góp viện trợ lớn thứ 2 cho Ukraine. Theo viện Kiel (Đức), Berlin đã cam kết viện trợ 17 tỷ euro cho Kiev, trong khi con số này của Paris chỉ là 1,8 tỷ euro.

Theo Euronews, thiếu liên lạc cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng giữa Berlin và Paris.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, ông Scholz cuối tháng 2/2022 công bố một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội Đức. Pháp tỏ ra không hài lòng vì không được báo trước thông tin này.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, Đức đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội. Ảnh: Getty

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, Đức đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội. Ảnh: Getty

Một "cái gai" khác trong mối quan hệ Pháp - Đức, tồn tại trước xung đột ở Ukraine, là sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu.

Do Đức khởi xướng, sáng kiến này - có sự tham gia của 21 quốc gia thành viên NATO nhưng không có Pháp - bao gồm các hệ thống phòng không IRIS-T (Đức sản xuất), Patriot (Mỹ sản xuất) và Arrow-3 (Israel sản xuất).

Năm 2017, ông Macron đã có bài phát biểu tại thủ đô Paris, kêu gọi cải tổ hệ thống phòng thủ châu Âu - điều mà Berlin vốn không để tâm đến.

Theo chuyên gia, tầm nhìn của Pháp và Đức về phòng thủ châu Âu khác nhau cơ bản ở một điểm: Vai trò của NATO. "Trong khi Pháp muốn quyền tự chủ nhất định và không quá phụ thuộc vào NATO thì Đức lại ưu tiên duy trì và tăng cường mối quan hệ với NATO để đảm bảo vấn đề quốc phòng châu Âu", giáo sư Carolyn Moser, chuyên gia tại Viện Luật Quốc tế Max Planck (Đức), bình luận.

Hàng loạt bất đồng

Theo Euronews, quốc phòng chỉ là một phần trong chuỗi bất đồng lâu dài giữa Pháp và Đức.

Năng lượng từ lâu đã là một vấn đề khiến 2 ông lớn của NATO chia rẽ. Trong khi Pháp dựa vào năng lượng hạt nhân (cung cấp 70% lượng điện của nước này), Đức đã đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này vào năm 2023.

Xung đột ở Ukraine đang khiến Đức phải đối mặt với vấn đề năng lượng do nước này phụ thuộc vào lượng khí đốt do Nga cung cấp.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Pháp. Ảnh: Reuters

Một nhà máy điện hạt nhân ở Pháp. Ảnh: Reuters

Một vấn đề khác trong quan hệ Pháp - Đức là hiệp định thương mại tự do giữa EU và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur.

"Với Đức, tự do thương mại là cần thiết vì nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Tỷ lệ mở cửa của nền kinh tế Đức là 87%, trong khi của Pháp chỉ là 60%. Điều này cho thấy nền kinh tế Đức tham gia vào thị trường thế giới ở mức độ cao hơn Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu", Jacques-Pierre Gougeon, giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) ở Pháp, nói.

Ông Gougeon cho biết, Berlin đang thúc đẩy hiệp định thương mại tự do giữa EU và Mercosur, trong khi Paris cho rằng vẫn chưa đủ điều kiện để tiến tới hiệp định.

Giành quyền lãnh đạo?

Theo Euronews, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm đảo lộn sự phân chia vai trò cũng như mối quan hệ giữa Pháp và Đức.

"Có một sự phân chia vai trò ngầm ở châu Âu giữa một nước Pháp dẫn đầu về các vấn đề chiến lược, quốc phòng và nước Đức dẫn đầu về các vấn đề kinh tế. Rõ ràng, sự cân bằng này đang bị đe dọa khi Đức có tham vọng về các vấn đề quốc phòng, thể hiện ở việc chi mạnh cho hiện đại hóa quân đội", Gaspard Schnitzler, nghiên cứu viên cấp cao tại IRIS, nhận định. 

Mối quan hệ với Pháp không còn là ưu tiên hàng đầu của Đức khi nước này ngày càng chú trọng tới các mối quan hệ với các quốc gia Đông Âu.

Trong bài phát biểu tại Prague (Cộng hòa Séc) vào tháng 8/2022, Thủ tướng Đức Scholz kêu gọi mở rộng EU bằng việc kết nạp thêm các nước ở phía tây vùng Balkan, Ukraine và Moldova.

"Không thể phủ nhận, trọng tâm của châu Âu sẽ chuyển sang phía đông", ông Schnitzler, nghiên cứu viên cấp cao tại IRIS, nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Căng thẳng giữa Đức và Nga tiếp tục leo thang nghiêm trọng sau khi Berlin triệu tập đại biện Moscow liên quan cáo buộc phía Nga tấn công mạng vào Đức trong “một khoảng thời gian tương đối dài”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Euronews ([Tên nguồn])
Tin tức Pháp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN