Nấm linh chi “made in Vietnam” sạch - bổ - rẻ

So sánh về dược tính, nấm linh chi nuôi trồng tại Việt Nam có chất lượng không thua kém linh chi nhập khẩu, giá thành sản xuất lại ổn định. 

Linh chi là một trong bốn loại nấm được trồng phổ biến tại Việt Nam trong thời gian qua. Trong đó, khu vực Củ Chi, TP.HCM là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp nuôi trồng loại dược liệu cao cấp này.

Nấm linh chi “made in Vietnam” sạch - bổ - rẻ - 1

Rất ít người biết

Bà Lê Hà Mộng Ngọc, giám đốc công ty cổ phần sinh học Nấm Việt cho biết, thị trường hiện nay của nấm linh chi Việt Nam còn rất mới. Chỉ cần chuyển tải được thông điệp: người Việt Nam đã trồng được nấm linh chi sạch, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm trong nước. Nói thì nghe rất dễ, nhưng hiện thời doanh nghiệp vẫn chưa đủ năng lực, và nguồn vốn để quảng bá, cũng như làm thương hiệu cho linh chi Việt Nam.

Trại nấm công ty này ở ấp Phú Bình, xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi là một trong số rất nhiều địa chỉ ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất, nuôi trồng và cung cấp nấm linh chi cho thị trường với sản lượng lên đến 60 tấn nấm mỗi năm. Được sản xuất theo đúng kỹ thuật nên linh chi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Lê Nguyên Kháng, quản lý trang trại Nấm Việt, cho biết: hiện mô hình ứng dụng trồng nấm linh chi sạch đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao đang được doanh nghiệp Nấm Việt chuyển giao thành công cho hơn 100 mô hình nuôi trồng nấm trong cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn nhất định về việc mở rộng đầu ra cho bà con nông dân, bà Ngọc nói.

Thị trường của các doanh nghiệp trồng nấm linh chi tại Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chỉ tiêu thụ nội địa và chưa đủ năng lực xuất khẩu. Như thương hiệu Linh chi Nông lâm chỉ có tiêu thụ tại các showroom, cửa hàng của họ. Về phía doanh nghiệp Nấm Việt, nguồn phân phối cơ bản đó là ở hệ thống các siêu thị ở TP.HCM như: Co.opmart, Big C, Maximark… và một số điểm bán thuốc tây. Ngoài ra, những loại nấm linh chi thuộc nhóm loại 2, loại 3 thì doanh nghiệp cung cấp cho các đơn vị làm dược liệu, thực phẩm chức năng.

Giá thành thấp nhưng vẫn thua

Hiện nay, có những công ty công nghệ sinh học chuyên sản xuất nấm ở một số nước, cụ thể đó là ở Hàn Quốc, Nhật Bản đang nhập nguyên liệu mùn cưa từ đất đỏ bazan của Việt Nam. Đây là một nguyên liệu được cho là rất tốt để trồng nấm linh chi. Với chi phí nguồn nguyên liệu rất cao, sau đó, họ lại nuôi trồng và bán sản phẩm ngược về Việt Nam thì tất yếu giá thành sẽ phải tăng lên rất nhiều, chia sẻ từ ThS Lê Minh Thảo, phụ trách dự án Linh chi Nông lâm, ĐH Nông lâm TP.HCM.

Thực tế cho thấy, so sánh về dược tính, nấm linh chi nuôi trồng tại Việt Nam có chất lượng không thua kém linh chi nhập khẩu, giá thành sản xuất lại ổn định. Tuy nhiên, giá trị gia tăng do nguồn dược liệu này tạo ra còn hạn chế, vì dòng sản phẩm trong nước quá đơn thuần, chỉ là những sản phẩm thô như: linh chi nguyên tai, linh chi cắt lát, trà túi lọc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lại thiếu nhiều khâu quảng bá, tiếp thị. Trong khi đó, việc đưa linh chi vào ứng dụng trong mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay dược phẩm đã được các quốc gia khác đầu tư từ lâu. Ngay chính Việt Nam cũng là một trong những quốc gia ưa chuộng các mặt hàng nhập khẩu này.

Để giải quyết cặn kẽ những vấn đề nêu trên, cần có những nhà chuyên môn vào cuộc tiến hành phân tích về các chỉ số, hàm lượng dưỡng chất của nấm linh chi Việt Nam so với linh chi của nước ngoài một cách công khai, để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp. Bên cạnh việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng, cần có nhiều hỗ trợ về cơ chế tài chính và đầu tư cơ sở vật chất từ phía Nhà nước vào những điều kiện cụ thể để phát triển. Được như vậy, thì chính người nông dân, doanh nghiệp chuyên canh nông sản sẽ được hưởng lợi tức nhiều hơn từ chính những sản phẩm của mình.     

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Chi (Thế giới Tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN