Thủ tục còn hành doanh nghiệp

Nội dung các văn bản pháp luật thực hiện dự án đầu tư còn rườm rà, chồng chéo gây khó khăn, phiền toái cho doanh nghiệp.

Ngày 13/9, tại TP Đà Nẵng, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo về một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong thực hiện dự án đầu tư. Nhiều luật sư, luật gia và các doanh nghiệp (DN) cho rằng cần xúc tiến cải cách TTHC, thay đổi văn bản pháp luật cho phù hợp, giúp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cản trở nhà đầu tư

Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng hiện có nhiều TTHC rườm rà, gây phiền hà và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của DN. Chính vì thế, cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư là cấp thiết. Theo ông Túc, cần cải cách theo hướng xây dựng một quy trình thủ tục thống nhất, công khai, minh bạch trên toàn quốc và cắt giảm những thủ tục không cần thiết.

Thủ tục còn hành doanh nghiệp - 1

Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng việc cắt giảm các TTHC trong thực hiện dự án đầu tư có tác động rất tích cực. Những thủ tục được cắt giảm và thực hiện điển hình thời gian qua như triển khai cơ chế hải quan một cửa, đăng ký kinh doanh cùng với cấp mã số thuế… đã giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho DN mỗi năm. Ông Cường cũng cho rằng TTHC hiện tại của Việt Nam vẫn còn gây cản trở cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, làm hạn chế sự phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Phụ trách, Ban Pháp chế VCCI, nhận xét có quá nhiều quy định trong TTHC thực hiện dự án đầu tư (từ luật, nghị định đến các thông tư, văn bản) khiến DN rối bời. Hệ thống quy định pháp luật về TTHC trong thực hiện dự án đầu tư còn phức tạp, chồng chéo và không thống nhất. Chẳng hạn, Luật Đầu tư chưa tương thích với nhiều luật khác trong lĩnh vực thương mại, xây dựng và kinh doanh bất động sản, đất đai, khoáng sản…

Mỗi nơi một kiểu

Nhiều đại biểu cho rằng do có quá nhiều quy định chồng chéo nhau dẫn đến mỗi địa phương thực hiện pháp luật theo một kiểu khác nhau. Các ban, ngành, bộ cũng chồng chéo nhau trong việc cấp phép đầu tư kinh doanh. Một luật gia cho rằng đã là luật pháp thì phải rõ ràng, không thể có việc hiểu thế này thế khác. Vị luật gia này kiến nghị nếu luật chưa rõ thì phải có các nghị định liên quan để bổ sung.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, nhấn mạnh các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất trong các quy định pháp luật nên mỗi khi DN cần cấp phép lại gặp khó khăn. Ông kiến nghị phải xây dựng một hệ thống pháp luật mà các bộ, ngành phải thống nhất, thực hiện đúng và nghiêm túc...

Nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng mô hình chính phủ điện tử để giảm tải chi phí cho DN cũng như giảm bớt phiền hà trong TTHC khi đến các cơ quan nhà nước. Theo luật sư Trần Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, nếu muốn công khai, minh bạch TTHC thì cần phải đưa lên chính phủ điện tử. Điều này sẽ góp phần giúp DN tránh gặp các nhân viên ở cơ quan nhà nước. Việc thực hiện chính phủ điện tử cũng giúp giảm bớt gánh nặng trong cải cách TTHC.

Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay đến cuối năm 2013, Đà Nẵng sẽ đưa phần mềm đăng ký đầu tư qua mạng vào sử dụng. Thực hiện kế hoạch này, nhà đầu tư sẽ tiết kiệm nhiều thời gian mà không phải liên hệ với các cơ quan xúc tiến đầu tư.

Bộ làm khó địa phương

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng DN không chỉ gặp khó ở địa phương mà đến các cơ quan bộ, ngành cũng vấp phải những khó khăn, kể cả địa phương cũng bị bộ làm khó. Ông Võ Duy Khương, dẫn chứng nhiều khi địa phương làm thủ tục cấp phép ở bộ thì các bộ lại đùn đẩy nhau; hồ sơ thủ tục hành chính khi đưa về bộ thì bị “ngâm” rất lâu. “Hồ sơ ngâm lâu chứng tỏ năng lực của cán bộ còn rất hạn chế” - ông Khương nói. Ông Khương cũng kiến nghị các bộ, ngành cần thực hiện đúng cam kết về thời gian thẩm tra đối với các dự án thuộc thẩm quyền của bộ, về cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BÍCH VÂN (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN