Trồng đủ thứ cây vì lo được mùa, mất giá, hóa ra lại nhiều thu nhập

Sự kiện: Kinh Doanh

Chị Lò Thị Dưng, dân tộc Thái ở bản Quỳnh Thuận (xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn trồng nhiều loại cây trên cùng mảnh đất nương của mình: Cà phê, thanh long, cam, bưởi, chanh leo, sa nhân... mỗi loại cây ở một khu riêng. Cách làm này giúp gia đình chị thu hơn 300 triệu đồng mỗi năm lại không lo được mùa mất giá...

Đánh thức vùng đất mới

Tháng 10, trong tiết trời se lạnh của mùa thu, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận, người phụ nữ nức tiếng bởi tính đảm đang, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình.

Gặp chị Dưng trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái, xung quanh nhà cây cối xum xuê, vườn cà phê, thanh long, cam, bưởi... xanh mướt phủ kín khắp triền đồi. Ngôi nhà sàn khang trang, bề thế, bên trong có đồ đạc tiện nghi, đó là thành quả sau những tháng ngày bới đất, lật cỏ, trồng cây ăn quả của gia đình chị Dưng.

Trồng đủ thứ cây vì lo được mùa, mất giá, hóa ra lại nhiều thu nhập - 1

Vườn chanh leo xanh mướt sai trĩu quả của gia đình chị Dưng, năm nào cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng.

Kể về ngày tháng lập nghiệp trên vùng đất mới, chị Dưng cho hay: Năm 2007, gia đình chị Dưng cùng 29 hộ dân bản Nghe Tỏng của xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, chuyển về tái định cư tại bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu để nhường đất xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Những ngày đầu chuyển về vùng đất mới, cũng như các gia đình khác thuộc diện tái định cư, gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Do chưa quen với môi trường và khí hậu, thời tiết, đặc biệt là cách thức canh tác mới, bởi trước đây ở quê cũ chủ yếu là trồng lúa nước.

Trồng đủ thứ cây vì lo được mùa, mất giá, hóa ra lại nhiều thu nhập - 2

Cà phê là một trong những loại cây trồng rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Chiềng Pha nên cây phát triển tốt, năng suất cao.

Với diện tích đất được giao hơn 1 ha nương cà phê và 3 ha đất nương đồi núi đá. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân sở tại, gia đình chị Dưng sớm ổn định cuộc sống. Với tính cần cù, chị Dưng và gia đình không ngại khó, ngại khổ, tập trung phát triển diện tích đất sản xuất được giao, chia thành nhiều khoảnh vườn nhỏ, mỗi mảnh rộng chừng 2.000m2 – 3.000m2.

Trên mỗi mảnh nương đó chị Dưng trồng một loại cây, nào là cà phê, thanh long, cam, bưởi, chanh leo, sa nhân…. Chỉ sau 1-3 năm, loại cây nào cũng đều cho thu hoạch, năm nào gia đình chị cũng thu hơn 300 triệu đồng.

Thành quả sau những ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt

“Sau khi tiếp nhận diện tích cây cà phê, nhờ thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, cây phát triển tốt cho thu hoạch khoảng 8 tấn quả/ha, thấy lợi ích của cây cà phê, tôi mở rộng lên gần 2 ha, trồng xen với đào Pháp và mận tam hoa. Diện tích còn lại, gia đình tôi không trồng ngô hay lúa nương mà cải tạo để trồng cây cam, bưởi, thanh long và chanh leo, diện tích nương ở khu vực đồi đá thì trồng cây sa nhân”, chị Dưng nói.

Trồng đủ thứ cây vì lo được mùa, mất giá, hóa ra lại nhiều thu nhập - 3

Vụ cam nào gia đình chị Dưng cũng thu hoạch vài tấn cam

Để có vốn, gia đình chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội gần một trăm triệu đồng, đầu tư mua trang thiết bị, lắp đặt hệ thống tưới ẩm tự động. Sau những tháng ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt; khu đồi đá trọc lốc, nắng cháy ngày nào, giờ đã trở thành khu vườn xum xuê cây trái, xanh tốt. Mùa nào cũng có sản phẩm để bán, thu nhập từ trồng cây ăn quả, cà phê, sa nhân... hằng năm trên 300 triệu đồng.

Trồng đủ thứ cây vì lo được mùa, mất giá, hóa ra lại nhiều thu nhập - 4

“Có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực gia đình là sự đỡ chính quyền và bà con địa phương, tạo điều kiện cho tôi tham quan học tập các mô hình làm kinh tế giỏi ở các địa phương”, chị Dưng tâm sự. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN