Giá dầu ngày 10/5: Tăng vọt, vượt xa mốc cuối tuần trước

Sự kiện: Giá xăng

Tăng, giảm rồi lại tăng, giảm là diễn biến của giá dầu tuần qua khi các thông tin hỗ trợ thị trường chưa thực sự vững chắc.

Ngay phiên đầu tuần giá dầu giảm sốc. Từ đầu phiên, giá dầu WTI đã để mất tới 7,7% xuống 18,2 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 3,8% xuống 25,6 USD/thùng.

Những thông tin không mấy lạc quan về kinh tế Mỹ được cho là mồi lửa khiến giá dầu lao dốc.  Trước tác động của Covid-19, GDP quý I của Mỹ giảm 4,8%. Đây là mức thấp nhất từ khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước. Chi tiêu của người Mỹ giảm 7,6% và đầu tư của doanh nghiệp giảm 8,6%. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã cảnh báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến giảm xuống mức thấp kỷ lục 9,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Hoạt động sản xuất đã được điều chỉnh chậm lại do các kho chứa dầu đang dần đạt mức tối đa.

Nhưng ngay phiên sau đó, giá dầu lại bật tăng mạnh mẽ vượt lên trên mốc 20 USD/thùng do giới đầu tư kì vọng sự phục hồi về sức cầu khi các nền kinh tế bắt đầu nới lỏng dần cách ly như Italy, Phần Lan và một số bang của Mỹ. Bên cạnh đó, thỏa thuận của OPEC+ đang được các quốc gia thực hiện.

Giá dầu tiếp tục tiến sát mốc 25 USD/thùng khi những thông tin tích cực về kho chứa dầu và sự phục hồi của kinh tế các nước được đưa ra.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, nước này đang nghiên cứu các cách để mở rộng không gian lưu trữ, giúp chứa thêm hàng trăm triệu thùng dầu. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nói với giới truyền thông rằng, ông sẽ sớm công bố kế hoạch "giải cứu" ngành công nghiệp dầu mỏ. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới mở cửa trở lại, giới đầu tư kì vọng nhu cầu dầu thô sẽ tăng.

Tuy nhiên, những điểm tựa này không hề vững chắc để duy trì đà tăng cho giá dầu trong hai phiên giao dịch tiếp theo. Hàng loạt các thông tin không mấy khả quan về các nền kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ tới diễn biến giá dầu. Theo Ủy ban châu Âu dự báo, nền kinh tế EU sẽ suy giảm mức kỷ lục 7,5% trong năm 2020, đồng thời cảnh báo nợ công và thâm hụt ngân sách sẽ tăng bội do các gói hỗ trợ nền kinh tế chống dịch Covid-19.

Tại Trung Quốc, ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề khi chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ chỉ đạt ở mức thấp 44,4 điểm.

Trong khi đó, tại Mỹ, thông tin từ Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có 3,2 triệu người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua. Như vậy, Mỹ đã có tổng số 33,5 triệu người đăng ký xin trợ cấp của chính phủ do mất việc.

Kinh tế suy giảm, sức cầu đối với các sản phẩm dầu thô đi xuống chưa có dấu hiệu phục hồi trong khi nguồn cung vẫn khá lớn, kho chứa dầu quá tải.  Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 6/5 cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng khoảng 4,6 triệu thùng trong tuần trước, ghi nhận tuần tăng thứ 15 liên tiếp.

Phiên cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 4,54% lên 24,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 4,82% lên 30,88 USD/thùng.

Như vậy, mặc dù có những diễn biến trái chiều, giá dầu trong tuần vẫn có mức tăng đáng kể so với cuối tuần trước.

Các thành phần tham gia thị trường đang theo dõi tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra ở Mỹ đối với nhu cầu dầu mỏ trong những tháng tới.

Giá dầu có tuần giao dịch thành công khi tăng mạnh so với cuối tuần trước

Giá dầu có tuần giao dịch thành công khi tăng mạnh so với cuối tuần trước

Tại thị trường trong nước, ngày 10/5,  giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 10.942 đồng/lít;

- Xăng RON95-III: không cao hơn 11.631 đồng/lít;

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 9.941 đồng/lít;

- Dầu hỏa: không cao hơn 7.965 đồng/lít;

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 8.670 đồng/kg.   

Nguồn: [Link nguồn]

Giá dầu hôm nay 9/5: “Cắm đầu” tăng mạnh dù Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát

Sau phiên lao dốc ngày hôm qua, giá dầu ngay lập tức hồi phục, quay đầu tăng mạnh dù theo các nhà phân tích, chưa có căn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trang ([Tên nguồn])
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN