Áp lực bủa vây Israel khi truy lùng căn cứ Hamas ở Gaza

Israel hứng nhiều chỉ trích khi nhắm vào nơi đông dân cư vì cho rằng các căn cứ của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đang ẩn náu trong đó.

Những ngày gần đây, lực lượng quân đội Israel bao gồm xe tăng, xe chiến đấu bọc thép hạng nặng đã tiến sâu hơn vào phía Bắc Dải Gaza nói chung và TP Gaza nói riêng. Một số chuyên gia cho rằng giai đoạn đầu của cuộc tấn công trên bộ của Israel dự kiến sẽ tập trung vào TP Gaza, nơi được cho là có các cứ điểm và vũ khí của Hamas, theo tờ The Wall Street Journal.

Israel truy lùng chỉ huy, cứ điểm Hamas

Trong chiến dịch ở Gaza, ngày 31-10, lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo lực lượng này đã tấn công vào một mạng lưới chỉ huy và đường hầm của Hamas ở phía Bắc Gaza, tiêu diệt chỉ huy của Hamas là ông Ibrahim Biari - nhân vật được cho là chủ mưu cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hôm 7-10. Bên cạnh chỉ huy này, phía Israel cho biết hàng chục chiến binh Hamas cũng đã bị tiêu diệt, nhiều cứ điểm chống tăng, trạm quan sát bị phá hủy và nhiều vũ khí, đạn dược của Hamas bị thu giữ.

Người dân Palestine tìm kiếm người mất tích sau vụ tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabalia ngày 31-10. Ảnh: GETTY IMAGES

Người dân Palestine tìm kiếm người mất tích sau vụ tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabalia ngày 31-10. Ảnh: GETTY IMAGES

Đáng nói là khu vực mà Israel tấn công nằm ngay trại tị nạn Jabalia (phía Bắc TP Gaza), nơi mà Israel cho là Hamas đã kiểm soát các tòa nhà dân cư ở khu vực này. Cuộc tấn công khiến hàng trăm người chết và bị thương, nhiều người đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và khiến 20 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn, theo đài CNN.

Sau cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabalia, BS Mohammad al-Ran của BV Indonesian (Gaza) chia sẻ rằng không ai có thể tưởng tượng được tình cảnh hàng trăm người bị thương và nhiều thi thể cháy đen được đưa tới bệnh viện. Dù là một trong những bệnh viện lớn nhất Gaza, bệnh nhân, người bị thương đã phải nằm la liệt trên sàn, hành lang và khu vực lễ tân.

Phía Hamas khẳng định không có sự hiện diện của bất kỳ thủ lĩnh nào của nhóm này tại trại tị nạn, đồng thời cáo buộc Israel cố gắng biện minh cho điều mà ông cho là “tội ác kinh hoàng chống lại thường dân, trẻ em và phụ nữ vốn đang an toàn trong trại Jabalia”.

Dù vậy, người phát ngôn IDF Jonathan Conricus khẳng định đó là cuộc tấn công quân sự quan trọng của lực lượng này. Cùng ý kiến, bà Miri Eisin, cựu phó chỉ huy quân đoàn tình báo chiến đấu và trợ lý giám đốc tình báo quân sự Israel, nhận định cuộc tấn công của Israel vào Jabalia “có ý nghĩa chiến thuật và mang tính biểu tượng”.

Lính Israel ở gần biên giới Gaza vào ngày 31-10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lính Israel ở gần biên giới Gaza vào ngày 31-10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bà Eisin giải thích rằng “điều quan trọng không nằm ở việc phát hiện một trong số rất nhiều tiểu đoàn (Hamas), mà quan trọng là tấn công vào một trong những thành trì của Hamas”. Theo bà, khu vực tại Jabalia là một trong những trọng điểm hầm hào chính của Hamas và phần lớn tòa nhà ở đây là điểm ra vào của mạng lưới ngầm rộng khắp Gaza của Hamas.

Sức ép bủa vây Israel

Cuộc tấn công cho thấy những rủi ro đối với Israel khi mở các cuộc tấn công trên bộ trong các khu vực dân cư đông đúc. Trong hơn ba tuần qua, Israel đã yêu cầu cư dân phía Bắc Gaza di chuyển đến phía Nam của vùng đất này để IDF mở chiến dịch lớn tiêu diệt Hamas. Tuy nhiên, nhiều người dân đã không thể rời đi vì nhiều lý do như phía Nam Gaza cũng bị bắn phá, không đủ tiền để sơ tán hoặc không thể đi được vì bị thương...

Theo tờ The Wall Street Journal, Israel đang phải chịu áp lực quốc tế ngày càng lớn do dân thường bị thương vong ở Gaza ngày một tăng. Cuộc tấn công vào trại Jabalia có thể sẽ khiến Mỹ và các nước phương Tây gặp khó khăn trong việc duy trì sự ủng hộ với hoạt động quân sự của Israel.

Nhà Trắng từ chối bình luận về cuộc không kích trại Jabalia nhưng cho biết các quan chức Mỹ đã thúc giục Israel giảm thiểu thiệt hại cho dân thường. Phiên điều trần của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện hôm 31-10 đã bị gián đoạn do nhiều người biểu tình hô vang khẩu hiệu yêu cầu ngừng bắn và cứu trẻ em ở Gaza.

Nhiều nước Trung Đông, gồm Saudi Arabia, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Iran, đã cực lực lên án vụ tấn công của Israel vào trại tị nạn. Các nước này gọi cuộc tấn công là hành vi gây hấn, nhắm mục tiêu vào dân thường, đồng thời cáo buộc Israel phớt lờ luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế. Các nước kêu gọi hai bên ngừng bắn và đề nghị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khẩn trương thực hiện trách nhiệm quốc tế của mình để ngăn chặn thương vong ở Gaza.

Theo tờ The New York Times, các chuyên gia cho rằng việc Israel bắn phá các khu vực đông dân cư làm dấy lên mối lo ngại khả năng Tel Aviv vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Ông Omar Shakir, Giám đốc Tổ chức Theo dõi nhân quyền ở Israel và Palestine, cho rằng luật pháp quốc tế nghiêm cấm các cuộc tấn công mà mức thiệt hại ước tính ​​đối với dân thường và tài sản dân sự không tương xứng với lợi ích quân sự dự kiến.

Nhân tố mới thách thức Israel

Quân đội Israel hôm 31-10 cho biết lực lượng này đã ngăn chặn một cuộc tấn công trên không của phong trào Hồi giáo Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Trước đó, Houthi nói rằng lực lượng này đã phóng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) vào các mục tiêu ở Israel trong chiến dịch thứ ba nhằm hỗ trợ người dân Palestine.

Các chuyên gia cho rằng dù cuộc tấn công của Houthi bị ngăn chặn nhưng đã chứng tỏ được lực lượng này có khả năng mở rộng hoạt động. Ông Ahmed Nagi, nhà phân tích cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group (Bỉ), cho rằng việc Houthi bước vào chiến trường, dù mang tính biểu tượng sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng tới Israel rằng “một lực lượng mới trong khu vực đã nổi lên chống lại Israel”.

Ông cho rằng việc tấn công đa hướng vào Israel là một chiến lược quan trọng của “Trục kháng chiến” - mạng lưới gồm nhiều lực lượng khác nhau được Iran hỗ trợ trên khắp khu vực, nhằm khiến Israel rối loạn và ngăn cản nước này mở rộng chiến dịch quân sự trên bộ ở Gaza.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng trước đây, vào năm 2015, Houthi thậm chí còn không thể tấn công bằng UAV. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của Iran trong những năm gần đây, Houthi đã gây dựng được sức mạnh của mình.

Nguồn: [Link nguồn]

Houthi can dự vào xung đột Israel - Hamas, cường quốc dầu mỏ láng giềng lo ngại?

Quốc gia Trung Đông lo ngại xung đột Israel - Hamas sẽ lan sang nước này sau động thái của Phong trào Houthi ở Yemen nhằm vào Israel.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN