Hệ lụy khó lường từ việc gom cây trầm gió bán cho thương lái

Sự kiện: Kinh Doanh

Thời gian gần đây, có rất nhiều người dân ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế bỏ việc đồng áng đổ xô săn tìm cây trầm gió, phơi khô bán cho thương lái Trung Quốc.

Tại huyện Phú Vang, địa bàn có nhiều đồi cát nên có số lượng lớn loài cây trầm gió. Cây trầm gió mọc trên đất cát, có mùi thơm nhẹ, đặc biệt khi đốt xông thì có mùi thơm như trầm. Theo nhiều hộ dân địa phương ở thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, nếu trước đây loài cây tự nhiên này không được nhiều người để ý đến thì giờ đây, nó được xem là “lộc trời” do có nhiều thương lái tìm đến thu mua với giá cao.

Bà M. ở tổ dân phố Đức Lam Trung, thị trấn Phú Đa cho biết, thương lái thu mua trầm gió tươi với giá 2.500 đồng/kg nên người dân đã kéo nhau đi chặt về bán.

Từ cây nhỏ đến cây lớn, cành lá, gốc rễ đều được thu mua khiến số lượng lớn cây trầm gió tự nhiên chặt hạ không thương tiếc. Khi được hỏi, vì sao thương lái lại thu mua cây này,  thì bà M. trả lời, thương lái thu mua cây trầm gió để bán sang Trung Quốc…

Người dân thị trấn Phú Đa chặt trầm gió phơi khô bán cho thương lái.

Người dân thị trấn Phú Đa chặt trầm gió phơi khô bán cho thương lái.

Cây trầm gió vốn có tác dụng chống cát bay, cát nhảy, giữ đất, giữ nước ở vùng cát nên việc người dân tìm chặt cây trầm gió đem bán sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Vì thế, ngay sau khi nhận được thông tin người dân ồ ạt chặt hạ trầm gió bán cho thương lái Trung Quốc, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (XNC) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cử CBCS về thị trấn Phú Đa để tìm hiểu sự việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm rõ, người dân ở huyện Phú Vang chặt hạ trầm gió để bán cho bà Lê Thị Thanh Nhung (35 tuổi, trú ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).

Bà Nhung kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc (27 tuổi) và có một con nhỏ. Sau thời gian làm việc ở Trung Quốc, 2 vợ chồng bà Nhung về Việt Nam thăm gia đình và gửi con nhỏ ở nhà bố mẹ tại TP Đồng Hới, sau đó vào thăm bà ngoại là Phan Thị Thíu (trú ở thị trấn Phú Đa).

Tại đây, khi tình cờ chụp ảnh cây trầm gió và đăng tải thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội thì có người liên hệ bà Nhung nhờ thu mua loại cây này với số lượng lớn để làm thuốc. “Tôi được một người ở miền Bắc nhờ thu mua cây trầm gió và cho tạm ứng 20 triệu đồng. Cứ mỗi lần thu mua được khoảng 5 tấn trầm gió rồi chặt nhỏ, phơi khô thì tôi sẽ chuyển ra cho người này và được họ trả công 10 triệu đồng/tấn”, bà Nhung nói.

Tại căn nhà của bà Thíu, chúng tôi ghi nhận vợ chồng bà Nhung đã thu mua số lượng lớn cây trầm gió đã phơi khô được đóng trong hàng chục bao tải để chờ vận chuyển đi tiêu thụ. Cũng vì “cơn sốt” trầm gió nên nhiều người dân ở thị trấn Phú Đa và các xã như Vinh Thái, Vinh Phú (huyện Phú Vang) đã bỏ bê công việc thường nhật để vào rừng tìm trầm gió.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa, hiện địa phương đã liên tiếp phát đi thông tin cảnh báo về việc người dân ồ ạt chặt cây trầm gió trên hệ thống loa phát thanh; đồng thời yêu cầu người dân ngừng việc chặt phá cây trầm gió để tránh ảnh hưởng hệ sinh thái rừng về lâu dài.

Đại úy Nguyễn Đình Công, Trưởng Công an thị trấn Phú Đa cho hay: “Trong công tác tuyên truyền, đơn vị đã dẫn chứng nhiều vụ việc, bài học kinh nghiệm từ việc người dân ở các địa phương ồ ạt chặt cây rừng, nông lâm sản… để bán cho thương lái, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc mà trên hết là gây xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng đến ANTT địa bàn để người dân hiểu rõ”.

Lãnh đạo Phòng Quản lý XNC Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, do chồng bà Nhung là người mang quốc tịch Trung Quốc nên đơn vị phối hợp với Công an huyện Phú Vang tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục về công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài khi ở Việt Nam.

Việc thu mua, kinh doanh loại cây trầm gió cũng không nằm ngoài quy định của pháp luật Việt Nam nên yêu cầu vợ chồng bà Nhung, cũng như các hộ dân khác ngừng việc thu mua, chặt phá cây trầm gió tự nhiên để bảo vệ loại cây này nhằm tránh các hệ lụy về sau.

Mua bọ ban miêu bán cho thương lái Trung Quốc: Có thể bị phạt tới 6 triệu

Liên quan đến tình trạng lùng bắt, mua bán loài bọ ban miêu (bọ có 3 sọc vàng) đang diễn ra phức tạp, Chi cục Trồng trọt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Khoa ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN