Hàng nội gắn mác ngoại
Việc các doanh nghiệp ra nước ngoài đặt hàng sản xuất sản phẩm của mình rồi nhập về Việt Nam với tư cách nhà phân phối độc quyền dẫn tới không ít hệ lụy.
Một loạt nhãn hiệu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… như Dr Kool, Dr Clean, Queenie… thực chất thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp Việt là Công ty CP Thương mại Sản xuất và Dịch vụ Sao Nam (Công ty Sao Nam).
Đủ chiêu làm ăn
Theo khảo sát, các sản phẩm “hàng nội mác ngoại” như kem đánh răng, bàn chải đánh răng, sữa tắm Dr Kool, nước rửa tay Dr Clean, có mặt ở hầu hết các hệ thống siêu thị như Unimart, Fivimart, Metro… Ngay hệ thống siêu thị vốn ưu tiên 95% hàng Việt như Big C, những dòng sản phẩm trên cũng len lỏi vào trong số 5% hàng nhập ngoại. Theo đánh giá của các siêu thị, ở nhiều thời điểm, bàn chải và kem đánh răng Dr Kool khá hút khách, riêng mặt hàng Dr Clean đang thống lĩnh thị trường nước rửa tay trong nước.
Nhãn hiệu Dr Clean của Công ty Sao Nam nhiều thời điểm giữ vị trí thống lĩnh thị trường nước rửa tay.
Ông Phạm Công Sinh, Giám đốc Công ty Sao Nam, cho biết hình thức kinh doanh của doanh nghiệp (DN) là gửi mẫu mã, thiết kế và thương hiệu sang nước ngoài, thuê nhà máy ở các nước gia công theo đơn đặt hàng rồi nhập về dưới hình thức là nhà phân phối độc quyền. Khi đó, hàng hóa nghiễm nhiên mang xuất xứ “made in… nơi sản xuất”, về Việt Nam sẽ được dán nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Tương tự, một số mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật cũng được các DN đưa sang nước ngoài sản xuất. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Thị Xuân Thu cảnh báo hiện nay nhiều DN đặt sản xuất các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật ở nước ngoài rồi vận chuyển về Việt Nam như: thuốc bảo quản thực vật, thuốc chín ép trái cây... Theo một số chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do lợi nhuận từ những mặt hàng này quá lớn, DN tránh sản xuất “chui” trong nước có nguy cơ bị phạt vi phạm chất lượng.
Đe dọa sản xuất nội địa
Phân tích về giá của những mặt hàng này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết các DN đặt hàng sản xuất ở nước ngoài phải trả lương công nhân cao hơn sản xuất nội địa, chi phí vận chuyển lớn, phải chịu thuế nhập khẩu. Nhưng bù lại, do tận dụng được ưu thế về công nghệ hiện đại, được cung cấp dịch vụ trọn gói, năng suất lao động cao nên tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành. “Nhìn chung, giá những mặt hàng này vẫn cao hơn hàng nội địa. Lý do duy nhất để các DN sang nước ngoài sản xuất là do người Việt có tâm lý sính hàng ngoại nên dù giá cao hơn một chút vẫn bán được hàng, lợi nhuận so sánh vẫn lớn hơn sản xuất trong nước” - ông Phú nói.
Kem đánh răng Dr Kool được bày bán tại siêu thị Unimart - Hà Nội.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho lợi nhuận của DN chính là nền sản xuất trong nước bị đe dọa khi hàng hóa mác ngoại ồ ạt vào thị trường và chiếm được cảm tình người tiêu dùng. Ông Phú chỉ rõ: “Khi đó, người tiêu dùng không mua hàng hóa liên doanh trong nước hoặc hàng nội địa nữa, nhà nước sẽ không thu được thuế sản xuất, thuế thu nhập DN, lao động trong nước dư thừa, nguồn vốn nội địa để phát triển kinh tế bị chảy ra nước ngoài”.
Theo đánh giá của TS Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương, việc các DN ra nước ngoài “nhờ” sản xuất hàng hóa rồi dán mác ngoại đưa về nước tiêu thụ hoàn toàn không đóng góp gì cho sản xuất, kinh tế trong nước cũng như không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Ngược lại, sản xuất nội địa bị thu hẹp và khó sống trước sự cạnh tranh của hàng ngoại, người tiêu dùng phải mua hàng giá cao mà thực chất giá thành không đến mức đó nếu sản xuất trong nước!
Khó kiểm soát
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết hoạt động ra nước ngoài sản xuất hàng hóa rồi nhập về tiêu thụ trong nước gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong quá trình kiểm soát, quản lý các giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm cũng như khó xử lý triệt để khi phát hiện. TS Hoàng Thọ Xuân băn khoăn: “Hàng hóa mang mác nhập ngoại thì rõ ràng Việt Nam không quản lý chất lượng, vấn đề còn chưa rõ là bên nhận gia công có bảo đảm được chất lượng cho sản phẩm hay không”.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, hiện chưa có khung pháp lý điều chỉnh nên về lý thì các DN không phạm luật. Tuy nhiên, vẫn cần xem xét đến việc xây dựng những quy định cụ thể để quản lý hình thức kinh doanh này. Trong khi đó, TS Hoàng Thọ Xuân khẳng định: “Trước mắt, hoàn toàn có thể dựa vào những quy định hiện hành như nghị định của Chính phủ về chống buôn lậu và gian lận thương mại để quản lý, kiểm soát chặt những nguồn hàng này về nhãn mác, xuất xứ, bản quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động xuất nhập khẩu... Vấn đề là các đơn vị liên quan chưa mạnh tay xử lý”.
Dễ thành trào lưu Ông Vũ Vinh Phú nhận định nếu chính sách kinh doanh chưa cởi mở và người Việt chưa chuộng hàng Việt thì không những không kéo được DN về kinh doanh trên “sân nhà” mà hiện tượng DN Việt mang sản phẩm ra nước ngoài sản xuất sẽ trở thành xu thế phổ biến. “Cái khó là phải thay đổi tâm lý và thói quen tiêu dùng của người Việt, mà điều này phải 5-10 năm nữa mới chuyển biến được” - ông Phú nói. Một số DN cho biết hiện công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn hạn chế hoặc chưa có nên có những sản phẩm muốn sản xuất trong nước phải nhập khẩu 100% nguyên liệu dẫn đến DN còn ngại việc trở về nước. |