'Làm giá' trứng, phải xử lý nghiêm

Việc “làm giá” trứng của Công ty CP là vi phạm pháp luật, cần được xử lý để răn đe, tạo sự ổn định cho thị trường cũng như tổn thất của người tiêu dùng.

Sau khi cơ quan chức năng TPHCM và Đồng Nai trực tiếp làm việc với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Công ty CP), doanh nghiệp (DN) này lập tức gửi thông báo đến một số hệ thống phân phối tại TPHCM cho biết giảm giá xuống bằng giá trứng bình ổn thị trường: từ 29.500 đồng/vỉ 10 quả xuống còn 21.600 đồng/vỉ 10 quả; thời gian áp dụng từ ngày 15 đến 21-1. 

Làm xáo trộn thị trường, gây thiệt hại cho DN

Đi kèm với cơn sốt tăng giá trứng lên đến gần 50%, sức tiêu thụ mặt hàng này trong những ngày cao điểm cũng tăng cao (từ ngày 10 đến 13-1). Lợi dụng chênh lệch giá 500 - 600 đồng/quả trên thị trường và các điểm bán bình ổn, nhất là các siêu thị, giới kinh doanh tấp nập thu gom trứng bình ổn để hưởng chênh lệch giá và dự trữ. Sức tiêu thụ trứng tại nhiều nơi tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

'Làm giá' trứng, phải xử lý nghiêm - 1

Khi thấy Công ty CP tăng giá bán, các trại chăn nuôi, hộ nông dân cũng tăng theo. “Trước đây, công ty mua trứng với giá khoảng 1.700 đồng/quả, xử lý, đóng gói bán ra 2.100 đồng/quả và đến tay người tiêu dùng 2.350 đồng/quả.

Trong những ngày sốt giá trứng, ngoài phần đặt hàng ổn định theo sức tiêu thụ hằng tháng được tính giá cũ, phần mua thêm để cung ứng cho thị trường, thực hiện nhiệm vụ bình ổn bắt buộc phải thanh toán giá 2.400 - 2.500 đồng/quả. Mặc dù chưa thống kê hết nhưng chắc chắn tổn thất do phải mua trứng giá đắt, bán giá bình ổn là không nhỏ” - một DN tham gia bình ổn giá trứng cho biết.

Không dừng lại ở đó, tácđộng của việc “làm giá” trứng còn lan sang các ngành nghề khác. Để chia sẻ khó khăn với các DN cung ứng trứng, TPHCM kêu gọi các nhà phân phối như Saigon Co.op, Satra, Vinatexmart, Vissan… giảm chiết khấu, thậm chí không nhận chiết khấu. Các DN sản xuất bánh, mì… sử dụng trứng làm nguyên liệu cũng phải “gánh” giá trứng tăng thêm vài trăm đồng/quả mà không thể cộng vào để tăng giá bán.

'Làm giá' trứng, phải xử lý nghiêm - 2

Trứng gia cầm được bày bán ở siêu thị
Ảnh: TẤN THẠNH

Vi phạm pháp luật về giá

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết đã có đủ cơ sở để nhận định việc tăng giá trứng gia cầm vừa qua là bất hợp lý. Cùng thời điểm này, miền Bắc có nhiều đợt rét kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ trứng có tăng nhẹ. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước vẫn ổn định, chi phí đầu vào không tăng. Vì vậy, Bộ Công Thương xét thấy chưa cần thiết phải cho phép nhập khẩu khẩn cấp trong hạn ngạch đối với mặt hàng trứng gia cầm. Sau cuộc kiểm tra nói trên, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có báo cáo và đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý và không loại trừ khả năng thanh tra giá để xác định có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM), Luật Cạnh tranh quy định cấm các DN thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa. Với quy mô chiếm 30% thị phần tiêu thụ, Công ty CP được xác định là DN thống lĩnh thị trường. Việc tăng giá đột ngột và tăng nhiều trong thời gian ngắn là vi phạm pháp luật về giá.

Trường hợp sau khi các cơ quan quản lý Nhà nước và bảo vệ pháp luật đã vào cuộc mà Công ty CP vẫn không điều chỉnh giá phù hợp thì sẽ bị xử phạt đến 20 triệu đồng theo quy định tại Thông tư số 78/2012/TT-BTC và Nghị định 84/2011 của Chính phủ. Ngoài ra, Thông tư 78 cũng xử lý bằng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoặc giấy đủ điều kiện kinh doanh trong 12 tháng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, nộp số tiền thu lợi bất chính bằng chênh lệch giữa giá đăng ký và giá thực bán trong các trường hợp tái phạm từ 3 đến 4 lần.

Theo Nghị định 84, cơ quan chức năng có thẩm quyền và trách nhiệm xử phạt trong trường hợp này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có quyền xử phạt ở mức cao nhất trong các vi phạm về giá.

“Trứng gia cầm thuộc nhóm trong 9 mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu được đưa vào diện bình ổn giá, tức là giá bán phải đăng ký với cơ quan chức năng. Do đó, vi phạm của Công ty CP cần được xử lý ngay để răn đe chung cho xã hội, tạo sự ổn định trong sinh hoạt của người dân” - luật sư Công nói.

Kiểm soát việc “té nước theo mưa”

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết từ đầu tháng 1 đến nay, giá trứng gia cầm và thực phẩm có nhích lên. Thực chất đây là giai đoạn phục hồi giá do trước đó (tháng 7, 8), ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi thiểu phát kinh tế. Nhưng việc tăng giá trứng bất thường vừa qua là hiện tượng “té nước theo mưa”. Trách nhiệm trước hết thuộc về sự quản lý của UBND tỉnh, TP và các sở Công Thương, Tài chính.

Hiện các sở Tài chính đang thực hiện tổng hợp tình hình, phối hợp với các địa phương đánh giá nguồn lực, rà soát cung cầu thị trường để nếu cần thì sẵn sàng cung ứng nguồn dự trữ tài chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Nhân - Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN