Bầu Thụy bị “bốc hơi” hơn 640 tỷ đồng trong ngày chứng khoán Việt Nam tăng kỷ lục

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên tăng điểm kỷ lục thì khối tài sản của bầu Thụy vẫn ghi nhận mức giảm tới hơn 640 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán trong nước có phiên giao dịch ngày 17/5 hồi phục rất tốt sau chuỗi giảm dài vì bán tháo. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng đến 56,42 điểm (4,81%) đạt mức cao nhất ngày tại 1.228,37 điểm. Mức tăng 4,81% cũng là con số cao nhất VN-Index đạt được trong vòng hơn 25 tháng qua kể từ ngày 6/4/2020.

Sau phiên tăng điểm kỷ lục trong lịch sử, chỉ số VN-Index đã chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp, cũng như lấy lại mốc quan trọng 1.200 điểm khá vững chắc. Phiên tăng này cũng giúp sàn HoSE lấy lại 223.800 tỷ vốn hóa ( tương đương gần 9,7 tỷ USD). Trong khi đó chỉ số HNX-Index cũng bứt phá 8,39 điểm (2,73%) lên 315,44 điểm. UPCoM-Index tăng 2,89% đạt 95,89 điểm.

Trái ngược với đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 17/5, khối tài sản của ông Nguyễn Đức Thụy - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và là người sáng lập CTCP Thaiholdings lại ghi nhận mức giảm mạnh tới hơn 640 tỷ đồng.

Cụ thể trong phiên giao dịch vừa qua, mã cổ phiếu THD của Thaiholdings ghi nhận mức giảm sâu tới 7.800 đồng tương đương mức giảm 9,63% để kết thúc phiên giao dịch ở mức giá thấp nhất 73.200 đồng/cổ phiếu.

Với việc đang trực tiếp nắm giữ gần 87,5 triệu cổ phiếu THD khối tài sản của bầu Thụy ở mã cổ phiếu này ghi nhận mức giảm tới hơn 681 tỷ đồng. Tài sản của bầu Thụy bớt thiệt hại hơn nhờ cổ phiếu LPB ghi nhận mức tăng 900 đồng/cổ phiếu tương đương mức tăng kịch trần 6,87% để đóng cửa ở mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu.

Tính riêng trong phiên giao dịch ngày 17/5, khối tài sản của bầu Thụy tiếp tục ghi nhận mức giảm 644 tỷ đồng.

Tài sản của bầu Thụy giảm hơn 644 tỷ đồng trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh

Tài sản của bầu Thụy giảm hơn 644 tỷ đồng trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh

Với mức giảm 9,63% trong phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu THD cũng đã có chuỗi 4 phiên giảm mạnh liên tiếp. So với mức giá 171.000 đồng/cổ phiếu thiết lập ngày 5/4, cổ phiếu THD đã ghi nhận mức giảm hơn 57% sau hơn một tháng. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch, khối tài sản bầu Thụy đang trực tiếp nắm giữ chỉ còn hơn 6.980 tỷ đồng.

Cổ phiếu THD tiếp tục ghi nhận mức giảm mạnh ở phiên giao dịch ngày 17/5 sau thông tin Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thaiholdings (THD) ra nghị quyết thông qua phương án điều chỉnh lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính năm 2021. Việc điều chỉnh này liên quan đến một giao dịch với Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Việc hoàn trả tiền khiến lợi nhuận của Thaiholdings năm 2021 phải giảm từ 1.156 tỷ xuống 424 tỷ đồng.

Theo công văn của Cục cảnh sát điều tra C03, Thaigroup, công ty con của Thaiholdings, phải hoàn trả 840 tỷ đồng đã giao dịch với Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên quan đến thương vụ bán cổ phần tại Bình Minh Group - chủ sở hữu của dự án 11A Cát Linh, Hà Nội. Thaigroup sẽ nhận lại cổ phần của Bình Minh Group sau khi hoàn trả tiền, kèm hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án.

Trong khi đó, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch ngày 18/5, chuyên gia của công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thị trường có thể rung lắc trong phiên sáng để hấp thụ lực bán chốt lãi của phiên bắt đáy T+3. Nhiều khả năng VN-Index có thể xuất hiện nhịp giảm để kiểm định đường MA5 ngày vừa vượt qua, hiện đang nằm tại 1.215 điểm.

Theo VCSC, nếu lực bán ra tiếp tục có cường độ yếu, lực mua được kỳ vọng sẽ mạnh dần lên từ hỗ trợ để đối trọng lại đà điều chỉnh. Ở kịch bản này, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục sau đó để hướng lên kháng cự mạnh hơn, tạo bởi đường MA10 ngày quanh mốc 1.265 điểm. Ngược lại, nếu lực bán mạnh lên khiến VN-Index đóng cửa dưới 1.215 điểm, tín hiệu hình thành đáy ngắn hạn của thị trường sẽ chưa được hình thành.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tiến về vùng cao hơn trong thời gian tới, tuy nhiên không loại trừ khả năng kiểm tra lại vùng hỗ trợ trước khi bật tăng. Vùng hỗ trợ gần nhất là 1.200 - 1.220 điểm. Kháng cự gần nhất là 1.240 - 1.260 điểm.  

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) đánh giá VN-Index đã kết thúc sóng điều chỉnh a để bước vào sóng hồi phục b với target đầu tiên theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.300 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng điều chỉnh a).

Tuy nhiên, theo SHS nếu thị trường nhanh chóng suy yếu và VN-Index không thể giữ được ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5) thì thị trường sẽ một lần nữa quay trở lại sóng điều chỉnh a.

Nguồn: [Link nguồn]

Gia đình đại gia người Huế tiếp tục bị ”thổi bay” gần 2.500 tỷ đồng trong một ngày

Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 16/5, khối tài sản của gia đình đại gia 52 tuổi này tiếp tục ghi nhận mức giảm thêm gần 2.500 tỷ đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN