Hãng giảm giá sữa, cửa hàng vẫn “cố thủ”

Sự kiện: Kinh Doanh

Mới đây, nhiều công ty sữa công bố giảm giá bán, đặc biệt là mặt hàng dành cho trẻ dưới 6 tuổi, có nhãn hàng giảm tới 22%. Thế nhưng người tiêu dùng vẫn chịu thiệt khi vì khi sản phẩm sữa đến tay họ với hàng loạt lý do, giá vẫn “cố thủ”.

Cửa hàng, đại lý cố tình “neo” giá cao

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho biết, đến nay, đã có 9 doanh nghiệp kê khai giá sữa gửi tới Bộ Công thương. Theo kê khai của các doanh nghiệp này thì đa số mặt hàng được niêm yết giá mới giảm trong biên độ từ 3 đến 22%.

Đơn cử, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam giảm 4 - 22% giá bán buôn so với mức giá cũ. Sản phẩm Dutch Baby mau lớn có giá 2.077.200 đồng/thùng 12 hộp 900gr (tương đương 173.100 đồng/hộp), giảm 578.400 đồng/thùng so với giá cũ; sản phẩm “Dutch Baby tập đi” giá 2.169.600 đồng/thùng 12 hộp 900gr (tương đương 180.800 đồng/hộp), giảm 422.400 đồng/thùng; sản phẩm “Dutch Baby tò mò” 1.656.000 đồng/thùng 6 hộp 1.500gr (tương đương 276.000 đồng/hộp), giảm 60.900 đồng/thùng...

Nếu cộng thêm 15% theo cách tính của doanh nghiệp thì mức giá bán lẻ của hộp “Dutch Baby mau lớn” loại 900gr là 199.065 đồng/hộp, hộp “Dutch Baby tập đi” loại 900gr giá 207.920 đồng/hộp, hộp “Dutch Baby tò mò” loại 1.500gr giá 317.400 đồng/hộp...

Hãng giảm giá sữa, cửa hàng vẫn “cố thủ” - 1

Người tiêu dùng chịu thiệt khi giá sữa bán lẻ vẫn cao hơn giá công ty niêm yết.

Nhưng theo thực tế tìm hiểu của PV, giá sữa bán lẻ trên thị trường vẫn “đứng im” trong khi xu thế của thế giới và giá bán buôn đã có điều chỉnh giảm.

Giá sữa Dutch Baby niêm yết đã giảm như đã nói ở trên, thì giá bán lẻ trên thị trường của sản phẩm “Dutch Baby mau lớn” loại 900gr vẫn là 250.000 đồng/hộp, sản phẩm “Dutch Baby tập đi” 900gr là 233.000 đồng/hộp, sản phẩm “Dutch Baby tò mò” 1.500gr là 340.900 đồng/hộp... Tất cả đều cao hơn giá bán lẻ quy định từ 20.000 đến 50.000 đồng/hộp.

Lý giải về việc chậm giảm giá sữa, các đại lý phố Hàng Buồm, Lò Đúc, Ngô Thì Nhậm đều chung quan điểm: Vì thời gian áp dụng giá bán mới cách đây hàng tháng nên không thể nhớ hết giá cũ, trong khi sữa có hàng trăm loại?

Chị Thùy Dương, chủ cửa hàng kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa) lý giải việc giá sữa bán lẻ “đứng im”: “Dù có điều chỉnh giảm giá nhưng mức giảm thì cũng chẳng đáng kể bởi cấu thành giá sữa khi đến các cửa hàng bán lẻ không chỉ do giá niêm yết mà còn do các chi phí vận chuyển, quảng cáo, nhân công, cửa hàng...”.

Thế nên sản phẩm sữa của FrieslandCampina ở đây, giá bán buôn đăng ký giảm 22%, một số sản phẩm như Dutch Baby tập đi giảm còn 180.000 đồng/hộp nhưng giá bán lẻ phổ biến vẫn dao động từ 250.000 đến gần 350.000 đồng/hộp.

Người dùng lo lắng

Điều khiến các bà mẹ bỉm sữa phân vân lo lắng là trong khi các cửa hàng bán lẻ giữ nguyên giá thì các siêu thị lớn ở Hà Nội thực hiện giảm giá sữa rất đúng thời hạn.

Chị Hồ Thanh Hiền (33 tuổi) công tác tại Công ty An Sinh Ltd, có nhà ở làng Triều Khúc, quận Hà Đông, mới sinh con gái 3 tháng tuổi cho biết: “Sinh con thứ 2 được mấy hôm, tự dưng mất sữa, tôi phải cho con dùng sữa ngoài. Rất lo về chất lượng sản phẩm của các hãng sữa. Bởi một loại sữa trong siêu thị một giá, ngoài các cửa hàng bán lẻ một giá, không biết siêu thị bán sữa đúng chất lượng hay cửa hàng đúng?”.

Cuối cùng chị Hiền vẫn chọn mua sữa ở siêu thị bởi theo chị, thông thường, khi có niêm yết giá mới giảm hơn giá cũ các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn không chịu giảm giá ngay nhưng hễ giá bán buôn nhích một chút là họ tăng giá luôn. Vì vậy, tôi thường mua sữa tại các siêu thị lớn vì giá niêm yết rõ ràng, được điều chỉnh nghiêm túc theo đúng quy định”.

Đến thời điểm này, Bộ Công thương vẫn đang hoàn thiện thông tư quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi. Theo đó, sẽ tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra giá sữa trên cơ sở các doanh nghiệp phải kê khai, niêm yết giá trên toàn hệ thống phân phối của mình, bán lẻ cũng không được bán cao hơn giá niêm yết.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết bộ này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất quản lý hệ thống phân phối của mình và kiểm soát giá trong mạng lưới, đồng thời cơ quan chức năng sẽ kiểm tra nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát việc đăng ký và niêm yết giá, cũng như bảo đảm việc kiểm soát theo chuỗi để giá sữa không bị đẩy lên bất hợp lý.

Vấn đề quản lý giá sữa từ lâu đã được đặt ra với những vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm. Câu hỏi đặt ra từ lâu với các ngành chức năng là liệu cơ quan quản lý có kiểm soát được giá bán lẻ khi thị trường có hàng triệu tổng đại lý, đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ phân phối mặt hàng sữa? Và người tiêu dùng có được hưởng lợi từ quy định kê khai giá sữa khi mà thông tin thay đổi giá đến với người tiêu dùng dường như còn hạn chế?

Để giải quyết thực trạng giá bán buôn đăng ký giảm, nhưng giá bán lẻ vẫn "đứng im", rất cần sự vào cuộc sát sao hơn nữa của cơ quan quản lý. Đây là một cách hữu hiệu để góp phần bảo đảm các cửa hàng bán lẻ tuân thủ quy định, người tiêu dùng không bị thiệt thòi nhờ thị trường sữa công khai, minh bạch.

Quản giá sữa không khó

Sở Công thương Hà Nội cho biết “chìa khóa” để quản lý giá các sản phẩm sữa là doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng, giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng; thiết lập các tiêu chuẩn an toàn, rõ ràng, chặt chẽ và công tác thanh tra, kiểm tra cần sát sao hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN