Nhiều cái mới trong quản lý sữa trẻ em

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ Công Thương sẽ tập trung vào quản lý giá bán lẻ đối với mặt hàng sữa vì đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đưa ra tại hội nghị hướng dẫn triển khai Thông tư 08/2017 về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới sáu tuổi diễn ra ngày 2-8. Thông tư 08 sẽ có hiệu lực từ ngày 10-8-2017.

Ông Nguyễn Lộc An chia sẻ so với các quy định trước đây, Thông tư 08 của Bộ có nhiều đổi mới. Theo đó thay vì áp giá trần, quản lý giá bán buôn, tới đây Bộ sẽ tập trung vào quản lý giá bán lẻ đối với mặt hàng sữa vì đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận.

Ngoài ra doanh nghiệp phải khai báo về hệ thống phân phối để cơ quan quản lý giám sát giá bán trên thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng.

Nhiều cái mới trong quản lý sữa trẻ em - 1

Hình minh họa

Cũng theo ông An, Thông tư 08 sẽ rất có lợi cho người tiêu dùng về cả hai mặt giá và chất lượng. “Thông tư mới sẽ quản lý có hệ thống các mặt hàng sữa từ giá bán lẻ đến chất lượng sản phẩm. Đây được xem là bước tiến để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn. Thông tư 08 hướng đến thị trường. Các doanh nghiệp vẫn được quyền quyết định giá và cơ quan nhà nước sẽ hậu kiểm” - ông An cho hay.

Ông Matthew Garland, đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho hay thông tư mới này đã đề ra một hướng quản lý mới, trong đó tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Từ đó đảm bảo được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường.

“Trong thời gian triển khai Thông tư 08 sắp tới, Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng của EuroCham cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý để thực hiện, qua đó hướng tới một thị trường cạnh tranh lành mạnh và môi trường pháp lý minh bạch, ổn định" - ông Matthew Garland nói.

Còn theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, việc cho phép thương nhân kê khai giá tại các cơ quan có thẩm quyền và được chủ động điều chỉnh giá trong biên độ dưới 5% là một điểm mới để giá sữa theo giá thị trường, song không để giá sữa tăng quá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Tôi cho rằng cạnh tranh minh bạch, doanh nghiệp cũng phải có lời nhưng phải đúng quy định pháp luật. Biên độ cho dưới 5% là điểm mới vì thị trường biến động. Hiện lượng sữa trong nước mới đáp ứng một phần nhỏ, khoảng 60%-70% sữa phải nhập khẩu… Phải cho doanh nghiệp tự điều chỉnh nhưng nếu tăng phải có giải trình. Tôi hy vọng góp phần bình ổn giá, không để báo chí và người tiêu dùng phản ứng không tích cực” - ông Trung nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết khi lập danh sách thương nhân phải đăng ký giá và kê khai giá. Với doanh nghiệp sản xuất thì còn dễ nhưng với doanh nghiệp nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng thì khó kiểm soát vì doanh nghiệp được nhập khẩu ở nhiều cửa khẩu khác nhau.

Ngoài ra, các địa phương vẫn lúng túng trong việc phân biệt giữa sản phẩm sữa và sản phẩm chức năng dành cho trẻ dưới sáu tuổi. Danh mục sản phẩm đến nay vẫn chưa được cập nhật chi tiết.

Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về danh mục sản phẩm sữa. Tới đây Bộ sẽ công bố danh mục gồm sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới sáu tuổi.

Trước băn khoăn về việc khi để doanh nghiệp tự đăng ký, kê khai giá, liệu có trường hợp gian lận, trục lợi, kê khai giá cao hơn thực tế, đại diện Bộ Công Thương cho biết để kê khai hay đăng ký giá, các yếu tố hình thành giá phải mang tính hợp lý. Ngoài Bộ Công Thương còn có các bộ, ngành khác như Y tế, Hải quan… cùng phối hợp kiểm soát.

Tới đây Bộ Công Thương sẽ công khai trên website của Bộ thông tin doanh nghiệp, mức giá… để cộng đồng cùng kiểm tra, giám sát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN