DN đầu tư vào nông nghiệp: Khó tìm được “đất sạch”!

Khi đầu tư vào nông nghiệp, đối với các doanh nghiệp (DN) thì vốn và công nghệ không phải là trở ngại lớn, mà vấn đề nằm ở chỗ, họ rất khó tìm được đất để sản xuất trên quy mô lớn, nhất là “đất sạch”. Một số chuyên gia cho rằng, DN chỉ cần gom một phần “đất lõi”, còn lại là liên kết với nông dân, song xem ra việc này cũng không hề dễ dàng…

Tìm đất ở đâu?

Khác với việc thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, việc gom đất để các DN đầu tư sản xuất nông nghiệp không hề dễ dàng, bởi diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp cần lớn hơn rất nhiều so với công nghiệp. Mặt khác, hiện chúng ta cũng chưa có cơ chế “lấy đất của người này, giao cho người khác làm nông nghiệp”. Đây cũng chính là lý do như Tập đoàn Vingroup mặc dù “thai nghén” cho việc đầu tư vào nông nghiệp đã lâu bằng việc mới công bố thành lập Công ty VinEco chuyên về nông nghiệp với số vốn 2.000 tỷ đồng, song theo tiết lộ ban đầu, hiện số đất DN này gom được chưa đủ lớn và vẫn đang trong quá trình phải đi… tìm đất để trồng rau.

DN đầu tư vào nông nghiệp: Khó tìm được “đất sạch”! - 1

Một khu đất nông trường ở huyện Di Linh, Lâm Đồng hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: Hải Hà

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều DN đã và đang trong quá trình xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp. Ông Nguyễn Lâm Viên- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết, trong nhiều năm qua DN của ông rất khó khăn trong việc đi tìm kiếm đất đai để mở rộng vùng trồng mít. Cho đến nay, mới chỉ gom được khoảng gần 500ha, trong đó phần lớn là diện tích liên kết với nông dân, đặc biệt ở miền Bắc, ông mới gom được có 30ha đất tại Hải Dương. “Chúng tôi đã có nhà máy chế biến mít từ Cà Mau ra đến tận Lạng Sơn, nên rất cần có diện tích lớn để sản xuất quy mô hàng hóa, phục vụ chế biến xuất khẩu. Tuy vậy, với thực trạng như hiện nay, thực sự không biết tìm đất ở đâu”- ông Viên nói. Ông Viên cũng chia sẻ câu chuyện khó là, tại An Giang, DN của ông đã được cấp 2.000ha đất, nhưng vừa cấp xong, dân lại ùa vào đòi lại, vì sợ DN… chiếm đất.

Cũng chính vì khó khăn trong việc tìm đất ở trong nước, nên Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã “khởi nghiệp” trong lĩnh vực nông nghiệp tại… Lào và đã khá thành công. Lãnh đạo HAGL từng chia sẻ, ở Việt Nam gom 10-20ha đất là rất khó khăn, song ở Attapeu (Lào), DN đã gom được tới hàng chục nghìn ha đất để sản xuất mía, cọ dầu, ngô. Nhờ thế, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất rất thuận lợi. Ông Võ Trường Sơn- Tổng Giám đốc HAGL cho biết, ở trong nước chúng tôi chỉ dám đặt vấn đề liên kết với các hộ nông dân để sản xuất (cụ thể là trồng ngô, nuôi bò), nhưng việc này cũng không đơn giản, do đất đai giao cho các hộ còn manh mún, nhiều khi muốn liên kết làm vài chục ha cũng phải đi làm việc với mấy chục hộ”. Vì thế, ông Sơn cho rằng, các hộ nông dân cần liên kết lại thành các hợp tác xã hay tổ hợp tác khác nhau, khi đó việc liên kết giữa nông dân và DN sẽ dễ dàng hơn.

Nên lấy đất của nông, lâm trường?

Theo thống kê, nước ta hiện có 9 triệu ha đất sản xuất, 1 triệu ha mặt nước thủy sản và 8 triệu ha đất rừng kinh tế. Tuy nhiên, diện tích đất trên lại nằm rải rác ở… 15 triệu hộ, có nghĩa là bình quân mỗi hộ chưa có được tới 1ha đất canh tác. Trong số này, 10 triệu ha đất sản xuất và mặt nước thủy sản, hầu hết đã được chia cho các hộ dân sử dụng, nên việc gom đất vào thành một khu rất khó thành hiện thực. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng: “Để tháo nút thắt này, thực ra trước mắt DN chỉ cần tạo cho mình một vùng đất lõi tối thiểu để sản xuất, còn lại là liên kết với nông dân bằng những diện tích ngoài. Muốn thực hiện được điều này, vai trò hỗ trợ của nhà nước và chính quyền địa phương đối với DN là rất quan trọng”.

Chúng ta không lo DN lấy mất đất hay chiếm đất, thực tế DN cũng không thể lấy được đất của nông dân, vì còn vướng vào rất nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng, vấn đề tưới tiêu thủy lợi, nhân công lao động… Một mình DN không thể làm hết được, nên tôi nghĩ DN chỉ cần một phần đất lõi, còn lại họ vẫn cần có nông dân làm vệ tinh để liên kết, tổ chức sản xuất.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Cũng là một cách “lấy” đất của nông dân, ông Đỗ Duy Thưởng- Chủ nhiệm HTX Hà Huy Thưởng chuyên trồng hoa ở xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) lại có cách “lấy” khéo, đó là ông thuê toàn bộ 30ha đất của bà con sở tại bằng cách trả tiền bằng đúng 100% năng suất trên một đơn vị diện tích đất, điều đó có nghĩa người có đất không cần phải làm cũng có ăn. Thế nhưng, theo ông Thưởng, nhiều hộ vẫn không tin tưởng mình, chỉ sợ mình lấy đất xong rồi… chiếm luôn của họ, phải làm qua rất nhiều năm mới tạm tạo được sự tin tưởng đối với người dân có đất.

Trước những khó khăn trên, đã có một số ý kiến cho rằng, thay vì phải đi tìm đất hay liên kết để có đất sản xuất, nhà nước nên tạo cơ chế chính sách để cho DN được sử dụng đất của các nông lâm trường, đất của các tổng đội thanh niên xung phong cũ làm ăn kém hiệu quả hoặc bỏ hoang. Theo một số liệu nghiên cứu của Viện Tư vấn phát triển CODE (Hà Nội), cả nước hiện còn hơn 4 triệu ha đất nằm trong các nông lâm trường, trong đó có đến hơn 1,1 triệu ha đáng lẽ phải trả lại cho dân, song các đơn vị này vẫn chưa thực hiện. Còn một số liệu của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, cả nước hiện còn 56 nông lâm trường, phần lớn trong số này hoạt động kém hiệu quả.

Cũng chính vì thế, theo ông Vijay Kumar Pandey- Giám đốc tài chính Tập đoàn TH, trước mắt Nhà nước nên hỗ trợ DN lấy đất từ các nông trường đang bị bỏ hoang để DN có phần đất “lõi” đáp ứng những mục tiêu sản xuất tối thiểu, nhất là ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kế đến giai đoạn sau sẽ đưa nông dân trở thành một mắt xích trong quá trình sản xuất của DN, chỉ có làm như thế mới giải quyết được bài toán đất, nhất là “đất sạch” cho DN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN