Ra ngõ gặp trái cây ngoại

Sự kiện: Kinh Doanh

Thuế nhập khẩu giảm, nhu cầu tiêu thụ cao, doanh nghiệp tham gia nhập khẩu nhiều… giúp người tiêu dùng được ăn trái cây ngoại đúng giá.

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ, siêu thị và cửa hàng chuyên bán trái cây tại TP HCM, lượng trái cây gắn nhãn mác, xuất xứ nước ngoài được bán rất nhiều, giá khá rẻ.

Loạn xuất xứ, loạn giá

Tại chợ Đa Kao, quận 1, nhiều cửa hàng bày bán các loại táo đỏ, xanh được giới thiệu táo Mỹ, táo gala New Zealand với giá từ 56.000-70.000 đồng/kg. Tại các chợ Tân Định (quận 1), An Đông (quận 5), Phú Lâm (quận 6), Vườn Chuối (quận 3), Nguyễn Thái Bình (quận 1)…, các quầy hàng cũng đầy ắp trái cây ngoại dù đây là thời điểm chính vụ thu hoạch trái cây trong nước. Chủ cửa hàng Điệp trên đường Tùng Thiện Vương, quận 8, cho biết lê Hàn Quốc đang bán rất chạy, có ngày cửa hàng này bán đến 100 kg vì trái lê ngọt, mát, nhiều nước, giá chỉ 50.000 đồng/kg.

Ra ngõ gặp trái cây ngoại - 1

Trái cây ngoại giá rẻ đầy ắp trong các siêu thịẢnh: Tấn Thạnh

Được bán tràn ngập trên thị trường nhưng giá trái cây ngoại rất vô chừng, mỗi nơi mỗi giá và chênh lệch nhau đến vài chục ngàn đồng/kg. Cũng là hàng nhập nhưng giá táo xanh tại một sạp ở chợ đầu mối Thủ Đức chỉ 25.000 đồng/kg, táo đỏ 45.000 đồng/kg; còn cửa hàng trái cây nhập khẩu Eco Fruits bán táo đỏ Mỹ 69.000 đồng/kg, giá lê Hàn Quốc lên tới 110.000 đồng/kg, cam Ai Cập 80.000 đồng/kg, lê Nam Phi 99.000 đồng/kg. Một cửa hàng trái cây ngoại ở chợ Hòa Bình (quận 5) bán lê Hàn Quốc khoảng 60.000-70.000 đồng/kg, táo đỏ 70.000 đồng/kg. Ngay cả các siêu thị vốn cạnh tranh nhau gay gắt về chủng loại, giá cả hàng hóa cũng mỗi nơi mỗi kiểu. Tại Big C, táo nhập từ Pháp chỉ gần 40.000 đồng/kg, táo gala nhập từ Mỹ giá cũng chưa tới 50.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc khoảng 60.000 đồng/kg. Tại Co.opmart, giá táo Mỹ gala từ 70.000-80.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc 80.000 đồng/kg, kiwi 328.000 đồng/kg.

Số liệu từ ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức cho biết mỗi đêm lượng trái cây về chợ từ 17.000-18.000 tấn, trong đó trái cây ngoại nhập chiếm tỉ lệ khoảng 30%. Táo, lê, cam của Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ… là những mặt hàng được ưa chuộng hơn cả.

Nhập nhiều nên rẻ!

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một hệ thống bán lẻ lớn tại TP HCM cho biết hầu hết các nhà bán lẻ lớn đang nhập khẩu trực tiếp trái cây ngoại về phân phối trong hệ thống hoặc nhập qua đơn vị ủy quyền, người tiêu dùng trong nước cũng chuộng trái cây ngoại nên lượng nhập nhiều, được giá. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc T&T Group (chuyên xuất khẩu trái cây Việt Nam), cho biết thị trường này đang rất nhộn nhịp và có phần lộn xộn. Quá nhiều doanh nghiệp (DN) đang nhảy vào lĩnh vực này, trái cây nhập thì “thượng vàng hạ cám” nên bán ra thị trường đủ giá, đủ chất lượng.

Cũng là trái cây nhập từ Mỹ, New Zealand nhưng giá trái loại 1, loại 2, loại 3 chênh lệch nhau đến 30% mỗi loại, về Việt Nam bán ra có sự chênh lệch là vậy. “Người tiêu dùng Việt Nam thấy táo Mỹ, táo New Zealand giá 50.000-70.000 đồng/kg thì cho là rẻ nhưng thật ra không phải rẻ mà đang được trả về đúng giá trị thật. Trước đây, trái cây nhập khẩu về Việt Nam qua một số ít đầu mối nên bị làm giá; nay nhà bán lẻ tự nhập, DN nhập khẩu nhiều, giao thương thuận lợi hơn nên hàng về nhiều và giá rẻ hơn. Thị trường cạnh tranh khốc liệt nên DN buộc phải giảm lợi nhuận để bán hàng” - ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Ông Võ Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Rau quả Bình Thuận (đơn vị chuyên nhập khẩu trái cây), cho rằng mức giá trái cây ngoại đang bán tại Việt Nam đang ở mức hợp lý, DN vẫn có lãi. Chẳng hạn, táo New Zealand đang vào mùa, giá bán tại New Zealand khoảng 25-26 USD thùng/18 kg (khoảng 600.000 đồng), về Việt Nam bán khoảng 40 USD/thùng (khoảng 900.000 đồng) vẫn có lời. Cũng theo ông Võ Huy Hoàng, hiện thuế nhập khẩu trái cây từ các thị trường về Việt Nam trung bình khoảng 5%, riêng từ New Zealand vừa giảm xuống còn 0% trong năm nay. Mức thuế này không tác động nhiều đến giá bán, chủ yếu là sức mua tăng, DN nhập khẩu nhiều nên “thuận mua vừa bán”.

Chiến lược “đổ bộ” thị trường Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 12 triệu USD trái cây, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm 2016. Các DN xuất nhập khẩu trái cây cho hay nhà xuất khẩu các nước đang đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam. Họ có đơn vị đại diện tại Việt Nam, làm thương hiệu, thị trường cho sản phẩm và tiếp thị trực tiếp đến các nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu với những chính sách bán hàng rất tốt; hàng hóa nhập về có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hồ sơ hải quan, chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm… nên rất thuận lợi trong khâu phân phối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương An - Mỹ Chi (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN