"Nội soi" sầu riêng kiếm trăm triệu đồng mỗi tháng

Chẳng có trường lớp nào đào tạo nghề gõ sầu riêng, các thợ gõ phải tự tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện sự nhạy bén của giác quan bằng cách cắt trái mang về rồi quan sát, gõ thử, đánh giá...

Nhiều doanh nghiệp từ chối tiết lộ thông tin về đội ngũ thợ gõ, cắt sầu riêng dù chúng tôi đã liên hệ không ít lần. Cuối cùng, chúng tôi cũng có dịp theo chân một số thợ cắt sầu riêng ở các huyện Krông Pắk, Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) để tìm hiểu về nghề "hot" này.

Hái sầu riêng

Thù lao "khủng" nhưng đền tiền không ít

Sau gần 10 năm lăn lộn với nghề cắt sầu riêng ở khắp các địa phương, anh Huỳnh Minh Kha (quê huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã trở thành một tay "cắt sầu" lão luyện. Anh Kha kể thời gian đầu làm nghề, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều lần anh cắt nhầm trái sầu riêng non hoặc chất lượng cơm không đạt, phải đền tiền cho chủ.

Anh Huỳnh Minh Kha có thâm niên gần 10 năm hành nghề cắt sầu riêng

Anh Huỳnh Minh Kha có thâm niên gần 10 năm hành nghề cắt sầu riêng

"Không có trường lớp đào tạo nên thợ cắt sầu riêng phải tự học hỏi, rút kinh nghiệm dần. Rất nhiều lần tôi đã phải cắt trái mang về rồi quan sát, gõ thử, đánh giá... mới tích lũy được kinh nghiệm như ngày hôm nay" - anh Kha tâm sự.

Anh Kha cho biết khi được chủ giao xuống vườn để "thăm khám", thợ cắt sầu riêng phải quan sát tổng thể để đánh giá sản lượng, chất lượng, sau đó mới quan sát đến từng trái sầu riêng. Theo kinh nghiệm của anh, nếu trái có màu da sẫm lại, chân gai lên các đường chỉ, khi gõ vào phát ra tiếng "bụp bụp" thì chứng tỏ đã già. Bên cạnh đó, trái sầu riêng khi đã già thì cắt xuống sẽ thấy phần tim cuống lên màu vàng, tròn đều.

Từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 năm sau, anh Kha thường đi cắt sầu riêng tại các tỉnh khu vực ĐBSCL. Đến tháng 4, anh thu hoạch sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai rồi ra Bình Thuận. Tháng 8 vừa qua, anh đầu quân làm công nhân cắt sầu riêng cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu HTN Fruits (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) với thù lao 1.500 đồng/kg. Đối với những vườn cây thấp, trung bình mỗi ngày anh có thể cắt được 6-7 tấn, tương đương thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ngày.

Cũng được một doanh nghiệp ở huyện Cư M’gar thuê cắt sầu riêng, anh Võ Xuân Định (quê ở một tỉnh ĐBSCL) hưởng lương 100 triệu đồng/tháng. Nhờ có nhiều kinh nghiệm, anh còn được nhờ dạy nghề cho một thanh niên địa phương.

Thợ cắt sầu riêng hiện có thu nhập rất cao

Thợ cắt sầu riêng hiện có thu nhập rất cao

Nói về bí quyết làm tốt công việc cắt sầu riêng, anh Định cho biết người thợ phải có mắt tinh để nhận biết trái sầu đạt tiêu chí và phân loại được sầu riêng; tai thính để phân biệt âm thanh phát ra khi gõ vào trái, từ đó nhận biết được độ già, chất lượng trái.

Ngoài đội ngũ thợ cắt sầu riêng ở các tỉnh miền Tây đến làm việc, tỉnh Đắk Lắk cũng có nhiều thợ cắt sầu riêng là người địa phương. Anh Đặng Huy (ngụ huyện Cư M’gar) có thâm niên hơn 10 năm làm công việc cắt sầu riêng cho doanh nghiệp. Hiện nay, anh được 3 doanh nghiệp thuê phụ trách đội ngũ cắt sầu riêng với nhiệm vụ chủ yếu là đánh giá sản lượng, chất lượng vườn sầu riêng và điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thợ cắt. "Những tháng cao điểm, tổng cộng thu nhập của tôi từ 3 doanh nghiệp là 180 triệu đồng/tháng. Ít ngày nữa, tôi xuống Tiền Giang cắt sầu riêng, sau đó sẽ đi các tỉnh khác. Mỗi năm, tôi đi cắt sầu riêng khoảng 10 tháng" - anh Huy cho biết.

Để tránh tình trạng cắt ẩu hoặc để "lọc" thợ có trình độ yếu, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra quy định cho phép sai số tỉ lệ 5%. Vượt quá số này, thợ cắt sầu riêng sẽ phải đền tiền.

Thợ cắt sầu riêng có kinh nghiệm được ví như "bác sĩ nội soi". Họ không những biết được trái sầu riêng già hay non mà còn phải biết chất lượng trái có bảo đảm hay không và căn được ngày chín sau khi cắt xuống. Thậm chí, thợ cắt sầu riêng còn biết được trong mỗi trái có những múi nào cơm ngon, múi nào cơm sượng, chỗ nào lép... mà không cần bổ trái ra.

Sầu riêng sau khi cắt về tiếp tục phải cần thợ kiểm tra, phân loại rồi sắp lên container xuất khẩu.

Sầu riêng sau khi cắt về tiếp tục phải cần thợ kiểm tra, phân loại rồi sắp lên container xuất khẩu.

Nghề cắt sầu riêng tuy được trả công cao nhưng cũng vô cùng khó nhọc và đối diện với nguy hiểm. Phải trèo lên những cây già, có thể cao đến hơn 10 m, không ít người bị ngã, thậm chí bị thương nặng. Bởi vậy, người làm nghề này còn cần sự khéo léo, nhanh nhạy và sức khỏe tốt để bám trụ với nghề. Họ phải đặt an toàn lên trên hết bởi mùa thu hoạch sầu riêng cũng chính là mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên.

Bà Nguyễn Thái Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu HTN Fruits, cho biết tay nghề của thợ cắt sầu riêng quyết định đến 50% sự sống còn của doanh nghiệp xuất khẩu. "Chúng tôi đang thuê 10 thợ cắt sầu riêng. Thợ mới có mức lương trung bình 40-80 triệu đồng/tháng. Đối với thợ có tay nghề cao, có thâm niên thì mức lương không dưới 100 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương mơ ước của nhiều người, đặc biệt là đối với nông dân" - bà Huyền cho biết.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tại huyện Cư M’gar nhận định "lái" sầu riêng (thợ cắt) là bộ phận không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng. Họ không chỉ góp phần quyết định sự thành công của doanh nghiệp mà còn góp phần giữ hình ảnh sản phẩm sầu riêng Việt Nam khi đưa ra thị trường thế giới.

"Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần giảm bớt khâu trung gian để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Nông dân có thể tự cắt, tự mang sầu riêng đến bán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nông dân trồng sầu riêng Việt Nam không thể làm điều này, còn các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không thể len lỏi vào từng vườn để tự cắt. Do đó, vẫn cần những người thợ cắt sầu riêng lành nghề" - đại diện doanh nghiệp này nêu quan điểm.

Theo giới kinh doanh sầu riêng, thực trạng đáng lo ngại hiện nay là không ít thợ mới vào nghề bắt tay với chủ vườn để cắt ẩu rồi, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hình ảnh sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới. "Hai hôm nay, có 30 xe sầu riêng chuyển đến nhưng công ty chỉ nhận 10 xe vì đa phần chất lượng cơm sầu riêng không đạt. Nguyên nhân một phần do mưa nhiều, một phần do tay nghề của thợ cắt quá yếu" - đại diện doanh nghiệp than phiền.

Trồng sầu riêng thu tiền tỉ

Ông Nguyễn Viết Sửu (ngụ huyện Krông Pắk) cho biết gia đình ông có 2 ha sầu riêng. Với khoảng 60 tấn sầu riêng thu được trong vụ này, mức giá trung bình 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 3,5 tỉ đồng.

Còn riêng vườn sầu riêng già rộng hơn 7 sào, gồm 87 cây, ông Sửu thu được khoảng hơn 2 tỉ đồng. Trong đó, có những cây sầu riêng đạt sản lượng 4 tạ quả, tương đương nguồn thu hơn 30 triệu đồng/cây.

Hái trái cây thu nhập khủng nhờ… kỹ thuật

Nghề hái kiwi có giá 60 USD/giờ nghe khó tin nhưng có thật. Đó là chia sẻ của bà Trish Townsend ở thị trấn Maketu - New Zealand, người đã làm nghề hái kiwi ở Vịnh Plenty trong 4 năm.

Ngành công nghiệp này cần đến 24.000 người để hái và đóng gói trong một vụ thu hoạch thông thường. Những người hái kiwi thường được trả lương cao hơn nhân viên đóng gói sau thu hoạch. Bà Townsend, 52 tuổi, là mẹ của 6 con cho biết bà là một trong những người hái trái cây lớn tuổi nhất ở đây. Bà kể bản thân có thể tự hái đầy giỏ trong vòng chưa đầy 20 phút và làm việc 8 giờ một ngày, 7 ngày một tuần nếu trời không mưa. Trong trường hợp thời tiết thất thường, chỉ cần nửa ngày nhưng bà có thể kiếm được hơn 200 USD.

Theo bà Townsend, nếu là người hái trái cây chưa từng có kinh nghiệm trước đó, họ có thể nhận mức lương theo giờ từ 24 USD đến 26 USD. Bà Townsend cho biết bà thường được đề nghị giúp huấn luyện cho người mới vì việc hái trái cây giỏi không phải ở tốc độ mà là ở kỹ thuật.

Nguyên nhân thu nhập của nghề hái trái cây cao là do thiếu hụt lao động trầm trọng. Theo The Sun, tương tự New Zealand, tình trạng thiếu nhân lực hái trái cây đã đẩy mức thu nhập của nghề này lên gần 5.000 USD/tháng ở Úc.

Nghị sĩ Úc Anne Webster cho rằng nghề hái cam quýt ở khu vực Sunraysia có thể kiếm được 400 USD/ngày, làm việc từ 10 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút và 2.000 USD mỗi tuần. Nhu cầu thị trường khiến mức lương cơ bản tăng vọt bất thường và các công ty cũng trả những khoản tiền thưởng khổng lồ để thu hút và giữ chân người lao động.

Cô Kirasie Tate, đến từ TP Sydney, tiết lộ rằng cô kiếm được tới 480 USD mỗi ngày nhờ hái trái cây. Cô gái 23 tuổi chuyển đến TP Orange để làm việc với cha cô, một người hái trái cây chuyên nghiệp toàn thời gian.

Theo Daily Mail, một du khách người Pháp cũng cho hay anh tiết kiệm được 15.000 USD trong 3 tháng nhờ hái anh đào ở Úc. Người này cho biết công việc hái trái cây tại một trang trại ở Tây Úc còn cao hơn công việc ở Pháp của anh với tấm bằng thạc sĩ.

Nguồn: [Link nguồn]

9X Hà Nội chi nửa tỷ đồng sưu tầm xe Honda Super Cub biển số tam hoa

Chi cả nửa tỷ đồng để sưu tầm những chiếc xe biển số tam hoa này nhưng có người trả gần 200 triệu đồng để mua 1 chiếc xe trong số đó mà anh Tú không bán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyên; Đồ họa: Chi Pha ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN