Mỗi bình gốm nghệ thuật “lên đồ” tốn bao nhiêu công sức?
Trong mỗi gia đình, chắc hẳn nhà nào cũng có từ một tới cả chục loại bình để cắm hoa. Mỗi bình hoa có một hình dáng, hoa văn chạm trổ khác nhau. Tuy nhiên, để làm ra những bình hoa độc đáo, cần bao nhiêu công và ai là người làm ra bình hoa đó thì có lẽ ít người biết tới.
Nhân ngày đầu xuân Quý Mão, nghệ nhân gốm sứ Lê Thị Ánh Tuyết (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) sẽ chia sẻ thêm về công việc lắm công phu này.
Nghệ nhân gốm sứ Lê Thị Ánh Tuyết (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội)
Chào chị, một bình hoa đẹp có lẽ nhà nào cũng có, nhưng những công đoạn để làm ra bình hoa đẹp, đặc biệt là người làm ra bình hoa đó là ai thì có lẽ ít người biết tới. Chị có thể giới thiệu cho bạn đọc về công việc này được không?
Phía sau một chiếc bình gốm quả là một câu chuyện thú vị. Gốm rất đa dạng chủng loại, như gốm tâm linh, gốm phong thuỷ, gốm gia dụng, gốm decor hay gốm nghệ thuật...
Mỗi sản phẩm gốm nghệ thuật chứa đựng một cảm xúc rất riêng của người làm ra nó
Chiếc bình mộc trước khi được tô điểm
Với những sản phẩm gốm nghệ thuật, người thợ thủ công khi bắt tay vào làm là đã phải chuẩn bị cho mình một hành trang đong đầy cảm xúc, ý tưởng để khi làm mình phiêu và thổi hồn vào đất.
Để một bình gốm hoàn thiện ra lò, thông thường cần bao nhiều công đoạn, thưa chị?
Hành trình từ đất đến một chiếc bình gốm là một chặng đường khá dài. Đất thô được tinh lọc tạo thành dung dịch được gọi là "hồ". "Hồ" sau đó được đổ vào khuôn để tạo hình, sau một thời gian vừa đủ người thợ sẽ dốc phần "hồ" thừa ra ngoài đồng thời lấy sản phẩm bình mộc ra ngoài khuôn.
Theo nghệ nhân Lê Tuyết, hành trình từ đất đến một chiếc bình gốm là một chặng đường khá dài
Công đoạn tiếp theo sẽ dành cho bác thợ tiện. Họ dùng những dụng cụ chuyên biệt để tinh chỉnh lại vóc dáng cho chiếc bình thô mộc được sạch và mượt hơn. Với những sản phẩm vẽ thì chiếc bình sau khi được tiện sẽ mang đi sấy khô và có thể vẽ lên được. Còn với những chiếc bình đắp nặn thủ công, thì đây chính là công đoạn tạo hình khi bình mộc vẫn còn độ ẩm cao.
Bình gốm nghệ thuật với lớp men trong veo sau khi được ra lò
Sau khi đắp, bình được sấy khô, tiếp sau đó sẽ khoác chiếc áo màu sắc bởi người thợ vẽ. Công đoạn cuối cùng, chiếc bình gốm sẽ được khoác lớp men áo bên ngoài và đưa vào lò nung ở quãng nhiệt 1.200 độ. Ở mức nhiệt này đất được nung thành sứ, lớp men chảy ra tạo thành chiếc áo trong veo giúp phô diễn hết cái đẹp từ nét vẽ hay hình đắp nổi trước đó.
Một chiếc bình gốm nở hoa
Trải qua cả một hành trình như vậy, nên mọi công đoạn đều phải khớp với nhau như những mắt xích, khéo léo cẩn thận và chỉn chu mới có thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo.
Để có một bình gốm hoàn hảo, người nghệ nhân cần vài ngày, thậm chí một vài tháng
Mỗi bình gốm, sau khi được nghệ nhân tô điểm họa tiết nó trở nên có hồn rất riêng, cũng giống như con người sau khi “lên đồ”. Chị có thể cho biết, để hoàn tất khâu làm đẹp, mỗi bình gốm trung bình cần bao nhiêu thời gian?
Với những chiếc bình gốm thông thường chỉ khoảng 5 ngày sẽ cho ra được sản phẩm. Còn với những chiếc bình nghệ thuật đòi hỏi tính thủ công càng cao thì thời gian thực hiện càng dài có thể lên 10 ngày hay thậm chí một vài tháng.
Được biết, bản thân chị là một nghệ nhân trẻ của làng gốm Bát Tràng và cũng là người con trong gia đình truyền thống với nghề gốm. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này và làng nghề truyền thống?
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm từ nhiều đời. Nhưng đến với nghề gốm, với tôi lại là một nhân duyên mà tôi trước kia chưa từng nghĩ tới.
Những bình gốm nghệ thuật với hình dáng và nét vẽ tinh tế
Sở dĩ vậy, bởi công việc làm gốm xưa kia rất vất vả nên bố mẹ không muốn con gái nối nghiệp. Bản thân tôi lại đam mê hội hoạ - thời trang nên tôi học và gắn bó với nghề này được 17 năm.
Và phía sau là người thợ thật khéo léo, chỉn chu và sáng tạo
Đến một ngày, chắc do vũ trụ sắp xếp rồi, tôi đau đáu muốn quay về làm nghề, tiếp quản và kế thừa truyền thống của gia đình. Xuống xưởng học từ những bài học vỡ lòng về nghề gốm. Vừa học hỏi vừa làm bằng tất cả tình yêu và kí ức về gốm trong tuổi thơ của mình.
Hoa như đẹp hơn khi được cắm trong những bình nghệ thuật
Tôi cũng rất may mắn vì được bố mẹ hỗ trợ rất nhiều. Trong gia đình, các cô bác cũng đều là nghệ nhân của làng gốm, nên tôi được lĩnh hội tất cả những kiến thức từ mọi người.
Tác phẩm gốm nghệ thuật được sáng tạo bởi đôi bàn tay của người đam mê hội hoạ - thời trang
Mặc dù được trao bằng nghệ nhân trẻ của làng gốm, nhưng tôi tự nhận thấy mình mới chỉ là lính mới vào nghề mà thôi. Để có thể cho ra lò những bình gốm độc lạ và đầy chất nghệ thuật, có lẽ tôi sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để xứng đáng với danh hiệu đó.
Xin trân trọng cảm ơn chị. Nhân dịp năm mới, chúc chị tiếp tục có những tác phẩm gốm nghệ thuật đặc sắc trong thời gian tới!
Mỗi quả dưa hấu này được rao bán từ 200 – 300 nghìn đồng/quả nhưng vẫn được rất nhiều khách hàng yêu thích, lựa chọn đặt mua về trưng Tết.
Nguồn: [Link nguồn]