Người trồng hoa "trúng đậm" lễ Tình nhân

Bà con các làng hoa ngoại thành Hà Nội đang háo hức đón “lộc xuân” vì lứa hoa bán dịp 14/2 và 8/3 dự báo sẽ đẹp và được giá. Trong số các loại hoa năm nay, hoa hồng và hoa ly đang nở đẹp.

Tết Nguyên đán vừa qua, người trồng hoa trên địa bàn Hà Nội bị mất mùa bởi thời tiết nóng, hoa bung nở sớm. Nhưng dịp này, bà con các làng hoa ngoại thành… đang háo hức đón “lộc xuân” vì lứa hoa bán dịp Lễ Tình nhân 14/2 và ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 dự báo sẽ đẹp và được giá.

Trong số các loại hoa năm nay, hoa hồng và hoa ly đang nở đẹp, hứa hẹn sẽ đủ cung cấp cho thị trường trong những ngày lễ sắp tới.

Được mùa hoa ly

Về các làng hoa những ngày này, trên các đồng hoa, chúng tôi bắt gặp những người nông dân đang miệt mài tỉa cành, tưới nước cho hoa, khẽ khàng nâng niu từng bông, từng nụ... Dù chăm sóc hoa vất vả, nhưng bà con rất vui bởi hồng, cúc, ly… phát triển tốt, nụ đẹp, bán dịp 14/2 và 8/3 chắc chắn được giá.

“Làm hoa “ngược đời” lắm anh ạ. Lúc mọi người cần ấm thì chúng tôi cần rét và ngược lại. Dịp Tết Nguyên đán, nắng ấm làm hoa nở bung ngoài ý muốn, giá giảm mạnh. Có mấy khi thời tiết lại chiều lòng người như thế này đâu” - anh Bùi Văn Lâm ở xã Song Phượng (Đan Phượng, Hà Nội), có tới 4 mẫu hoa ly, là một trong những tỷ phú phất lên từ nghề trồng hoa, chia sẻ.

Người trồng hoa "trúng đậm" lễ Tình nhân - 1

Chị Phan Thị Tưởng vui mừng vì hoa hồng liên tục tăng giá so với dịp cuối năm

Mặc dù không trồng nhiều hoa ly như anh Lâm, nhưng anh Chu Hữu Tiến, thôn 2, xã Tây Tựu (Từ Liêm) cũng được người dân trong vùng gọi bằng cái tên “Vua hoa ly”, bởi anh có kỹ thuật chăm hoa rất độc.

Vừa cầm dây khom những búp hoa ly, anh Tiến vui vẻ cho hay: “Trước tết thời tiết ấm, hoa nở nhanh nên rẻ lắm. Hoa hồng chỉ 1.000 – 1.200 đồng/bông, ly 15.000 - 20.000 đồng/cành, cúc 1.500 đồng/bông… Nhưng dịp Lễ Tình nhân và ngày 8.3 tới, tôi dự đoán giá hoa sẽ tăng gấp đôi, bởi hoa đẹp và lượng hoa ít hơn dịp trong tết”.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng hoa ly đẹp, anh Tiến cho biết: “Khi cây bắt đầu xuất hiện nụ, cần tiến hành bỏ lớp lưới đen ra, để cây hấp thụ được ánh sáng, cây sẽ cứng cáp, hoa to, màu đẹp. Khi trồng hoa ly ly vào vụ đông, những ngày âm u, giá rét cũng cần phải bỏ lưới đen ở trên ra, đồng thời quây nylon để giúp tăng nhiệt độ trong nhà trồng”.

Ôm bó hồng nhung vừa cắt tỉa trong vườn, chị Phan Thị Tưởng (thôn 2, xã Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội) tự tin cho rằng hai hôm nay giá hồng tăng thêm 800 đồng/bông, cứ đà này tới 14.2 hoa sẽ tăng lên 2.500 – 3.000 đồng/bông đẹp, hoa cúc không phải là hoa “tình yêu” nhưng cũng sẽ tăng thêm 600 – 1.000 đồng/bông vì trùng với rằm tháng Giêng.

“Một cành hoa ly đẹp thường có chiều dài 100cm, hoa nhiều và to. Những cành hoa như vậy thường bán rất chạy” - chị Tưởng chia sẻ.

Ấm no nhờ chuyển đổi cây trồng

Theo Đề án Phát triển sản xuất hoa của TP.Hà Nội giai đoạn 2012 – 2016, mỗi năm thành phố sẽ trồng mới khoảng 60 – 80ha hoa, các huyện được chọn để mở rộng diện tích hoa là Từ Liêm, Đan Phượng, Mê Linh, Thường Tín, Sóc Sơn… Nhờ đó, diện tích hoa đã tăng từ 2.100ha (năm 2011) lên 2.700ha như hiện nay.

Cách đây mấy năm, người dân các xã Tam Thuấn, Song Phượng, Hạ Mỗ (Đan Phượng) chỉ trồng lúa và các cây rau màu khác nên thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng từ khi mạnh dạn chuyển sang trồng hoa, đặc biệt là các loại hoa có giá trị kinh tế cao như hoa ly, đời sống người dân đã cải thiện rõ rệt. Hiện xã Tam Thuấn có tới 30ha trồng hoa, với 65 hộ dân tham gia, giá trị thu nhập đạt từ 100 – 300 triệu đồng/ha/năm, riêng trồng hoa ly thu nhập tới 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.

Theo các kỹ sư nông nghiệp, trồng hoa ly là một ngành trồng trọt tập trung trên diện tích không lớn lắm, sản lượng tính theo đơn vị cành. Mỗi ha ly, có thể cho từ 20 - 25 vạn cành, 1 năm trồng từ 2 - 3 vụ, thì có thể cho 60 -75 vạn cành. Chính vì vậy, người trồng hoa ly phải tính đến nhu cầu tiêu thụ của thị trường vào các dịp trong năm để xây dựng kế hoạch sản xuất.

Nhiều năm nay, người dân xã Đại Thịnh (Mê Linh) không còn khái niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nữa, bởi hầu hết bà con đã bỏ trồng lúa, rau màu sang trồng hoa.

Người dân cho biết, trồng hoa vất vả như nuôi con mọn, hết lứa này đến lứa khác, hơn nữa hoa lại đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, không chỉ tưới nước, bón phân mà còn che sương, che nắng… nên chẳng còn đâu thời gian để ăn chơi nữa. Tết xong là chuẩn bị hoa cho ngày Lễ Tình nhân 14/2 và ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nên ai nấy đều bận rộn ra đồng.

Từ lúc chỉ có 2 – 3ha hoa, đến nay Đại Thịnh đã có tới 100ha hoa các loại, trong đó có gần 20ha hoa ly. Anh Nguyễn Văn Thành đang chăm sóc hoa chia sẻ: “Trồng hoa thì vẫn là làm nông nghiệp, ít nhiều vẫn phụ thuộc vào thời tiết, tuy nhiên người trồng hoa có thể hạn chế thiệt hại bằng cách làm nhà giàn, che lưới, sưởi ấm bằng bóng đèn… Giá trị của cây hoa rất cao nên ai cũng ham”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, hiện cây hoa tập trung ở 5 xã của huyện như Song Phượng, Hạ Mỗ, Đại Thịnh… với diện tích hàng trăm ha, riêng hoa ly đã hơn 100ha, mang lại cho người dân hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Tùng Sơn (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN