Ủy ban Chứng khoán lên tiếng sau biến động giảm sâu của thị trường

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo UBCKNN, biến động trên TTCK Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang phối hợp với cơ quan điều tra trong xác minh, điều tra các sai phạm nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán như vụ thao túng cổ phiếu FLC, Louis...

Chứng khoán Việt Nam liên tục trồi sụt mạnh trước nhiều yếu tố khó lường. Kết phiên 11/11, VN-Index đóng cửa tại 954 điểm, tương đương mức giảm hơn 26% chỉ trong vòng 2 tháng. Nếu so với hồi đầu năm, thị trường đã giảm hơn 36% - mức giảm mạnh hàng đầu trên thế giới.

So với hồi đầu năm, thị trường chứng khoán giảm hơn 36% - mức giảm mạnh hàng đầu trên thế giới

So với hồi đầu năm, thị trường chứng khoán giảm hơn 36% - mức giảm mạnh hàng đầu trên thế giới

Trước những diễn biến trên, chiều ngày 11/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chính thức lên tiếng về tình hình thị trường chứng khoán thời gian qua.

Theo UBCKNN, biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế. Đối với các yếu tố quốc tế, UBCKNN cho biết sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch COVID-19, lạm phát tăng mạnh khiến nhiều nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro suy thoái, lạm phát ở một số quốc gia. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023.

Tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2022. Xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng giữa các nước lớn và chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc tiếp tục tiếp diễn đã làm trầm trọng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; giá cả lương thực, năng lượng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp và gia tăng áp lực lạm phát.

Trong bối cảnh đó, theo UBCKNN, thị trường chứng khoán trên thế giới cũng trải qua nhiều biến động. Tính đến ngày 31-10, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI đã giảm 21,98%; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 12,3%, chỉ số DAX của Đức giảm 16,63%, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 23,82%, chỉ số Shang Hai của Trung Quốc giảm 19,89%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 36,48%, chỉ số S&P500 của Mỹ giảm 18,15% so với cuối năm 2021.

Trong nước, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.

"Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng đã gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát"- đại diện UBCKNN cho hay.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 đến Quý I/2022. Do đó, khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.

UBCKNN cũng nhấn mạnh việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới"- đại diện UBCKNN cho hay.

Để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững và minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong thời gian tới, UBCKNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm TTCK Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tăng cường minh bạch cho thị trường.

UBCKNN cũng tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; phối hợp với cơ quan điều tra trong xác minh, điều tra các sai phạm nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán như vụ thao túng cổ phiếu FLC, Louis... và xử lý các tin đồn thất thiệt nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc phát triển thị trường minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Nguồn: [Link nguồn]

Shipper tắt app, xếp hàng 50 phút chờ đổ xăng

“Xe hết sạch xăng, muốn mua xăng nhưng phải xếp hàng chờ cả giờ đồng hồ mới tới lượt. Tôi phải tắt app, khi nào đổ đầy bình xăng mới yên tâm mở app nhận đơn trở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN