Vàng có thể lên trên 50 triệu đồng/lượng

Các chuyên gia kinh tế dự báo, với diễn biến như hiện nay, đến cuối năm, giá vàng trong nước có thể lên hơn 50 triệu đồng/lượng.

Gần một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC gia công thêm 350.000 lượng, đến nay giá vàng SJC vẫn cao hơn thế giới hơn 2,5 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia kinh tế dự báo, với diễn biến như hiện nay, đến cuối năm, giá vàng trong nước có thể lên hơn 50 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch quá lớn

Tình trạng chênh lệch 2-3 triệu đồng/lượng giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi, thời gian qua được giải thích là do cung cầu thị trường. Lượng cầu lớn, nhất là từ phía các doanh nghiệp và ngân hàng được cho là yếu tố thúc đẩy giá vàng trong nước có mức gia tăng vượt trội so với mức tăng của giá vàng thế giới. Không chỉ phát đi các thông điệp bằng lời kêu gọi “người dân bình tĩnh”, giữa tuần trước, NHNN đã cho phép Công ty SJC gia công hơn 350.00 lượng vàng từ vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng, thực hiện ngay trong ngày 20/9.

Nhưng, gần một tuần sau động thái này, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi hơn 2,5 triệu đồng/lượng. Chiều 25/9, Công ty SJC niêm yết giá vàng SJC tại TP HCM ở mức 46,7 triệu đồng/lượng mua vào và 47,05 triệu đồng/lượng bán ra. Còn tại Hà Nội, mức mua vào cũng là 46,7 triệu đồng/lượng, trong khi mức giá bán ra cao hơn một chút ở mức 47,07 triệu đồng/lượng. Với giá này, vàng SJC đang cao hơn giá niêm yết của Vàng rồng Thăng Long (Bảo Tín Minh Châu) 3 triệu đồng/lượng khi mà chiều 25/9, giá Vàng rồng Thăng Long ở mức 43,75 triệu đồng/lượng mua vào và 44,05 triệu đồng/lượng bán ra.

Trong một cái nhìn dài kỳ hơn, theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá vàng tháng 9 đã có mức tăng 5,25% so với tháng 8. USD cũng đã có mức tăng giá là 0,06% so với tháng 8. Giá vàng và USD tăng từ quý 3 được cho là phù hợp với xu hướng thường thấy hàng năm. Ngoài một số thời điểm giá vàng tăng cao làm tăng lượng bán, thị trường vàng những ngày qua được nhìn nhận là có lượng giao dịch trầm lắng. Các nhà đầu tư và người dân dường như vẫn chờ đợi những thông tin mới từ thị trường để quyết định đầu tư, mặc dù không ít dự báo giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng đi lên trong tương lai gần.

Ba yếu tố “đẩy” giá vàng trong nước

Giải thích về hiện tượng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thời gian qua, PGS-TS Đỗ Đức Định, người có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam cho rằng, có thể chỉ ra ba điểm lớn gây ra tình trạng chênh lệch này. Điểm thứ nhất theo phân tích của TS Định là sự tắc nghẽn từ phía chính sách với thị trường vàng. Hiện nay “ống thông nhau” giữa thị trường trong nước và thế giới đang bị chính sách làm cho “tắc nghẽn”. Trong khi thị trường thế giới thông thoáng còn thị trường trong nước lại quá nhiều rào cản. Việc độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC là một loại rào cản. Thế giới thấy rằng đồng tiền vàng chỉ có một tiêu chuẩn là vàng 80%, 90% hay vàng 99,99%, thì Việt Nam “lại thêm một tiêu chuẩn là vàng SJC” và “vàng không phải SJC” thì tức là thêm rào cản. Theo ông Định chính cái này sẽ làm hạn chế tất cả giao dịch trong nước và ngoài nước, trở thành một yếu tố đẩy giá vàng trong nước lên.

Thứ hai là, trong mỗi một năm có một hiện tượng gần như một dạng chu kỳ đó là giá vàng có xu hướng chung là sẽ tăng từ quý 3, quý 4. Đó là xu hướng của đầu năm và cuối năm liên quan đến đồng tiền phải giao dịch thanh toán. Vào đầu năm khi người ta ít thanh toán thì giá đồng tiền tương đối ổn định, nhưng nửa cuối năm, các giao dịch thanh toán càng nhiều thì giá đồng tiền càng không ổn định. Cùng với các yếu tố khác liên quan đến chi tiêu công khiến tỷ giá và giá vàng có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm.

Loại yếu tố thứ 3 theo ông Định đó là yếu tố tâm lý, trong bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng liên tiếp có những biến động lớn, bất động sản ảm đạm như hiện nay thì dễ hiểu là người dân sẽ quay lại với vàng. Mức cầu tăng cao cũng sẽ góp phần làm tăng mức chênh lệch giá. Với ba yếu tố này, nếu không có những chính sách thích hợp, theo ông Định, từ giờ đến cuối năm xu hướng vàng tăng cao trong nước và tách biệt lớn với giá vàng thế giới ngày càng nhiều. TS Định dự đoán đến cuối năm giá vàng trong nước có thể lên đến hơn 50 triệu đồng/lượng.

“Với tiêu chuẩn là vàng 99,99 thì móp méo cũng 99,99 mà chặt ra nó cũng vẫn là 99,99. Như thế tự nhiên nó làm cho đồng tiền vàng có giá trị theo đúng tiêu chuẩn, chứ không bị một tiêu chuẩn mang tính kỹ thuật - hành chính. Ở trong nước, anh phân biệt đối xử cái đồng tiền bằng một kỹ thuật hành chính, còn nước ngoài thì người ta nhìn vào SJC người ta bảo cái này là cái gì? Nó chả là cái gì cả. Nhưng nếu người ta nhìn vào vàng 99,99 người ta hiểu, à đấy là vàng 99,99”.

GS.TS Đỗ Đức Định

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đắc Kiên (Gia đình & Xã hội)
Cơn sốt giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN