Thị trường ô tô Việt Nam năm 2017: Sự ảm đạm được báo trước

Sự kiện: Kinh Doanh

Doanh số bán hàng của thị trường giảm 10% khiến hầu hết các hãng xe đều tăng trưởng chậm hoặc giảm sút so với năm trước. Tuy nhiên, sự ảm đạm này của thị trường đã được dự báo trước.

Như đã thông tin, thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 12/2017, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 27.882 xe. Doanh số tháng cuối cùng của năm 2017 tăng 13% so với tháng trước đó nhưng vẫn giảm tới 16% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong số gần 28.000 xe bán ra trên thị trường có 14.621 xe du lịch; 11.889 xe thương mại và 1.372 xe chuyên dụng. Với con số này, doanh số xe du lịch tăng 14%; xe thương mại tăng 13% và xe chuyên dụng giảm 6% so với tháng trước.

Như vậy, cả năm 2017, các doanh nghiệp thuộc VAMA đã bán ra tổng số 272.750 xe. Trong đó lượng xe du lịch đạt 154.209 chiếc, giảm 15% so với năm 2016. 

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2017: Sự ảm đạm được báo trước - 1

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2017 giảm 10%. (Ảnh minh họa: Internet)

Sự ảm đạm của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2017 phần nào đã được dự báo trước. Dù cho trước đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô tại thị trường Việt Nam đặt ra kì vọng lớn cho thị trường khi dự đoán doanh số bán ra khoảng 300.000 chiếc. Tuy nhiên, tâm lý chờ đợi xe nhập khẩu giá rẻ theo lộ trình hội nhập AFTA, khi thuế suất về bằng 0% (vào 2018) của người tiêu dùng khiến doanh số bán hàng của hầu hết các hãng xe đều không như kì vọng.

Cũng trong tháng 4/2017, Thaco (Trường Hải) đã đưa ra dự báo thị trường xe con trong năm 2017 dự báo giảm 10% và tỷ suất lợi nhuận trong năm 2017 cũng thấp hơn do sẽ có sự cạnh tranh gay gắt với các dòng xe được nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Và doanh nghiệp này thực hiện giảm giá để cạnh tranh.

Để kích cầu, chưa bao giờ thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến làn sóng giảm giá ô tô mạnh mẽ đến vậy. Trong năm 2017, cuộc chiến giảm giá xe tại thị trường Việt Nam cũng diễn ra mạnh ngay từ những tháng đầu năm. Trong đó, Trường Hải khơi mào cuộc chiến giảm giá với mục đích chiếm thị phần, tăng sản lượng xe du lịch lắp ráp trong nước để mở rộng sản xuất. Doanh nghiệp này đã tạo nên một cuộc chiến khi đưa giá bán hàng loạt mẫu xe “chạm đáy” và kéo theo tất cả các doanh nghiệp ô tô tại thị trường Việt Nam tham chiến, trong đó có cả Toyota.

Mức giá giảm từ vài chục triệu đồng liên tiếp tăng lên 100 triệu và hơn 200 triệu đồng trong nửa cuối năm 2017. Làn sóng giảm giá lên đến đỉnh cao khi Honda tạo nên cú sốc Honda CR-V hồi tháng 9 khiến người tiêu dùng và các đối thủ không khỏi bất ngờ. Lần đầu tiên, giá bán của một mẫu CUV 5 được thị trường ưa chuộng có mức giá hơn 700 triệu đồng. Cú sốc Honda CR-V đã khiến hàng loạt đối thủ khác như Mitsubishi, Suzuki, Nissan liên tiếp phải hạ giá bán các mẫu xe của mình để lôi kéo khách hàng.

Doanh số bán ra giảm khiến hầu hết các hãng xe tại Việt Nam không tăng trưởng hoặc rất thấp trong năm 2017.

Theo thống kê của VAMA, trong năm 2017, cả hai thương hiệu Kia, Mazda đều sụt giảm mạnh về doanh số. Trong đó, doanh số Kia bán ra giảm tới 33% so với năm trước khi Thaco bán ra 22.136. Doanh số xe Mazda cũng giảm 19% với 26.017 chiếc xe đã được bán ra.

Toyota tăng trưởng 4% khi bán ra 59.355 xe (không bao gồm Lexus) trong khi đó, doanh số của Ford giảm nhẹ khi bán ra tổng số 28.588 chiếc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HN (ICT News)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN