Lại kêu gọi "giải cứu thanh long"

Sự kiện: Kinh Doanh

Thay vì kêu gọi giải cứu thanh long, các ý kiến cho rằng cần có biện pháp căn cơ hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng "được mùa mất giá"

Hơn 1 tuần nay, thanh long Bình Thuận rớt giá mạnh. Hiện giá thanh long ruột trắng chỉ có 500-1.000 đồng/kg trong khi 2 tuần trước vẫn còn mấp mé 25.000 đồng/kg. Vậy mà cũng không mấy người mua. Loại đẹp nhất hiện cũng chỉ bán được khoảng 3.000 đồng/kg. Còn hàng dạt gần như phải đổ bỏ.

Siêu thị tham gia "giải cứu"

Tại các vùng trồng thanh long lớn nhất Bình Thuận là 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, đi đâu cũng thấy cảnh tượng nông dân mang thanh long đi đổ bỏ. Thanh long đổ bỏ chất đống trên các lề đường, trong các bãi rác bốc mùi nồng nặc. Tình trạng này cũng diễn ra ở một số địa phương chuyên canh cây thanh long như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang…

Tỉnh Bình Thuận hiện là địa phương cung cấp thanh long cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lớn nhất cả nước với diện tích hơn 27.000 ha, sản lượng hơn 600.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 80% được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay các vùng trồng thanh long ở Trung Quốc cũng đang vào mùa thu hoạch rộ. Ngoài ra, nông dân Campuchia cũng trúng mùa thanh long khiến thanh long xuất khẩu của Việt Nam bị dội chợ. Hầu hết chủ vựa đã tạm ngừng thu mua vì hàng hóa tại cửa khẩu gần như đóng băng. Trong khi đó, ngành nông nghiệp các địa phương cũng như cơ quan liên quan đến nay vẫn chưa có động thái nào hỗ trợ người nông dân vượt qua khó khăn trước mắt.

Trái lại, câu chuyện "giải cứu thanh long" lại rộ lên ở nhiều địa phương cũng như trên các diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều người chung tay mua thanh long hỗ trợ nông dân. Không ít doanh nghiệp (DN) đứng ra thuê ôtô về tận nơi thu gom hàng tấn thanh long với giá cao gấp đôi, gấp 3 giá bán cho thương lái rồi chở đi khắp nơi để tiêu thụ.

Một số hệ thống siêu thị lớn cũng đang tính toán kế hoạch hỗ trợ bà con trồng thanh long tiêu thụ sản phẩm với giá tốt hơn giá thị trường. Ngày 8-10, ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng Phòng Truyền thông và Thương hiệu Lotte Mart Việt Nam, cho biết nhà bán lẻ này đang gấp rút thực hiện chiến dịch hỗ trợ thu mua và tiêu thụ thanh long Bình Thuận với mức giá tốt. Theo kế hoạch, từ 9 đến 14-10, Lotte Mart ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng sẽ hỗ trợ tiêu thụ khoảng 5-7 tấn thanh long.

"Lotte Mart mua thanh long tại vườn cho nông dân với mức giá 5.000-7.000 đồng/kg (loại 450 g/trái trở lên, trái sạch không bị nám da) và bán ra với mức giá không lợi nhuận 5.900 đồng/kg tại Lotte Mart Nha Trang và Phan Thiết; 8.500 đồng/kg tại các trung tâm còn lại" - ông Bình cho hay.

Bên cạnh đó, Lotte Mart cũng sẽ tăng cường quảng bá, kêu gọi toàn bộ nhân viên, khách hàng và đối tác cùng ủng hộ các sản phẩm thanh long được thu mua trong mùa vụ này nhằm đẩy nhanh sản lượng tiêu thụ, giúp đỡ bà con nông dân trong thời gian nhanh nhất có thể.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết Saigon Co.op cũng đang có kế hoạch "giải cứu" thanh long ở miền Tây và Bình Thuận.

Lại kêu gọi "giải cứu thanh long" - 1

Thanh long Bình Thuận và nhiều địa phương khác đang trong tình trạng cung vượt cầu, giá rớt thảm hại. Ảnh: VIỆT KHANH

Phải có giải pháp căn cơ

Tuy nhiên, việc các DN, cá nhân tham gia giải cứu thanh long chỉ là biện pháp tình thế trước mắt, ông Huy cho rằng cần có giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng nông sản các nơi thay phiên nhau "được mùa rớt giá", bảo đảm nguồn thu ổn định cho nông dân cũng như giá trị hợp lý cho sản phẩm nông sản. "Phải có sự định hướng và tham gia của DN phân phối, xuất khẩu và nhà sản xuất. Thứ nhất là quy hoạch vùng phải rõ ràng, có sự định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và quyết tâm thực hiện của Sở NN-PTNT các địa phương. Thứ hai là phải đầu tư vô chuỗi giá trị để có thể xuất khẩu và chế biến được, đặc biệt đối với những loại nông sản có sản lượng lớn như thanh long, vải, nhãn. Thứ ba là phát triển xuất khẩu cho những mặt hàng này, tránh phụ thuộc thị trường Trung Quốc như lâu nay" - ông Huy phân tích.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), cho rằng muốn lưu thông hàng hóa tốt thì phải đa dạng khách hàng. "Có nhiều khách hàng vừa tránh được rủi ro phụ thuộc vào khách hàng lớn vừa giải quyết được lượng và giá trị hàng hóa. Việc phân loại nông sản từ nguồn để bán ra thị trường hoặc xuất khẩu cũng rất quan trọng trong việc đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm" - ông Tiển nói.

Thực tế cho thấy hiện tại ở Bình Thuận vẫn đang có những hộ trồng thanh long bán được sản phẩm với mức giá cao và có thị trường tiêu thụ ổn định. Ông Phan Đình Khiêm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Bình Thuận, cho biết đó là những hộ tham gia vào các HTX sản xuất tạo thành chuỗi liên kết thanh long. Khi tham gia các chuỗi để liên kết sản xuất, nông dân không sản xuất một cách tự phát mà sản xuất theo đơn đặt hàng và yêu cầu kỹ thuật của phía đối tác. Chính vì vậy, sản phẩm sẽ mang tính ổn định về giá và đầu ra.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM), cho biết hiện nay DN vẫn thu mua thanh long tại vườn của nông dân với giá 16.000 đồng/kg (ruột trắng), 24.000 đồng/kg (ruột đỏ) để xuất khẩu sang Mỹ. Điều kiện thu mua là nông dân phải tham gia chuỗi liên kết với DN, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ và được cấp mã số theo quy định. Tuy nhiên, DN cũng chỉ thu mua theo sản lượng xuất khẩu theo hợp đồng bình thường, không tăng lên. "Nếu đột ngột tăng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ mà nhu cầu thị trường không có sẽ bị thừa giống như Trung Quốc. Tình hình hiện nay cũng là hồi chuông cảnh báo cho nông dân cần thay đổi sản xuất để đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc. Nếu chỉ sản xuất theo cách cũ thì chỉ có thể bán cho Trung Quốc với quá nhiều rủi ro" - ông Tùng nói. 

Chưa mặn mà với chuỗi liên kết

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đến nay tỉnh vẫn chưa có hợp đồng liên kết giữa DN với người dân trong bao tiêu thanh long. Thậm chí, vào các năm 2016, 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã đứng ra mời DN về địa phương để xúc tiến ký hợp đồng bao tiêu cho người trồng nhưng không thành công. Bởi người dân vẫn đang trồng theo dạng truyền thống, trong khi DN cần tuân thủ theo quy trình nhất quán để bảo đảm nguồn hàng đúng tiêu chuẩn họ đặt ra.

"Phương án lâu dài mà chi cục đề ra vẫn là tiếp tục mời gọi DN về thống nhất với người dân quy trình, bắt buộc người dân phải tuân thủ theo tiêu chuẩn họ đặt ra không thể trồng tự phát được, còn các cơ quan quản lý nhà nước với vai trò giám sát sẽ đứng ở giữa, có trách nhiệm tuyên truyền người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn để có thể nhập vào các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ trong nước và xuất đi nước ngoài" - ông Đức chia sẻ.

Ng.Giang

Không có chuyện Trung Quốc ngừng mua thanh long

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, ngay khi có thông tin thanh long rớt giá, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật đã trực tiếp đi kiểm tra tại các cửa khẩu và nhận thấy hoạt động xuất khẩu quả thanh long Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, không có chuyện Trung Quốc ngừng thu mua thanh long của Việt Nam.

"Hiện mỗi ngày, ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, có 13.000 tấn thanh long tươi của Việt Nam xuất qua Trung Quốc. Thời gian qua, các thủ tục, quy định về trình tự kiểm dịch cửa khẩu đối với mặt hàng quả thanh long vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ sự thay đổi nào ở cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc" - ông Hoàng Trung nói.

Về việc thanh long rớt giá, ông Lê Sơn Hà, Trưởng Phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng cũng giống như câu chuyện trái vải, nhãn giá vài ngàn đồng/kg, mặt hàng thanh long cũng chia làm nhiều loại. Các mặt hàng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn đang được doanh nghiệp thu mua với giá 20.000-25.000 đồng/kg. Còn loại một vài ngàn đồng/kg là thanh long phẩm cấp thấp, chất lượng, mẫu mã không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc bán trong hệ thống cửa hàng, siêu thị.

Theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Trung quốc là thị trường tiêu thụ 90% thanh long tươi của Việt Nam, tuy nhiên quốc gia này ngày càng kiểm soát hình thức biên mậu, nâng cao yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc đối với quả tươi nhập khẩu, trong đó có thanh long của Việt Nam. Do đó, các địa phương cần tuân thủ quy hoạch vùng trồng thanh long và chú trọng sản xuất thanh long chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.

V.Duẩn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Khánh - Thanh Nhân - Ngọc Ánh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN