Mất tiền triệu để mua bánh kẹo trôi nổi

Sự kiện: Kinh Doanh

Những loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, không cơ quan thẩm định, kiểm tra về chất lượng nhưng được quảng cáo là các “sản phẩm nội địa Trung Quốc” giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng vẫn hút “khách”. Các sản phẩm này chủ yếu được bày bán trên mạng, đang tạo ra cơn sốt mới cho giới ăn vặt Hà thành.

“Đánh liều” mua bánh kẹo “Trung Quốc nội địa”

Có khách đến nhà chơi, chị Lương Thu Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mang theo hộp bánh kẹo ra mời khách. Chị Hà hí hửng khoe: “Đây là bánh kẹo Tàu, nhưng Tàu nội địa, không phải hàng trôi nổi nên cứ yên tâm dùng. Đây là bánh gato sầu riêng, miếng bánh mềm, béo ngậy, thơm mùi sầu riêng. Loại bánh này có rất nhiều vị, nào xoài, nào phô mai, socola, trà xanh,...mà vị nào cũng ngon hết cả”.

Chị Hà kể, ở cơ quan có cô bạn rất hay ăn vặt. Cô bạn này đặt bánh kẹo của đủ các nước từ Mỹ, Anh, Nga, Hàn... về ăn. Dạo gần đây thấy cô ấy chuyển sang đặt bánh kẹo Trung Quốc, cô ấy cho ăn thử vài lần khiến chị cũng thích mê.

“Lúc đầu nghe hàng Trung Quốc, mình cũng thấy lo lo, nhưng được bạn bán hàng giới thiệu đây là bánh kẹo Trung Quốc nội địa, được sản xuất cho người dân bản địa ăn, mà chất lượng hàng bên đấy còn khắt khe hơn Việt Nam rất nhiều. Nghe vậy tôi cũng yên tâm nên tuần nào cũng phải đặt vài ba loại bánh kẹo Trung Quốc về ăn. Mà phải thú thật một điều là, hàng Trung Quốc từ bánh kẹo, hoa quả...loại nào cũng ngon hết cả” chị Hà hào hứng khoe.

Mất tiền triệu để mua bánh kẹo trôi nổi - 1

Các sản phẩm được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc được rao bán trên mạng xã hội.

Tương tự như chị Hà, chị Nguyễn Ngọc Mai (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng đã trở thành khách hàng quen của một shop onine chuyên bán đồ bánh kẹo Trung Quốc. Tuần nào chị cũng chi cả triệu bạc để mua đủ loại bánh kẹo, đồ ăn nhanh của Trung Quốc cho cả nhà ăn. “Mấy đứa trẻ nhà mình rất thích ăn các loại bim bim, xúc xích, còn mình thị bị nghiện món bánh bông lan, bánh mochi rồi cả món đùi gà cay” chị Nga cho biết.

Chị Mai kể, chị biết đến các loại bánh kẹo Trung Quốc là nhờ một người bạn đi công tác Trung Quốc về biếu vợ chồng chị một gói bánh, một gói kẹo. Ăn thấy hay hay, lạ miệng, chị Mai liền lên trang web taobao (một trong những trang bán hàng online lớn nhất của Trung Quốc) tìm mua các sản phẩm bánh kẹo Trung Quốc về ăn thử.

Tuy nhiên, theo chị Mai việc đặt hàng trên taobao cũng gặp đôi chút bất lợi vì trên trang web này tất cả đều là tiếng Trung Quốc, chị chỉ dựa vào cảm quan để lựa chọn sản phẩm nên đôi khi cũng mua phải những sản phẩm không được ưng ý. Hơn nữa, đặt hàng trên taobao thời gian chờ đợi lâu.Tìm kiếm trên mạng chị thấy có một vài shop ở Việt Nam, chuyên bán các loại đồ ăn vặt Trung Quốc, mua thử về ăn chị thấy chất lượng sản phẩm cũng ngang nhau, mẫu mã cũng đa dạng. Kể từ đó đến nay, chị chuyển hẳn sang đặt tại các shop Việt Nam vì sự nhanh gọn.

Cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm

Dạo một vòng quanh các “chợ mạng” chuyên bán đồ ăn vặt, không khó để bắt gặp các cửa hàng bán các loại đồ ăn Trung Quốc. Đa phần người bán đều nói thẳng, đây 100% là hàng Trung Quốc được “xách tay” về Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả người bán đều không quên quảng cáo “đây là sản phẩm nội địa Trung Quốc, chất lượng đảm bảo”...để lấy niềm tin của người tiêu dùng. Vậy là, có hàng trăm, hàng nghìn comment (bình luận) đặt hàng mỗi ngày trên các shop đồ ăn vặt Trung Quốc.

Theo đó, các mặt hàng được các shop nhập về bán chủ yếu là: bánh bông lan các vị, các loại socola, bánh mì, chân gà, bim bim, sữa chua, hạt hướng dương, các loại mứt tết... Các sản phẩm này có giá dao động từ 3.000 – 10.000 đồng/chiếc hoặc từ 50.000 – 150.000 đồng/kg.

Chị Huyền - chủ một shop bán đồ ăn vặt Trung Quốc ở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Mỗi ngày tôi bán cả nghìn sản phẩm đủ loại từ bánh, kẹo đến các loại đồ ăn nhanh như chân gà, xúc xích, trứng muối. Tất cả các mặt hàng này tôi đều nói thẳng với người mua là hàng Trung Quốc nhưng hàng của tôi là hàng Trung Quốc nội địa. Nghĩa là sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, bán cho người Trung Quốc, được các cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm định rõ ràng chứ không phải hàng trôi nổi. Các cửa hàng, siêu thị bên Trung Quốc người ta cũng bán những sản phẩm này”.

Chị Huyền cũng thừa nhận, trước kia những sản phẩm gắn mác Trung Quốc thường khiến người tiêu dùng e dè nên người bán thường phải gắn mác hàng Việt hay nói giảm, nói tránh để người mua yên tâm. Nhưng thời gian gần đây, khách hàng tìm mua các loại bánh kẹo Trung Quốc rất nhiều, mà chủ yếu là các chị em công sở. Các sản phẩm của Trung Quốc thường có mẫu mã đa dạng, chất lượng khá ngon mà giá thành lại rẻ, phù hợp với túi tiền, với khẩu vị của người Việt Nam nên được nhiều chị em tìm mua.

“Sắp đến Tết Dương lịch rồi Tết Âm lịch nên lượng khách hàng tìm đến mua lại ngày một đông. Tết đến khách hàng hay mua các sản phẩm như các loại mứt tết, các loại ô mai, bánh kẹo. Năm nay với lượng khách hàng đông thế này tôi sẽ nhập với số lượng lớn hơn về bán” chị Huyền phấn khởi chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh –Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Việc mua online là một xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, việc đặt hàng online cũng gặp rất nhiều rủi ro vì không có sự bảo đảm giữa người mua và người bán, người mua cũng không được kiểm tra, xem xét mặt hàng mà mình mua, cũng không thể nắm rõ được xuất xứ của sản phẩm, đối với mặt hàng thực phẩm, việc làm này là vô cùng quan trọng”.

Ông Thịnh cũng cho biết, theo quy định của nhà nước, mọi hàng hóa đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thể hiện trên bao bì, nhãn mác. Nếu nhãn mác in bằng tiếng nước ngoài thì các tổ chức, cá nhân nhập hàng về phải dán nhãn phụ bằng tiếng việt ghi những thông tin cần thiết để người tiêu dùng hiểu được về sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế các sản phẩm bày bán trên các shop online đều chưa thực hiện đúng những quy định của pháp luật, có những cửa hàng vì ham rẻ mà bán những sản phẩm kém chất lượng cho người tiêu dùng. Với mặt hàng thực phẩm, việc làm này là rất nguy hại.

“Người đi buôn, cần phải chọn hàng tốt để bán cho dân mình, không nên ham rẻ mà nhập những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Cơ quan kiểm tra cửa khẩu cũng cần nghiêm túc trong khâu kiểm tra để đảm bảo rằng hàng về Việt Nam dù là tiểu ngạch hay chính ngạch đều đảm bảo an toàn cho người Việt Nam sử dụng. Còn người tiêu dùng khi đi mua hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những cửa hàng uy tín, những thương hiệu uy tín, những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên tin vào những lời quảng cáo có cánh để rồi tiền mất tật mang” ông Thịnh đưa ra lời khuyên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Oanh (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN